Các trường Đại học Việt Nam lọt Top thế giới
Đầu năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên có một đại học được xếp vào TOP 10 đại học nghiên cứu xuất sắc nhất Khu vực Đông Nam Á (ASEAN).
Theo cơ sở dữ liệu Web of Science hay WoS (Clarivate, Mỹ), năm 2019 (tính đến 31/12/2019) các nước ASEAN đã công bố tổng cộng 63.445 công trình trên các tạp chí ISI.
Đứng đầu top 10 vẫn là 2 đại học của Singapore, trong đó, Đại học quốc gia Singapore đứng số 1, rồi đến Đại học kỹ thuật Nanyang. 4 trường đại học tiếp theo gồm: Đại học Malaya, đại học Putra Malaysia, đại học Kebangsaan Malaysia, đại học Sains Malaysia.
Trong nhóm 10 đại học dẫn đầu này có một đại diện duy nhất của Việt Nam là Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU), xếp thứ 7/10. Kế tiếp đến 2 đại học hàng đầu của Thái Lan (đại học Mahidol và đại học Chulalongkorn). Đứng vị trí thứ 10 là một đại học của Malaysia, đại học kỹ thuật Malaysia.
Như vậy, tổng cộng Singapore có 2 đại học, Malaysia có 5, Việt Nam có 1 và Thái Lan có 2 đại học trong TOP 10 này. Việt Nam có một đại diện duy nhất là đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) trong TOP 10. Đây là niềm tự hào cho cả hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Trong năm 2019-2020, lần đầu tiên các đại học của Việt Nam được liệt kê trong Bảng xếp hạng của CWUR, thuộc Trung tâm Xếp hạng các Đại học trên thế giới (The Center of World University Rankings). CWUR xếp hạng 2.000 trường trên tổng số gần 25.000 trường đại học trên toàn thế giới, được xem là đơn vị xếp hạng số lượng trường đại học nhiều nhất trên thế giới.
Có 4 trường đại học của Việt Nam được xướng tên trên bảng xếp hạng này trong năm nay, bao gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội: vị trí 1.510; Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh: vị trí 1.585; Đại học Duy Tân, Đà Nẵng: vị trí 1.854; Đại học Tôn Đức Thắng: vị trí 1.978.
Hệ thống Xếp hạng CWUR được tính theo các tiêu chí sau: Chất lượng giáo dục (25%); Việc làm của cựu sinh viên (25%); Chất lượng đội ngũ (10%); Thành quả nghiên cứu (40%); Khối lượng nghiên cứu (10%); Chất lượng xuất bản (10%); Ảnh hưởng của nghiên cứu (10%); Lượng trích dẫn (10%).
Điều chỉnh 4 mốc thời gian quan trọng của năm học 2019-2020
Tối 22/2, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký công văn đề nghị các địa phương để học sinh đi học từ ngày 2/3. Nếu muộn hơn thì vẫn phải hoàn thành theo những mốc thời gian mới.
Theo đó, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố chính thức điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020, với 4 mốc thời gian được điều chỉnh.
Cụ thể, Bộ điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên như sau:
1. Kết thúc năm học trước ngày 30/6/2020.
2. Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 15/7/2020.
3. Hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước ngày 15/8/2020.
4. Thi trung học phổ thông quốc gia từ ngày 23/7/2020 đến ngày 26/7/2020.
Căn cứ vào các mốc thời gian nêu trên, các địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục năm học 2019-2020 và chuẩn bị năm học 2020-2021.
Sự điều chỉnh này được đưa ra do học sinh cả nước phải tạm nghỉ học thời gian dài để phòng chống dịch Covid – 19.
Đến nay, các nhà trường đã thực hiện việc vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp; học sinh đã được hướng dẫn thực hiện quy trình phòng, chống dịch bệnh; giáo viên đã được tập huấn về các quy trình phòng, chống dịch bệnh để hướng dẫn học sinh thực hiện khi trở lại trường học.