Lịch sử thăng trầm của ngọn hải đăng lâu đời nhất thế giới

Từng là biểu tượng đầy tự hào của người La Mã cổ đại nhưng tháp Hercules lại bị coi như mỏ đá cho ngưòi dân trong vùng khai thác để xây dựng các tòa nhà mới.

Lịch sử thăng trầm của ngọn hải đăng lâu đời nhất thế giới

Lấy cảm hứng từ ngọn hải đăng Alexandria, tháp Hercules tọa lạc ngay cảng La Coruna, Galicia, đông bắc Tây Ban Nha, là ngọn hải đăng cổ xưa và nổi tiếng bậc nhất thế giới.

lich-su-thang-tram-cua-ngon-hai-dang-lau-doi-nhat-the-gioi

Tháp Hercules vẫn sừng sững trước biến động lịch sử. Ảnh: Ancient Origins.

Khi Julius Caesar đến Galicia, Tây Ban Nha vào năm 61 trước Công Nguyên, ông đã hiểu được tầm quan trọng của vị trí này. Sau đó, ngọn hải đăng được xây dựng để trở thành tín hiệu hàng hải, báo cho tàu thuyền khác tránh đá ngầm hay các vách đá gần bờ biển, đồng thời chỉ hướng cho các con tàu đi qua hành lang Đại Tây Dương.

Tháp Hercules nằm trên ngọn đồi đá Punta Euras, gồm 7 tầng, cao 57 m do người La Mã dựng nên từ thế kỷ thứ 2. Nơi đây đã từng là chỗ linh thiêng của các bộ lạc thời kỳ tiền La Mã.

Các tài liệu cổ xưa chỉ ra rằng tháp Hercules được xây dựng từ cuối thế kỷ 1 trước Công Nguyên đến đầu thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên và hoàn thành dưới triều đại vua Trajan. Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra dòng chữ vàng ca ngợi Thần Chiến tranh dưới chân ngọn hải đăng. Vì thế, nhiều người dự đoán ngọn hải đăng còn đảm nhiệm vai trò của một pháo đài phòng thủ trong thời chiến, bảo vệ quân đội La Mã trước kẻ xâm lược.

lich-su-thang-tram-cua-ngon-hai-dang-lau-doi-nhat-the-gioi-1

Tháp Hercules 7 tầng trong ánh bình minh. Ảnh: Ancient Origins.

Có rất nhiều thần thoại và truyền thuyết xoay quanh tháp Hercules. Người anh hùng Hercules sau ba ngày ba đêm liên tục chiến đấu với người khổng lồ Geryon đã chôn đầu kẻ thù cùng vũ khí xuống đất, sau đó ra lệnh xây dựng một thành phố phía trên, chính là La Coruna bây giờ. Truyền thuyết thứ hai ra đời vào khoảng thế kỷ 11. Câu chuyện nói về vua Breogán, người sáng lập của dân tộc Galician Celtic và cũng chính là người dựng nên ngọn tháp cao nhất ở Galicia. Sau một thời gian sinh sống, ông chuyển tới Ireland định cư và trở thành tổ tiên người Celtic tại đây.

Tuy nhiên, tháp Hercules cũng gặp nhiều thăng trầm lịch sử, khi Galicia đứng trước cuộc xâm lăng của người Norman. Dưới sự sụp đổ của đế chế La Mã, các ngọn hải đăng quanh bán đảo lâm vào cảnh cướp bóc, bị bỏ hoang và dần trở nên đổ nát. Duy chỉ còn tháp Hercules vẫn đứng vững sau các cuộc chiến và trở thành phần quan trọng nhất khu vực. Trong suốt hơn 2.000 năm, tháp Hercules vẫn không ngừng thắp sáng soi đường cho thủy thủ đi qua. Sau này, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, kỹ thuật xây dựng tuyệt vời của người La Mã cổ đại mới là lý do chính khiến ngọn hải đăng không bị hư hại trước môi trường khắc nghiệt của đại dương và sự tàn phá của thời gian.

lich-su-thang-tram-cua-ngon-hai-dang-lau-doi-nhat-the-gioi-2

Tháp Hercules và tượng vua Breogán. Ảnh: Ancient Origins.

Tuy vậy, trong thế kỷ 16, người ta coi tháp Hercules như mỏ đá để xây dựng các tòa nhà mới trong thành phố. Hội đồng thành phố mặc dù cố hết sức để bảo vệ tháp nhưng nhiều phần tòa tháp vẫn biến mất trong thời kỳ này. Cho đến thế kỷ 17, thành phố bắt đầu tiến hành cải tạo lại tháp biến nó trở thành một pháo đài kiên cố. Cuối thế kỷ 18, La Corunã trở thành một trong những cảng quan trọng nhất ở miền bắc Tây Ban Nha.

Năm 2009, tháp Hercules được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Trong suốt thế kỷ 20, nơi đây trở thành biểu tượng của người di cư tới Mỹ Latin. Hàng trăm người Galicia nhờ có ngọn hải đăng mà bình yên băng qua Đại Tây Dương tới một lục địa mới. Hàng năm, Galicia thu hút hàng chục ngàn lượt du khách tới chiêm ngưỡng ngọn hải đăng lâu đời nhất thế giới này.

Theo dulich.vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ