Điều ít biết về nữ chủ bút đầu tiên Sương Nguyệt Anh

GD&TĐ - Đã tròn 100 năm nhà báo Sương Nguyệt Anh qua đời, nhưng cho đến nay, nhiều người vẫn phải xúc động về nữ chủ bút đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam.

Một bức ảnh chụp bà Sương Nguyệt Anh thời trẻ.
Một bức ảnh chụp bà Sương Nguyệt Anh thời trẻ.

Sương Nguyệt Anh (1864 - 1922) tên thật là Nguyễn Thị Khuê, sinh tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Bà là con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Là một phụ nữ tài năng nhưng số phận đa đoan, chính bà đã chọn bút hiệu Sương Nguyệt Anh để nói về nỗi niềm của một góa phụ.

Nữ nhi tài sắc, đa đoan

Theo tư liệu “Nguyễn chi thế phổ” và một số tư liệu, Sương Nguyệt Anh học giỏi, thường làm thơ bằng chữ Hán và Quốc ngữ để bày tỏ tâm sự trước cảnh nước mất nhà tan, nhân dân lầm than đau khổ. Bà được ghi nhận là nữ chủ bút đầu tiên của Việt Nam. Tờ báo “Nữ giới chung” do bà phụ trách là tờ báo đầu tiên của giới nữ, được xuất bản tại Sài Gòn.

Khi bà sinh ra, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã rất nổi tiếng ở Nam Bộ với truyện thơ Lục Văn Tiên, cùng những bài thơ chống Pháp. Bà cùng người chị là Nguyễn Thị Xuyến, được cha truyền dạy nên giỏi cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Khi cả hai khôn lớn, nổi tiếng tài sắc, được người quanh vùng ca tụng gọi là Nhị Kiều.

Sinh ra trong một gia đình nhà Nho, lại được sự giáo dục kỹ lưỡng của người cha danh tiếng lẫy lừng Gia Định, Sương Nguyệt Anh được yêu mến bởi tính tình điềm đạm, đôn hậu. Suốt thời thanh xuân, bà nổi danh cả về tài sắc lẫn đức hạnh. Ngay cả khi gia đình rơi vào cảnh khó khăn, bà nghỉ học để vừa chăm lo việc gia đình, vừa giúp đỡ cha bốc thuốc chữa bệnh.

Năm 1888, Sương Nguyệt Anh 24 tuổi thì cha mất. Tri phủ Ba Tường - ông Phủ Xuyên đến hỏi bà làm vợ không được nên mang lòng oán hận tìm cách hãm hại.

Để tránh tai họa, bà cùng gia đình người anh (Nguyễn Đình Chúc) chuyển sang Cái Nứa (Mỹ Tho) rồi về Rạch Miễu ở nhờ nhà ông nghè Trương Văn Mân. Tại đây, bà kết duyên với một phó tổng sở góa vợ tên là Nguyễn Công Tính và sinh được cô con gái là Nguyễn Thị Vinh.

Năm con gái được 2 tuổi thì chồng mất (có thuyết nói bị Phủ Xuyên âm mưu sát hại). Bà tuy mới 30 tuổi nhưng quyết không đi thêm bước nữa, thủ tiết nuôi con, thờ chồng và mở trường dạy chữ Nho cho học trò trong vùng. Cũng từ đó, bà thêm trước bút hiệu Nguyệt Anh một chữ “Sương” thành Sương Nguyệt Anh - có nghĩa Nguyệt Anh góa chồng.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Phi Hoanh vẽ Nguyễn Đình Chiểu sáng tác, bà Sương Nguyệt Anh (con gái) ghi chép.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Phi Hoanh vẽ Nguyễn Đình Chiểu sáng tác, bà Sương Nguyệt Anh (con gái) ghi chép.

Nữ chủ bút đầu tiên

“Nữ giới chung” xuất bản số đầu tiên vào ngày 1/2/1918.

Nữ giới chung” xuất bản số đầu tiên vào ngày 1/2/1918.
Theo GS Trịnh Vân Thanh trong “Thành ngữ danh nhân tự điển” (1966): “Nhắc đến Sương Nguyệt Anh, người ta còn thấy lại nơi bà một tấm gương hoạt động cho phái nữ lưu. Người ta không quên một cây bút rắn rỏi đã từng nêu trên tờ “Nữ giới chung” nhiều vấn đề lý thú về phận sự đàn bà đối với gia đình và xã hội. Trong buổi giao thời, phụ nữ nước nhà vừa ra khỏi khuê môn để tiếp xúc với văn hóa Âu Tây, bà Sương Nguyệt Anh rất xứng đáng là nữ sĩ tiền phong trên đất Việt”.

Những năm 1906 - 1908, hưởng ứng phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, bà bán một phần điền sản và vận động quyên góp để giúp học sinh xuất dương sang Nhật Bản du học.

Năm 1917, Sương Nguyệt Anh được một nhóm chí sĩ yêu nước mời làm chủ bút tờ “Nữ giới chung” (Tiếng chuông của nữ giới). Đây là tờ báo đầu tiên dành riêng cho phụ nữ Việt Nam. Tờ báo ra số đầu tiên ngày 1/2/1918, với chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương, đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội.

Trong số mở đầu, chủ bút Sương Nguyệt Anh nói rõ mục đích của tờ báo là truyền bá chữ Quốc ngữ, nâng cao luân lý, dạy cách sống hằng ngày. Đồng thời, tờ báo cũng chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và nhất là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội.

Suốt 20 số báo, Sương Nguyệt Anh dành trọn cả tài năng và tâm huyết của mình để góp phần làm chấn hưng tinh thần nữ giới nước nhà. Bà công khai phê phán luật lệ khắt khe với nữ giới, đấu tranh mạnh mẽ cho vấn đề bình đẳng nam nữ.

Sương Nguyệt Anh sáng tác nhiều, nhưng không gom thành tập. Nay chỉ còn một số bài thơ, như: Đoan Ngọ nhật điếu Khuất Nguyên, Tức sự, Chinh Phụ thi, Thưởng bạch Mai, Vịnh ni cô, vua Thành Thái vào Nam, cảm tác khi lính Việt đi Âu chiến... và vài bài vè như Vè tiểu yêu, Vè thầy Hỷ, Vè đánh đề.

Ngoài bản dịch bộ “Yên Sơn ngoại sử” của Trung Quốc ra thơ lục bát, một số ít bài thơ chữ Hán, thể vè lục bát; thơ của Sương Nguyệt Anh phần lớn là thơ Nôm, theo thể Đường luật.

Để bộc lộ cuộc nợ duyên dang dở của mình, bà viết: Năm canh thức nhấp... năm canh những/ Nửa gối so le, nửa gối chờ/ Vườn én rủ ren trên lối cũ/ Canh gà xao xác giục tình xưa...

Thơ của bà phần nhiều là để đối đáp lại những người đã trêu ghẹo, đã tỏ tình với mình, nhằm nêu lên đức kiên trinh của người phụ nữ Nam Bộ, như: Tiễn ông Kinh Hối nhậm chức kinh lịch ở Sa Đéc, Họa thơ Bảy Nguyện, Họa thơ Phủ Ngọc, Họa thơ Bái Liêu, Thưởng Bạch Mai, Vịnh ni cô.

Trong số bài thơ khác, Sương Nguyệt Anh đã kín đáo gửi gắm tấm lòng yêu nước, thương dân, quan tâm đến thời cuộc. Trong bài “Vua Thành Thái vào Nam”, bà viết: Vui lòng thánh đế nơi xe ngựa/ Xót dạ thần dân chốn lửa than/ Nước mắt có cùng trời đất biết/ Biển dâu một cuộc thấy mà thương.

Trên tờ “Nữ giới chung”, bà đăng nhiều bài thơ đề cao tinh thần quật khởi của các nữ anh hùng dân tộc như Bà Trưng, Bà Triệu hoặc đăng những bài thơ đề cao nữ quyền, khuyên thanh niên Việt Nam không đi lính cho Pháp trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất 1914 - 1918.

Tuy nhiên, dù ngòi bút của Sương Nguyệt Anh có khéo léo đến đâu thì tầm ảnh hưởng của tờ báo đã khiến mật thám Pháp phải chú ý và e ngại. Sau gần một năm hoạt động, xuất bản được hơn 20 số báo, tháng 7/1918 tờ báo đã bị chính quyền thuộc Pháp buộc đình bản. Cũng ngay lúc này, người con gái độc nhất của bà (Nguyễn Thị Vinh) vừa sinh nở xong, ngã bệnh qua đời.

Sau đó, mắt bà bị bệnh thường xuyên đau nhức và sức khỏe cũng dần suy kiệt. Nghe lời thầy thuốc, Sương Nguyệt Anh dẫn cháu ngoại trở về Mỹ Chánh Hòa (Ba Tri), nương náu nơi nhà người em út tên là Nguyễn Đình Chiêm để chạy chữa, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, đôi mắt bà bị mù hẳn.

Từ đấy, sớm chiều bà lại tiếp tục dò dẫm bốc thuốc, dạy học và sáng tác thơ văn. Sáng sớm ngày 12 tháng Chạp năm Tân Dậu (tức ngày 9/1/1922), do sức khỏe quá yếu, Sương Nguyệt Anh trút đã hơi thở cuối cùng, thọ 58 tuổi.

Lúc đầu, mộ nhà báo Sương Nguyệt Anh ở Mỹ Nhơn, về sau (năm 1959) được đồng bào cải táng về nằm cạnh mộ phần của song thân - trong khu đền thờ và mộ danh nhân Nguyễn Đình Chiểu ngày nay.

Giai thoại những lời từ chối

Mộ nhà báo Sương Nguyệt Anh tại quê nhà Ba Tri (Bến Tre).

Mộ nhà báo Sương Nguyệt Anh tại quê nhà Ba Tri (Bến Tre).

Bằng tất cả tài năng, tâm huyết, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp chung, Sương Nguyệt Anh đã để lại trong tâm trí người Việt hình ảnh đẹp về một nữ chủ bút đầu tiên, một nhà thơ đa tài và một người tiên phong trong cuộc đấu tranh vì quyền lợi, địa vị của phụ nữ nước nhà.

Nhà thơ Nguyễn Liên Phong (tác giả Điếu cổ hạ kim thi tập) đã dành những lời thật xứng đáng khi viết về Sương Nguyệt Anh: Gương tỏ đời nay trang tiết phụ/ Lâu đài tiếng tốt tạc non sông.

Ở Bến Tre ngày nay, giới văn nhân vẫn lưu truyền nhiều giai thoại chữ nghĩa về nhà báo Sương Nguyệt Anh. Chuyện rằng, cụ Đồ Chiểu tuy mù lòa, nhưng giỏi nghề thuốc lại khẳng khái yêu nước chống Pháp nên khách lui đến nhà rất đông.

Nguyễn Xuân Khuê đang thời con gái, nhiều chàng muốn kết duyên. Trong số đó có hai anh chàng tên là Xương và Giảng. Hai người này thường đến nhà cụ Đồ chơi cờ, thỉnh thoảng lại họa thơ, cột ghẹo con gái cụ Đồ.

Muốn đuổi khéo hai anh chàng, cô bèn ra câu đối: Đằng tiểu quốc sự Tề hổ, sự Sở hồ? (Nước Đằng nhỏ, nước Tề và nước Sở ép hai bên, quay đầu về Sở, e Tề giận - ngoảnh mặt về Tề, sợ Sở ghen).

Anh chàng Giảng nghĩ mãi chưa ra, chàng Xương gỡ thế bí, xin đối: Ngã đại trượng, phạt Quách hỷ, phạt Sở hỷ (Gậy ta dài, trị Quách ngồi nước Yên, trị cả nước Sở).

Cô Khuê vừa nghe xong, đỏ mặt, lẳng lặng bỏ vào buồng. Lát sau một đứa nhỏ ra, trao cho hai chàng một mảnh giấy viết: “Chiêu Quân nhan sắc nghe ra uổng/ Tây Tử phong lưu nghĩ lại buồn!”. Câu này ngụ ý rằng: Nàng Chiêu Quân lẫn nàng Tây Thi là cô Xuân Khuê đã chê cả hai chàng! Hai chàng đành ra về.

Một lần khác có thầy Bảy nộp đơn ghẹo Sương Nguyệt Anh với bài thơ tứ tuyệt: Ai về nhắn với Nguyệt Anh Cô/ Chẳng biết lòng cô tính thế nào/ Không phải vãi chùa sao đóng cửa?/ Đây lòng gấm nghé bắc cầu ô.

Chả lẽ không đáp lời, Sương Nguyệt Anh Cô đành phải họa: Chẳng phải tiên cô cũng đạo cô/ Cuộc đời dâu bể biết là mô!/ Lọng sườn dầu rách còn kêu lọng/ Ô bịt vàng ròng tiếng vẫn ô.

Sợ thầy Bảy vẫn theo đuổi, cô họa thêm một bài dứt khoát: Phải thời cô quả, chịu thời cô/Chẳng biết tuồng đời tính thế mô?/Dòm thây bụi trần toan đóng cửa/Ngọc lành chi để thẹn danh ô.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ