Nhiều loại xe tăng giá
Quyết định số 942/QĐ-BTC sửa đổi, bổ sung Danh mục Bảng giá tính lệ phí trước bạ ô tô, xe máy ban hành kèm theo Thông tư số 304/2016/TT-BTC Bộ Tài chính đã bổ sung giá tính lệ phí trước bạ của các dòng xe.
Cụ thể, 135 loại ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu; 19 loại ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống lắp ráp trong nước; 2 loại ô tô điện nhập khẩu; 2 loại xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ sản xuất, lắp ráp trong nước; 29 loại xe máy hai bánh nhập khẩu và 127 loại xe máy 2 bánh sản xuất, lắp ráp trong nước được điều chỉnh lệ phí trước bạ.
Cơ quan này cũng sửa đổi giá tính lệ phí trước bạ do biến động tăng, giảm 20% trở lên so với giá tại bảng giá, gồm 27 loại ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu; 3 loại ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống lắp ráp trong nước; 3 loại xe máy hai bánh nhập khẩu; 6 loại xe máy hai bánh sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo đó, nhiều mẫu xe máy đang đắt khách như Air Blade, SH150i, SH Mode, Vision Lead... đã đội giá thêm cả chục triệu đồng. Cụ thể, từ cuối tháng 5 đầu tháng 6, khung phí trước bạ mới có hiệu lực thì ngay lập tức các cửa hàng đại lý xe máy trên địa bàn Hà Nội đã điều chỉnh giá bán tăng.
Cụ thể, xe Honda Air Blade tăng 7 triệu đồng so với mức 39 triệu đồng trước đây. Tương tự, Honda SH150 phanh ABS cũng nằm trong diện điều chỉnh giá tính lệ phí trước bạ từ 90 triệu đồng lên 114 triệu đồng, tăng 24 triệu đồng. Honda SH150 phanh CBS từ 82 triệu lên 101 triệu đồng, tăng 19 triệu đồng...
Lý giải về việc tăng lệ phí trước bạ đối với một số dòng xe máy, ô tô, Tổng cục Thuế cho biết, việc điều chỉnh này là theo định kỳ của Bộ Tài chính, để bổ sung giá tính lệ phí trước bạ của các dòng xe ô tô, xe máy chưa được quy định tại Bảng giá Bộ Tài chính đã ban hành và điều chỉnh các trường hợp giá biến động tăng, giảm 20% trở lên so với bảng giá Bộ Tài chính đã ban hành.
Người tiêu dùng ngậm ngùi móc hầu bao
Với việc điều chỉnh mức tính phí trước bạ theo giá mua bán thực tế trên thị trường chứ không phải giá doanh nghiệp niêm yết được Bộ Tài chính lý giải là để đưa mức giá về với giá trị thật của nhiều mẫu xe, tránh tình trạng “giá bán niêm yết một đằng, giá bán thực tế và giá xuất hóa đơn một nẻo”.
Tuy nhiên, sau gần một tháng có hiệu lực, quy định mới này đang khiến nhiều người tiêu dùng lên tiếng khiến các đại lý bán xe máy, ô tô không khỏi đau đầu vì phải giải thích cho khách hàng.
Chị Nguyễn Minh Hải ở đường Nguyên Hồng (Đống Đa, Hà Nội) có con gái mới tốt nghiệp đại học và chuẩn bị đi làm cho biết, chị đã đi khảo sát một số đại lý lớn của hãng Honda để mua Honda Air Blade. Giá niêm yết của dòng này trên website của hãng là 39,99 triệu đồng. Tuy nhiên, đến đại lý để mua xe thì chị bị tính thuế ở mức giá bán thực tế hơn 45 triệu đồng, chưa kể tiền phí trước bạ và biển số xe vào khoảng 3 triệu đồng so với trước. “Tự nhiên lại phải bỏ thêm tới gần 10 triệu đồng tiền thuế và các chi phí khác so với cách đây gần một tháng, xót tiền quá nhưng vẫn bắt buộc phải mua để đầu tháng sau còn có cái cho con đi làm” – chị Hải than thở.
Anh Hoàng Xuân Dũng – chủ một đại lý trên đường Trần Khánh Dư (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), kể từ khi điều chỉnh thuế trước bạ (24/5), doanh số bán xe của chúng tôi đã giảm khoảng 50% so với trước khiến lợi nhuận sụt giảm. Giờ mỗi chiếc Air Blade chúng tôi lại phải bù thêm 1 triệu đồng tiền phí cấp biển cho khách. Chưa kể một số mẫu xe tăng lệ phí trước bạ đại lý cũng phải đàm phán hỗ trợ thêm giá cho khách khiến lợi nhuận bị sụt giảm.