Điều gì đã xảy ra với hải đăng Alexandria?

GD&TĐ - Là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại, ngọn hải đăng sừng sững trên cảng Alexandria (Ai Cập) trong nhiều thế kỷ.

Trục vớt các tàn tích của hải đăng kỳ quan thế giới.
Trục vớt các tàn tích của hải đăng kỳ quan thế giới.

Tuy nhiên, công trình kỳ vĩ cao hơn 90m này cuối cùng đã đổ nát và ngày nay không còn dấu vết. Các nhà sử học đã đi tìm nguyên nhân về sự biến mất của nó và phát hiện nhiều điều thú vị.

Công trình kỳ vĩ

Ý tưởng về hải đăng Alexandria xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, lúc mà Ptolemy – một vị tướng Hy Lạp dưới quyền Alexander Đại đế – tự tuyên bố là Pharaoh của Ai Cập.

Được xây dựng trên đảo Pharos ở bến cảng Alexandria, công trình này được cho là do Sostratus of Cnidus thiết kế (mặc dù ông ta có thể chỉ là người hỗ trợ tài chính). Nó có nhiệm vụ hướng dẫn tàu vào bờ và giúp thuyền trưởng tránh các chướng ngại vật vào ban đêm.

Dù có nhiều ước đoán khác nhau nhưng công trình này phải mất ít nhất một thập niên - và có thể đến ba thập niên - để hoàn thành. Theo các nhà sử học, nó vẫn còn dang dở cho đến triều đại của Ptolemy II, người trị vì đất nước Ai Cập từ năm 284 - 246 trước Công nguyên.

Sau khi hoàn thành, hải đăng Alexandria có chiều cao hơn 90m so với bến cảng và là một trong những công trình kiến trúc nhân tạo cao nhất trên Trái đất vào thời đó. Ngọn hải đăng chắc chắn đã tăng thêm sức sống cho thành phố cảng Alexandria, nơi có lăng mộ của Alexander Đại đế, Bảo tàng Alexandria, đền Serapeum và Thư viện Alexandria chứa đầy kiến thức phong phú về thế giới cổ đại.

Ngoài kỷ lục về chiều cao, hải đăng Alexandria còn được xem là một tuyệt tác kiến trúc. Hầu hết những gì được biết về cấu trúc của công trình này đều đến từ nhà khảo cổ học cổ điển người Đức sống vào thế kỷ 20, Hermann Thiersch.

Trong tác phẩm ra mắt năm 1909, Pharos, antike, Islam und Occident, ông mô tả hải đăng được xây dựng gồm ba tầng. Tầng thấp nhất có hình vuông, tầng thứ hai hình bát giác và tầng thứ ba hình trụ.

Mỗi tầng hơi nghiêng vào trong và một đoạn đường dốc xoắn ốc vòng ra hướng lên đỉnh, nơi có bức tượng có thể mô tả Ptolemy, Alexander Đại đế hoặc một vị thần Hy Lạp nào đó.

Bên cạnh ngọn lửa luôn cháy, hải đăng còn được trang bị một chiếc gương, có thể bằng đồng, để chiếu ánh sáng ra biển. Thiết kế này giúp hải đăng có thể được nhìn thấy từ khoảng cách đến 50km.

Qua nhiều năm, hải đăng liên tục bị hư hại do động đất, phải thường xuyên được tu sửa, nhưng những mô tả về nó của các nhà sử học phần lớn vẫn nhất quán: Nó được xây bằng đá sáng màu, bề mặt hướng ra biển có khắc dòng chữ tôn vinh thần Zeus.

Từ năm 796 - 956, nhiều trận động đất lớn xảy ra khiến hải đăng bị nứt ở một số nơi, kể cả phần phía trên, cách mặt đất khoảng 20m. Sau đó, những trận động đất và sóng thần xảy ra vào năm 1303 và 1323 đã phá hủy phần lớn cấu trúc và biến công trình này thành một đống đổ nát.

Năm 1480, Quốc vương Ai Cập đã xây dựng một pháo đài bên trong tàn tích của ngọn hải đăng Alexandria, xóa hẳn dấu vết còn lại của kỳ quan này.

Hải đăng Alexandria theo mô tả của người đời sau.

Hải đăng Alexandria theo mô tả của người đời sau.

Tàn tích kỳ quan thế giới

Theo các ghi chép còn lưu lại, hải đăng Alexandria xuất hiện lần đầu trong danh sách các kỳ quan thế giới vào thế kỷ thứ 6 và nó vẫn còn nguyên vẹn vào thế kỷ 12. Sau khi bị tàn phá do thiên tai và chiến tranh, nó dường như bị lãng quên theo thời gian. Mãi đến thế kỷ 20, các nhà khảo cổ đã có một khám phá đáng kinh ngạc về công trình kỳ vĩ này.

Năm 1916, nhà khảo cổ học Gaston Jondet đã phát hiện những tàn tích chìm ở cảng Alexandria cũ. Ông đã mô tả chi tiết về công trình này nhưng tiếc là thiếu bằng chứng khảo cổ học để xác định niên đại chính xác. Đến năm 1940, Sir Leopold Halliday Savile đã tìm đến nơi đây để nghiên cứu.

Các nhà khảo cổ vào thời điểm này đều cho rằng có một công trình cổ nào đó ở vùng biển ngoài khơi Alexandria, nhưng không biết chính xác là gì.

Vào năm 1968, UNESCO đã tài trợ một chuyến khảo sát tại cảng Alexandria cũ do Honor Frost, chuyên gia khảo cổ nổi tiếng dẫn đầu. Frost xác định phát hiện của Jondet là có thật, thậm chí còn tuyên bố tàn tích trên thuộc về hải đăng Alexandria đã biến mất từ lâu. Nhưng không may, nghiên cứu đã phải tạm dừng vì khu vực này đang xảy ra chiến sự và bị quân đội chiếm giữ.

Mãi cho đến năm 1994, nhà khảo cổ học Jean-Yves Empereur, người sáng lập Trung tâm nghiên cứu về Alexandria, mới tái khám phá tàn tích hải đăng ở vùng biển ngoài khơi đảo Pharos.

Chính phủ Ai Cập đã ký hợp đồng với Empereur để lập bản đồ và lên danh mục bất cứ thứ gì có ý nghĩa khảo cổ ngoài khơi bờ biển Pharos, khi chuẩn bị xây dựng một đê chắn sóng bê tông trên địa điểm này. Empereur và nhà quay phim Asma el-Bakri, sử dụng máy ảnh 35mm, đã chụp được những hình ảnh dưới nước đầu tiên về tàn tích của hải đăng nổi tiếng.

Theo tạp chí Smithsonian, nhóm của Empereur đã phục hồi được nhiều phần của hải đăng cổ, bao gồm các khối đá granit khổng lồ, 30 tượng nhân sư, 5 tháp tưởng niệm và nhiều cột có khắc những dòng chữ ghi niên đại từ thời Ramses II.

Tổng cộng, các nhà khoa học đã lập danh mục hơn 3.300 mảnh vỡ của hải đăng vào cuối năm 1995, một số được trưng bày tại các bảo tàng ở Alexandria. Vậy là hải đăng Alexandria đã được ban cho sự sống lần thứ hai.

Theo Allthatsinteresting

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.