Luật hóa việc chuẩn hóa trình độ đội ngũ
Đó là ý kiến được nhiều đại biểu đưa ra tại hội thảo vì tính đúng đắn và vì mục tiêu chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo đáp ứng nhu cầu, cũng như khung chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TPHCM) đề xuất giáo viên bậc THPT cần có bằng thạc sĩ về giáo dục. Theo tiến sĩ Dung đây là điều cần thiết rất nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, trình độ và năng lực CBQL giáo dục.
“Thực tế, giáo viên mầm non nhiều nước đã là thạc sĩ giáo dục do đó chỉ cần học từ 1-2 năm đã có thể làm thành thạc sĩ giáo dục. Chúng ta cần đưa điều này vào Luật, thể chế nó để nhanh chóng kiện toàn và chuẩn hóa đội ngũ”- TS Dung nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với TS Nguyễn Kim Dung, Tiến sĩ Ngô Văn Nhơn- Chủ tịch Hội chất lượng TPHCM cho rằng công tác chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, chuẩn trình độ sẽ tạo tiền đề cho đội ngũ lĩnh hội chương trình giáo dục phổ thông mới một cách toàn diện hơn, hướng đến việc dạy học tốt hơn là điều nên sớm làm và được cụ thể hóa bằng Luật.
Bà Nguyễn Hoa Mai- Hiệu trưởng Hệ thống trường dân lập Việt Úc cho rằng chuẩn hóa trình độ đội ngũ GV, CBQL là việc cần thiết. Tuy nhiên, việc chuẩn hóa này theo bà cần có lộ trình để cho đội ngũ có thời gian hoàn thành chuẩn trình độ nhà giáo.
“Trước mắt cần chuẩn trình độ đội ngũ GV, CBQL bậc TH và THCS theo khung của Bộ GD&ĐT, riêng đề xuất giáo viên bậc THPT phải có trình độ thạc sĩ thì nên thực hiện trong tương lai. Còn hiện tại, với số lượng học sinh đông như hiện nay để thực hiện chuẩn hóa trình độ giáo viên THPT cũng khó thực hiện” - bà Hoa nêu quan điểm.
GS Phạm Phụ nêu ý kiến đóng góp tại hội thảo góp ý |
Vẫn cần duy trì thi tốt nghiệp THPT nhưng có điều chỉnh
Vấn đề thu hút sự góp ý của các đại biểu nhiều nhất chính là việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Ly cho rằng: “Chúng ta cần thiết phải thi kỳ thi này không? Sao chúng ta không thử nghĩ một cách khác đi?. Hiện nhiều nước không tổ chức thi tập trung mà trao cho các trường tự đánh giá và công nhận, hoặc thi thì nhiều lần trong năm và mục đích để xác nhận học sinh đạt những tiêu chuản quy định của cấp học. Vì vậy Bộ Gd&ĐT cũng cần nền nghiên cứu”.
Thầy Trịnh Duy Trọng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TPHCM) thì không đồng tình quan điểm với TS Ly, ông cho rằng sau khi kết thúc 12 năm học phải có một dấu mốc đánh dấu sự trưởng thành để chuyển hướng theo các hoạt động nghề nghiệp của xã hội. Vì vậy, ông cho rằng kỳ thi THPT vẫn phải duy trì, nhưng cần có điều chỉnh theo hướng phù hợp hơn, nhẹ nhàng hơn và không gây áp lực cho học trò.
“Nếu có sự điều chỉnh, ví dụ giao cho cấp sở tổ chức thì nhẹ nhàng hơn. Còn không tổ chức mà giao cho trường phổ thông cấp giấy chứng nhận sẽ phát sinh nhiều hệ luỵ khác. Dù tổ chức kỳ thi thì công sức và áp lực lớn, nhưng bỏ đi thì hệ luỵ cũng nhiều không kém. Vì vậy duy trì nhưng điều chỉnh về quy mô và cách thức tổ chức là phù hợp nhất”- thầy Trọng nêu ý kiến.
Ban chủ tọa hội thảo |