Điều ít biết về biểu tượng của thành phố Hà Nội thời Pháp

GD&TĐ - Ít người biết rằng, từ những năm cuối thập kỷ 1880, người Pháp đã thiết kế một tấm biểu trưng (logo) cho thành phố Hà Nội.

Biểu tượng Hà Nội xưa, ngày nay vẫn tồn tại trên mái mặt tiền của Trường THCS Trưng Vương.
Biểu tượng Hà Nội xưa, ngày nay vẫn tồn tại trên mái mặt tiền của Trường THCS Trưng Vương.

Chúng ta đều quen thuộc với những hình ảnh biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, từ Cột cờ, Khuê Văn Các, Nhà hát Lớn, chợ Đồng Xuân, cầu Long Biên, hay Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, gần đây là cầu Nhật Tân… Ngoài những công trình kiến trúc tiêu biểu này, hẳn ai cũng dễ dàng nhận ra biểu tượng (logo) của thành phố Hà Nội, với hình ảnh Khuê Văn Các được thiết kế như bàn tay đang nâng chữ H cách điệu, một logo đẹp và ấn tượng.

Tuy nhiên, theo các tài liệu của người Pháp, ngay sau khi lấy Hà Nội làm nhượng địa, chính quyền thành phố lúc đó đã vẽ một biểu trưng Hà Nội và hội đồng thành phố đã ban hành chính thức việc sử dụng biểu trưng này khoảng năm 1888. Biểu trưng được in trong các loại giấy tờ trao đổi chính thức, trên phần lớn các văn bằng, giấy khen, giấy chứng nhận do Tòa Thị chính thành phố Hà Nội cấp hoặc được thể hiện như là một tấm huy hiệu.

Biểu tượng của Hà Nội thời thuộc Pháp cũng đã được đúc hay đắp nổi để gắn lên những địa danh nổi tiếng của thành phố, như đền thờ vua Lê Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm, cầu Long Biên trong sự kiện khánh thành cầu năm 1902, vườn hoa con cóc (nay là vườn hoa Diên Hồng), Trường Trung học Paul Bert (nay là THCS Trưng Vương). Sau này, do biến động lịch sử, biểu tượng Hà Nội trên các công trình đều đã biến mất, chỉ còn lại duy nhất trên nóc Trường THCS Trưng Vương còn lưu giữ được biểu tượng này.

Biểu tượng “đặc Pháp”

Trường THCS Trưng Vương ngày nay, trước đây là Trường nữ sinh Đồng Khánh.

Trường THCS Trưng Vương ngày nay, trước đây là Trường nữ sinh Đồng Khánh.

Trường THCS Trưng Vương nằm trên phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngôi trường là một trong những cơ sở giáo dục theo Tây học lâu đời nhất của Hà Nội và Việt Nam. Vốn đây là trường nữ sinh mang tên vua Đồng Khánh, được xây dựng năm 1917, nằm trên Đại lộ Đồng Khánh (phố Hàng Bài ngày nay). Sau đó, trường được đổi tên là Trường Nữ Trung học (College de Jeunes filles) và từ năm 1948 mang tên Trường Trưng Vương cho đến ngày nay.

Với hình ảnh tư liệu về trường nữ sinh Đồng Khánh để lại, ta có thể nhìn thấy trên nóc tầng 2 chính giữa của ngôi trường, biểu tượng thành phố Hà Nội được đắp nổi, với những tia lửa mặt trời vươn lên nền trời.

Đến ngày nay, biểu tượng này vẫn tồn tại, nhưng sau biến thiên của thời gian, những tia lửa mặt trời mỏng manh phía bên trên không còn, nhưng hình dáng logo vẫn còn nguyên.

Huy hiệu có biểu tượng Hà Nội thời Pháp thuộc.

Huy hiệu có biểu tượng Hà Nội thời Pháp thuộc.

Nhìn tổng thể, huy hiệu biểu tượng thành phố Hà Nội mang nhiều ảnh hưởng của các huy hiệu thời trung cổ tại châu Âu, với hình chiếc khiên vốn được sử dụng thường xuyên trong biểu tượng của các vương triều, gia đình quý tộc.

Phía trên biểu tượng Hà Nội là hình tòa thành đặc trưng của phương Tây, với 5 tháp canh, phía dưới là 5 cổng vòm.

Một số hình ảnh tư liệu về biểu tượng này còn thể hiện rõ tòa thành được vẽ chi tiết đến từng viên gạch. Toàn bộ tòa thành kết thành vòng tròn vây quanh hình Mặt trời đang tỏa các tia sáng ra xung quanh. Điều đặc biệt, các tia Mặt trời được vẽ xen kẽ giữa các tia thẳng là các tia uốn lượn.

Hình tòa thành được vẽ cong như chiếc vương miện, và theo một số nhà nghiên cứu mỹ thuật thì đây là hình ảnh biểu tượng có nguồn gốc từ thời Hy Lạp, La Mã cổ đại, thường dùng để biểu tượng cho các thành phố.

Hai bên huy hiệu cũng là những họa tiết rất phương Tây, với một bên là nhánh lá sồi, một bên là nhánh lá ô liu, những thứ lá tuy gần gũi với người Pháp nhưng xa lạ với người Việt.

Theo quan niệm phương Tây, lá sồi là biểu tượng cho sức mạnh hay trí tuệ, cành ô liu là biểu tượng cho sự thịnh vượng và giàu có, hoặc có thể cho hòa bình. Trên hình vẽ, xen giữa các lá cây, còn có cả quả ô liu và quả sồi nho nhỏ mọc ra.

“Học tập” từ biểu tượng thành Paris?

Biểu tượng Hà Nội thời Pháp thuộc.

Biểu tượng Hà Nội thời Pháp thuộc.

Nhiều khả năng họa sĩ thiết kế biểu tượng thành phố Hà Nội lấy cảm hứng từ biểu tượng thành phố Paris.

Huy hiệu biểu tượng của thành phố Paris cũng có bố cục tương tự, với hình tòa thành phía trên, ở giữa hình lá khiên với hình ảnh chính là một chiếc thuyền buồm đang đi trên sóng nước, hai bên là hai nhánh lá ô liu và lá sồi, phía dưới là dải băng trang trí uốn lượn. Trên dải băng viết câu châm ngôn bằng tiếng Latin “Fluctuat nec mergitur”, là khẩu hiệu của thành phố từ thế kỷ 14, có nghĩa là “Dù quăng vào sóng nhưng không chìm”.

Đây là phần rút ngắn một câu thơ xuất hiện từ thời trung cổ, được gán cho cả Giáo hoàng Gregory IX hoặc Giáo hoàng Innocent IV trong bối cảnh cuộc chiến chống lại hoàng đế Frederick II. Nhánh lá sồi và nhánh ô liu cũng được dùng để trang trí hai bên quốc huy nước Pháp.

Hình ảnh tòa thành trên biểu tượng thành phố Paris có những phiên bản khác nhau, lúc thì tòa thành phía trên có 4 tháp canh, lúc thì có 5 tháp. Biểu tượng thành phố Hà Nội cũng vậy.

Trong kỷ niệm chương được đúc nhân dịp khánh thành cầu Paul Doumer (cầu Long Biên) có nhiều chi tiết khác với hình ảnh đắp trên nóc Trường Trưng Vương, đó là tòa thành phía trên biểu tượng chỉ có 4 tháp canh chứ không phải 5 tháp canh. Có thể, việc “rút gọn” này để thuận tiện cho việc làm khuôn và đúc chăng.

Nhưng rõ ràng đây là dấu ấn cho thấy thời đó, hoặc theo quan niệm của người phương Tây, không có cách nghĩ về “số đẹp” như sau này chúng ta hay nghĩ: Phải là số 3, số 5 mới tốt, số 4 thường tránh… (gần đây người ta thường lý luận rằng số 4 là đi vào chữ “Tử” trong vòng Sinh – Lão – Bệnh - Tử).

Ở phiên bản huy hiệu thành phố Hà Nội được đúc có hình tròn, các chi tiết của huy hiệu có được bố cục và trang trí khác một chút, khi hai nhánh lá cây ở hai bên không vươn thẳng mà được xếp cong theo đường viền của vòng tròn. Tấm khiên cũng được đặt trên một nền hình bản lề mềm mại hơn.

Phía dưới nền hình tấm khiên là đường trang trí, với những họa tiết cũng mang đậm dấu ấn mỹ thuật Tây phương, đó là dải ruy băng ghi uốn lượn ghi câu châm ngôn bằng chữ Latin: “Dislecta Fortitudine Prosfera” tạm dịch ra là “Lòng dũng cảm đem đến sự thịnh vượng mà ta muốn”.

Ở bức phù điêu đắp nổi trên nóc Trường Trưng Vương không thể hiện dải băng và câu ngạn ngữ này, có lẽ người thiết kế tính toán rằng phù điêu đặt cao như vậy, người đứng dưới đường sẽ không thể đọc được chữ ở dải băng nên bỏ đi thì hơn.

Trong phiên bản biểu tượng Hà Nội đúc theo hình tròn, thì dải ruy băng đặt câu châm ngôn không còn uốn lượn xoắn quanh các cành lá mà được kéo ra thành hình bán nguyệt bán theo vành ngoài hình tròn, chỉ nối thêm các nét uốn lượn mềm mại ở hai đầu. Có lẽ đây cũng là biện pháp mà người thợ đúc tư vấn, vì nếu để dải băng uốn lượn sẽ khó đúc hoặc mất công gọt giũa, gia công hơn.

Phía trên của huy hiệu có dập thêm dòng chữ “Ville de Hanoi” (thành phố Hà Nội). Trong bản chụp giấy tờ thời xưa có in biểu tượng Hà Nội, ta có thể thấy phần mặt tấm khiên có các chấm nhỏ chi chít kín mặt khiên, còn trong phiên bản đúc đồng thì mặt khiên nhẵn. Nói chung, phiên bản huy hiệu đúc hình tròn mềm mại và mang tính mỹ thuật nhiều hơn phiên bản hình tấm khiên.

Nhưng vẫn rất Hà Nội

Trường nữ sinh Đồng Khánh đầu thế kỷ 20. Ảnh tư liệu.

Trường nữ sinh Đồng Khánh đầu thế kỷ 20. Ảnh tư liệu.

Tuy từ hình dáng đến bố cục chung, các chi tiết phụ trợ đều mang đậm dấu ấn mỹ thuật Pháp thời trung cổ, nhưng những chi tiết chính của biểu tượng thành phố Hà Nội thời Pháp lại mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam, chứa đựng đầy đủ lịch sử của thành phố Hà Nội.

Trên nền chiếc khiên, là hai con rồng uốn khúc vươn đầu lên trên, quay mặt chầu vào nhau. Rồng là con vật gắn liền với tên gọi của Hà Nội trước đó – Thăng Long, cũng gắn liền với câu chuyện huyền thoại về việc vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về đây, nhìn thấy rồng vàng hiện lên và đổi tên thành Đại La thành Thăng Long.

Rồng được vẽ với hình dáng rất quen thuộc với người dân Việt Nam, chứng tỏ họa sĩ đã nghiên cứu khá kỹ lưỡng mỹ thuật truyền thống nước ta cũng như hình rồng trong văn hóa Việt Nam.

Hình con rồng ở đây không phải là con rồng kiểu phương Tây (nhìn giống con khủng long có cánh) mà đúng là rồng Việt Nam, rồng thời Nguyễn, với thân hình có vẩy chi chít, đầu có bờm, mũi có râu, bốn chân đều có 5 móng đang giương, lưng có vây, đuôi xòe thành nhiều nhánh.

Chính giữa hình ảnh biểu tượng, giữa hai con rồng, là hình một thanh kiếm dựng đứng. Tuy nhiên, khác với hình rồng được thể hiện rất Việt Nam, cây kiếm ở đây lại là kiếm kiểu phương Tây, với lưỡi to bản, phần cán mang yếu tố trang trí và phần che tay được thể hiện như các họa tiết ở bệ cột trong văn hóa La Mã, Hy Lạp cổ đại.

Mặc dù hình ảnh có khác, thì thanh kiếm cũng liên quan mật thiết đến lịch sử Hà Nội qua truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả kiếm cho rùa thần, để rồi chiếc hồ ở vị trí trung tâm Hà Nội được mang tên là hồ Hoàn Kiếm.

Phía dưới của biểu tượng Hà Nội xưa là hình sóng nước. Cũng giống như thành phố Paris, luôn gắn với sông Seine, thì Hà Nội là thành phố gắn chặt với sông Hồng, ngoài ra là những con hồ liên tiếp, trong đó có những hồ rất lớn như Hồ Tây, hồ Bảy Mẫu, hồ Tả Vọng – Hữu Vọng xưa.

Cái tên “Hà Nội” cũng đã có nghĩa là “trong sông”, nên thành phố gắn chặt với nước. Trong biểu tượng thành phố Hà Nội thời Pháp được đắp nổi thành phù điêu hiện vẫn còn lưu giữ được duy nhất trên nóc trường Trưng Vương, các chi tiết hình sóng nước được thể hiện rất rõ nét và nâng lên đến giữa tấm khiên, ngang phần bụng hai con rồng.

Phần sóng nước phía dưới đuôi hai con rồng lại được đắp hình cánh sen khiến ta liên tưởng đến các đài sen trong bệ tượng Phật.

Dù mang cái “vỏ” phương Tây và sao chép từ huy hiệu thành phố Paris, thì qua các hình ảnh con rồng, thanh kiếm phía trên sóng nước, cho thấy ý đồ của người thiết kế muốn nhấn mạnh vào câu chuyện truyền thuyết Hồ Gươm và thể hiện rõ rệt văn hóa, tinh thần Hà Nội trong tâm thức người Việt.

Ở Việt Nam, năm 1997, thành phố Hà Nội đã tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng và đến năm 1999, công bố biểu trưng chính thức hình Khuê Văn Các, có chữ H cách điệu phía trên, theo mẫu thiết kế của họa sĩ Phạm Ngọc Tuấn, một Việt kiều sinh sống tại Pháp.

Đây được coi là một biểu tượng đẹp, ấn tượng, chỉ cần nhìn qua là hình dung ngay ra đây là hình ảnh đặc trưng của Hà Nội. Qua hình ảnh Khuê Văn Các, chúng ta cũng cảm nhận được các giá trị văn hóa, nghệ thuật của Hà Nội, lại nhớ về truyền thống giáo dục, nhân văn của đất nước, cũng như triết lý dụng nhân, tôn trọng hiền tài của ông cha.

Dù thể hiện bằng các biểu trưng hay chỉ qua những kiến trúc, công trình tiêu biểu, thì Hà Nội vẫn luôn hiện lên trong tâm trí mọi người là một thành phố có trên một nghìn năm tuổi, chứa đựng biết bao thăng trầm lịch sử, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của đất nước, nơi của những con người thanh lịch, hào hoa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ