Tăng lương cho giáo viên là cần thiết
Theo GS.VS Đào Trọng Thi, từ Nghị quyết Trung ương VIII, khóa II năm 1996 đã nhắc đến mức lương của giáo viên cao nhất trong bảng lương hành chính sự nghiệp. Nhưng đến nay, sau hơn 20 năm chúng ta vẫn chưa thực hiện được và mới thực hiện được một số phụ cấp nghề nghiệp như: Phụ cấp giảng dạy và phụ cấp thâm niên.
Tuy nhiên, phụ cấp khác hẳn với lương. Bởi lương có tính chất ổn định, cố định để đảm bảo đời sống cho giáo viên và cũng làm cho giáo viên cảm thấy niềm tự hào về công việc mình đang làm. Bởi vậy tăng lương cho giáo viên là cần thiết.
“Không chỉ xếp lương ở bậc cao nhất trong thang bảng lương sự nghiệp hành chính, tôi đề xuất: Thang bảng lương của giáo viên phải là thang bảng lương đặc thù. Bởi nhà giáo là một nghề đặc thù nên thang bảng lương của họ phải đặc thù. Không thể mang thang bảng lương của anh chuyên viên đặt vào bảng lương của giáo viên” - GS.VS Đào Trọng Thi nhấn mạnh.
GS.VS Đào Trọng Thi – phân tích: Khác với các ngành nghề khác chỉ cần một trình độ, nhà giáo phải có nhiều trình độ khác nhau tương ứng với từng bậc học.
Chẳng hạn: Mầm non và tiểu học chỉ cần trình độ từ trung cấp trở lên nhưng lên đến THCS phải có trình độ từ cao đẳng trở lên; đến THPT thì phải có trình độ đại học trở lên… Thậm chí ở bậc đại học thì nhà giáo phải có trình độ tiến sỹ, PGS hoặc GS…
Do đó nếu mình mang thang bảng lương của chuyên viên hành chính mà áp vào bảng lương của giáo viên thì không phù hợp với tính chất đặc thù của nghề giáo.
GS.VS Đào Trọng Thi: Đề xuất tăng lương cho giáo viên lần này là khả thi nếu như có quyết tâm |
Tăng lương giáo viên phải được thể chế hóa bằng luật
“Đề xuất tăng lương cho giáo viên lần này là khả thi nếu như có quyết tâm. Vì Nghị quyết của Đảng đã nói từ lâu, nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Nghị quyết 29 cũng đã nhắc lại nhưng vẫn chưa thực hiện được. Vậy thì bây giờ còn cái gì không thực hiện nữa nào” - GS.VS Đào Trọng Thi nêu vấn đề.
Cũng theo GS.VS Đào Trọng Thi, đúng là Nghị quyết của Đảng chưa có giá trị pháp lý. Vì vậy điều này phải được thể chế hóa bằng luật và khi đó chính phủ phải thực hiện. Luật đã đưa ra là phải thực hiện và làm được điều này cũng là một bước tiến mang tính cách mạng. Vì đây là ý chí quyết tâm của Đảng, của nhân dân.
“Lao động của nhà giáo không thêm đo đếm bằng số lượng. Sản phẩm của giáo dục không phải là số lượng. Không phải tôi đào tạo ra nhiều học sinh mà tôi đào tạo học sinh có chất lượng. Mà chất lượng ấy đòi hỏi sự tự giác của giáo viên.
Điều này đã khác hẳn với các ngành nghề khác. Chất lượng của sản phẩm khác nó là tiêu chuẩn, anh sản xuất một cái bát là chất lượng như nhau đúng tiêu chuẩn.
Nhưng giáo dục không thế; giáo dục không có chuyện sản xuất một loạt học sinh có chất lượng như nhau mà em nào có khả năng thì sẽ có chất lượng tốt hơn” - GS.VS Đào Trọng Thi nêu quan điểm.