Điều chỉnh chuẩn trình độ nhà giáo để phù hợp thực tế

GD&TĐ - Bên cạnh hàng loạt nội dung khác thì chuẩn trình độ nhà giáo; học bổng và trợ cấp xã hội đối với sinh viên sư phạm là những vấn đề quan trọng được dư luận quan tâm khi Bộ GD&ĐT đưa ra xin ý kiến góp ý trong dự thảo Luật GD (sửa đổi). GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã có ý kiến xung quanh nội dung trên.

Cần có quy định chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo
Cần có quy định chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo

Nâng cao trình độ giáo viên

Điều 72, Luật Giáo dục 2005 quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên MN, có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm đối với giáo viên TH; Có bằng tốt nghiệp ĐH sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp ĐH và có bằng chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên THPT; Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ ĐH; có bằng TS với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, hướng dẫn luận án tiến sĩ…

Quy định này chưa phù hợp, đặc biệt là trình độ GV mầm non và tiểu học khá thấp so với thế giới và khu vực ASEAN. Quy định này không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay; năng lực chuyên môn và phương pháp giảng dạy chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết 29 đặt ra.

Mặt khác, Luật GD hiện hành chỉ quy định chuẩn trình độ đào tạo mà không quy định chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo, trong khi đó chuẩn trình độ được đào tạo chỉ là một yếu tố cấu thành chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo.

Các quy định về chuẩn đào tạo được quy định trong Luật GD 2005 và bậc lương đã gián tiếp kìm hãm động lực tự học, tự nâng cao trình độ của giáo viên mầm non, tiểu học và THCS.

Để nâng cao trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non lên cao đẳng sư phạm, dự thảo Luật GD (sửa đổi) đưa ra hướng chỉnh sửa bổ sung đó là: Đối với giáo viên TH, THCS, THPT phải có bằng tốt nghiệp ĐH sư phạm. Nhưng trong giai đoạn từ nay đến năm 2026 với những môn chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ ĐH sư phạm thì phải có bằng tốt nghiệp ĐH chuyên ngành tương ứng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

GS Đinh Quang Báo – Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tán thành về hướng chỉnh sửa bổ sung theo dự thảo luật GD (sửa đổi) bởi theo ông đã là giáo viên thì trình độ tối thiểu phải là cử nhân ĐH, phải được đào tạo ít nhất 4 năm.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Giáo viên là một phạm trù nghề nghiệp thì phải có chuẩn nghề nghiệp. Mặt khác, chuẩn đầu ra của trường sư phạm chưa đáp ứng chuẩn nghề nghiệp trong hoạt động thực tiễn. Hiện nay ở nhiều nước, đào tạo ban đầu đến chuẩn nghề nghiệp bao giờ cũng có một giai đoạn (giai đoạn tập sự). Thậm chí nhiều nước còn bắt thi lại thì mới cấp giấy phép hành nghề, lúc đó mới đạt chuẩn tối thiểu để hành nghề.

Có sự chỉnh sửa bổ sung mới đáp ứng được đòi hỏi cấp bách về trình độ GV, nếu không GV sẽ không đáp ứng, không hòa nhập được với trình độ quốc tế. Mà GV không đáp ứng được trình độ quốc tế thì cũng không thể có HS ở trình độ quốc tế.

Lương và chế độ đãi ngộ để thu hút người tài

Vấn đề học bổng và trợ cấp xã hội cũng thể hiện những bất cập, hạn chế vướng mắc.

Về chính sách học bổng, quy định không thu học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm là không phù hợp và hiệu quả trong bối cảnh hiện nay do nhu cầu của thị trường lao động đã thay đổi; nhiều SV sư phạm ra trường làm không đúng ngành sư phạm, không thể kiểm soát, gây lãng phí nhân lực và ngân sách.

Thực tiễn cho thấy, việc miễn học phí không thực sự khuyến khích sinh viên vào học ngành sư phạm. Điều kiện, môi trường làm việc, chế độ lương, ưu đãi trong quá trình công tác và lòng yêu nghề, nhiệt huyết đam mê mới thu hút và giữ chân nhà giáo. Mặt khác, quy định này đã làm cho các cơ sở đào tạo giáo viên gặp khó khăn về kinh phí chi thường xuyên, trong khi việc cấp bù của ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp.

Hướng chỉnh sửa bổ sung của dự thảo Luật GD (sửa đổi) sẽ là: Sửa quy định về chế độ tín dụng sư phạm. Cụ thể: Học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học. Bổ sung quy định về việc chi trả đối với những trường hợp người học không có nhu cầu sử dụng tín dụng sư phạm nhưng ra trường vẫn làm trong ngành Giáo dục vào Khoản 3 Điều 83 Dự thảo Luật. Tiếp tục nghiên cứu để đề xuất các chính sách nhằm thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm thông qua cơ chế học bổng và các biện pháp khác.

Tán thành với hướng chỉnh sửa bổ sung này, GS Đinh Quang Báo khẳng định: Hiện nay, miễn học phí không trở thành động lực để hấp dẫn thu hút người giỏi vào ngành sư phạm bởi miễn học phí mang giá trị thấp. Nhà nước cần có cơ chế chính sách để bất kỳ tác động nào đều hướng tới động viên thu hút kích thích người giỏi vào ngành sư phạm. Ưu tiên người giỏi vào sư phạm phải là một chiến lược, nguyên tắc. Thực thi nguyên tắc ấy cần tiến hành bằng các giải pháp hữu hiệu khác nhau.

Tuy nhiên, nhìn vấn đề ở góc độ rộng hơn, GS Đinh Quang Báo cũng cho rằng: “Cho sinh viên vay tiền để ăn học như hiện nay cũng không đủ ngưỡng để khuyến khích vào ngành sư phạm. Cần có một thang bậc lương đảm bảo cho đời sống giáo viên. Lương giáo viên phải cao hơn hiện nay. Quy định tối thiểu về lương phải để giáo viên sống được. Sau đó trả lương theo sự thăng tiến về chất lượng nghề nghiệp; Phải có kích thích, tác động với người giỏi. Và người giỏi cần có những chế độ đãi ngộ tương xứng”.

“Giáo viên ra trường chưa đầy 3 triệu/tháng thì không thể sống được. Chính vì vậy hiện nay nhiều sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp ra trường đã không làm nghề. Nếu trước đây, từng có ngộ nhận chỉ cần có việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp sẽ thu hút được người giỏi, khá vào ngành sư phạm. Nhưng đến nay có việc làm nhưng đồng lương không hấp dẫn thì cũng không phải là kích thích để chọn nghề sư phạm, cũng như sinh viên sư phạm sau khi ra trường gắn bó với nghề…”GS Đinh Quang Báo khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ