Nghề báo

GD&TĐ - Bài thơ “Nghề báo” viết tặng một phóng viên trẻ bị lũ cuốn hy sinh khi đang tác nghiệp đã được đông đảo bạn đọc đồng cảm và chia sẻ khi đăng lên báo.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

(Viết tặng phóng viên của TTXVN Đinh Hữu Du bị lũ cuốn khi đang tác nghiệp tại cầu Thia - Yên Bái, tháng 10/2018)

Ai đó bảo con chọn nghề nhà báo

Là một nghề nhàn hạ với viển vông

Bấm phím thôi lương tháng mấy triệu đồng

Lia góc máy là tha hồ tư liệu

Nghề làm báo dấn thân vào mới hiểu

Là một nghề “mắt sáng” với “lòng trong”

“Bút sắc” ghi phóng sự tới cộng đồng

Nghề trung thực và cũng nghề nguy hiểm

Chuyện máu đổ cũng không còn là hiếm

Phóng viên như chiến sĩ giữa thời bình

Nếu con về muộn quá sắp bình minh

Mẹ đừng giận con còn đang tác nghiệp 

Giữa bão dông hay bên dòng nước xiết

Phóng sự này con chân thực ghi nhanh

Có ngờ đâu trận lũ quét tan tành

Đã mãi mãi cuốn con vào dòng chảy

Mẹ đừng khóc giản đơn nghề con vậy

Cháy hết mình với nghiệp báo đam mê

Bên em thơ, mẹ đứng dậy vỗ về

Thay con nhé “anh còn đi làm báo”!

Chỉ thương mẹ con chưa làm tròn đạo

Để mẹ già tiễn biệt mái đầu xanh

Rồi mai đây thân run rẩy sao đành

Con đừng sợ mẹ cũng là chiến sĩ.

Trịnh Thanh Hằng

Lời bình của Nguyễn Ngọc Phú

Cái quý của tứ thơ là tác giả chọn lời của người con đã mất tâm tình với mẹ. Tác giả Trịnh Thanh Hằng đã hóa thân trong một biểu cảm rất xúc động.

Câu thơ như những lời tâm sự mà lay động lòng người. Sự chân tình, chân thật da diết khắc họa rõ nét “nghề báo”: “Nghề làm báo dấn thân vào mới hiểu/Là một nghề “mắt sáng” với “lòng trong”/“Bút sắc” ghi phóng sự tới cộng đồng/Nghề trung thực và cũng nghề nguy hiểm”.

Nhà báo Hữu Thọ, bằng cuộc đời làm báo phong phú và giàu kinh nghiệm của mình, đã đúc kết phẩm chất của một nhà báo bằng sáu chữ: “Mắt sáng – lòng trong – bút sắc”.

Cần có một tầm nhìn trí tuệ để phát triển vấn đề chưa đủ, mà còn phải có tấm lòng bản lĩnh trung thực cùng với khả năng chuyên môn sắc bén kết hợp ba yếu tố: Tầm – tâm – tài mới hoàn hảo.

Nhà báo đã xác định cho mình chỗ đứng và trách nhiệm trước những nguy hiểm khi tác nghiệp dù trong cuộc sống thời bình vẫn ở tư thế người chiến sĩ như trong thời chiến vẫn còn: “Chuyện máu đổ cũng không còn là hiếm/ Phóng viên như chiến sĩ giữa thời bình”.

Anh đã tự nguyện đến vùng lũ đang cuộn chảy nước xiết trên chiếc cầu Thia (Yên Bái) để ghi lại những hình ảnh cận cảnh sinh động nhất: “Giữa bão dông hay bên dòng nước xiết/ Phóng sự này con chân thực ghi nhanh”.

Những thước phim tư liệu thực tế đó sẽ dựng thành phóng sự và nhà báo quay phim họ đứng đằng sau khuôn hình.

Nhưng sự thật trong hoàn cảnh này thật đau lòng, anh đã bị lũ cuốn trôi khi cầu gãy: “Có ngờ đâu trận lũ quét tan tành/ Đã mãi mãi cuốn con vào dòng chảy”.

Lời tự sự ngỡ như kể lại tuần tự mà dồn nén thổn thức biết bao. Nhưng lạ thay anh không một lời oán trách tiếc nuối mà vượt lên động viên mẹ.

Có lẽ mẹ là người thương nhớ nhất, cội rễ nhất của anh và chỉ trải lòng với mẹ anh mới siêu thoát, mới thanh thản: “Mẹ đừng khóc giản đơn nghề con vậy/Cháy hết mình với nghiệp báo đam mê”.

Từ nghề báo đến nghiệp báo là cả một tình yêu tâm huyết trọn đời là lòng say mê hết mình với công việc của nhà báo trẻ với bao dự định tương lai tốt đẹp.

Chính sự tự thú này của anh càng làm chúng ta yêu mến và tiếc thương anh hơn. Sự vận động của tứ thơ không chỉ là những bày tỏ gan ruột chứa chan tình mẹ con mà chính khổ thơ cuối là một sáng tạo của tác giả khi phân thân thành hai con người, hai trạng thái tâm tình, hai chia sẻ.

Với con thì ân hận: “Chỉ thương mẹ con chưa làm tròn đạo/ Để mẹ già tiễn biệt mái đầu xanh/Rồi mai đây thân run rẩy sao đành”. Còn với tâm trạng của mẹ thì khẳng định: “Con đừng sợ mẹ cũng là chiến sĩ”.

Câu thơ vụt sáng tạo ra một thế đứng, một tự nguyện dựng dậy thần thái, sắc thái của cả bài thơ như một hồi ức, thuần khiết lan tỏa lay thức. Đó chính là thông điệp của tình yêu thương mẫu tử. Và vượt lên cao hơn là tính nhân văn, nhân ái như một thông điệp khẳng định vẻ đẹp của nghề báo. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.