Bánh macaron thực sự rất đắt, điều này ai cũng biết. Không nói đến những chiếc Macaron Haute Couture ở Paris với giá hơn 7000 USD một hộp, thì ngay cả những chiếc bánh bình thường từ một hãng nhà làm không có nhãn hiệu cũng đã lên tới 25k - 30k một chiếc.
Chiếc macaron của những tiệm bánh càng có tiếng thì càng đắt. Chiếc đắt nhất mình từng thấy ở Sài Gòn có giá đến 40k.
Nhìn trên bề nổi thì quả thật điều này có chút vô lý, bởi xét về từ kích cỡ đến giá trị thực tế như nguyên liệu làm nên một chiếc bánh thì thực sự không đáng kể. Thậm chí, nhiều người ăn không hợp vị thường cho rằng macaron chỉ có vị ngọt, chẳng có gì đặc sắc lắm.
Và quả đúng thế, macaron thực sự khá ngọt bởi phần vỏ bánh chỉ được làm từ đúng 3 nguyên liệu là lòng trứng trắng, bột hạnh nhân và đường. Tùy nhân ganache, kem hay mứt mà chiếc bánh sẽ có thêm vị khác, thế nhưng macaron truyền thống đúng là rất ngọt nên khó có thể nhận ra mùi thơm hạnh nhân và những phương diện khác.
Nhiều người còn cho rằng macaron chỉ được cái đẹp... và có gốc gác "sang chảnh" là nước Pháp nên mới đội giá lên như thế. Tuy nhiên, rất tiếc phải báo cho các bạn một tin rằng, chẳng có gì đáng phàn nàn ở đây cả, bởi vì macaron như thế là "đúng giá" rồi, và đây là những lý do vì sao:
Kỹ thuật
Nếu bạn đã từng thử làm món bánh tưởng chừng như đơn giản này, hẳn đã nếm không ít trái đắng như chân bánh không "lên", bánh quá cứng, bánh quá mềm, bên trong bánh không chín trong khi bên ngoài đã cháy khét...
Tất cả không phải vì bạn không có năng khiếu, mà là vì món này làm thật sự khó. Đến cả những thợ làm bánh chuyên nghiệp lâu năm cũng phải cẩn thận từng li từng tí mới làm nên những chiếc bánh macaron ngon.
Phần vỏ bánh tuy chỉ có ba nguyên liệu chính là lòng trắng trứng, bột hạnh nhân và đường, nhưng tỷ lệ ba món phải chính xác đến từng miligram.
Ngoài ra, cách thêm nguyên liệu vào cũng rất quan trọng, phải chia nhỏ từng phần rồi cho vào từ từ để hai món không "choảng nhau", người thợ có quá nhiều thứ phải lo như tránh vón cục, tránh làm vỡ bọt khí...
Hơn nữa, khi trộn các nguyên liệu macaron thì luôn sẽ có một giới hạn mỏng manh mà nhỡ trộn quá một chút, bột sẽ thành nước, trộn ít một chút, bột sẽ cứng như đá. Giới hạn này mờ nhạt và không thể nhận biết được từ sách vở hay video dạy nấu ăn, chỉ có kinh nghiệm mới nói cho bạn biết một cách rất bản năng.
Như vậy, có thể nói là khoảng 30% giá tiền chiếc bánh là bạn đang trả cho công sức của người thợ đấy.
Nguyên liệu
Để có được bột bánh mịn thì yêu cầu nguyên liệu rất đặc thù.
Trứng để làm nên những chiếc macaron phải là trứng hơi... cũ một chút. Được bảo quản trong ngăn lạnh từ 3 - 5 ngày để khi đánh lên thì sẽ có nhiều bọt khí hơn.
Bột hạnh nhân và đường được sử dụng cũng phải mịn cực kì, phần lớn những loại bột được bán trên thị trường không bao giờ đạt được đến độ mịn cần có nên người thợ sẽ phải xay bằng máy hoặc tự dùng tay nghiền sao cho mịn như bụi vậy. Nếu bột không mịn thì bột sẽ bị vón cục và đó là điều chẳng ai muốn.
Và ngoài những nguyên liệu cơ bản thì ai cũng biết, macaron được "săn đón" là vì "nàng" đẹp. Vậy nên nếu thợ làm bánh muốn bán được những chiếc macaron thì phải dành công sức ra "điểm trang" cho các "nàng". Thế nghĩa là thêm thời gian, thêm nguyên liệu như màu thực phẩm, cánh hoa khô, kẹo, thậm chí là lá vàng...
Đã là macaron thì nhất định phải xinh đẹp mới được.
Thiên thời, địa lợi
Yếu tố này nghe có vẻ hơi buổn cười, nhưng bạn sẽ ngạc nhiên khi biết được rằng làm macaron có thành công hay không cũng còn phải xem... ý trời. Và đây là một lý do hết sức khoa học. Nhiều bếp trưởng dày dặn kinh nghiệm đã tuyên bố rằng: "Hơi ẩm là kẻ thù của macaron!"
Đây là hệ quả khi "người tính không bằng trời tính" do làm bánh trong tiết trời ẩm.
Vậy nên nếu bạn đã tự tin là mình làm tốt hết tất cả những kỹ thuật, nhưng bánh vẫn không ra đâu thì khả năng cao là hôm đó hơi ẩm trong không khí hơi cao hơn bình thường.
Nhiều thợ làm bánh đã khuyên rằng nên tránh làm macaron vào những ngày trời mưa, hoặc trước và sau khi mưa. Hơi ẩm trong không khí có thể khiến vỏ bánh bị nứt hoặc không "dậy" nổi.
Sự "hy sinh"
Bạn có biết rằng trong một mẻ macaron khoảng 10 cái, thì chỉ có khoảng 5 - 6 cái là còn "sống sót" để mà lên tới kệ bánh không? Chính vì nổi tiếng với nhan sắc xinh đẹp, nên những chiếc bánh bị mẻ, bị bể, hoặc có đường vân kì lạ, hay có "dị tật" nào khác đều sẽ không bao giờ được mang đi trình làng.
Vậy nên phía sau tất thảy những chiếc bánh xinh đẹp là những sự hy sinh thầm lặng. Điều này cũng có nghĩa là, nếu những chiếc bánh macaron được bán với giá "sát gốc" nguyên liệu, thì trong thời gian dài sẽ không còn người thợ làm macaron nào nữa cả, vì họ "sạt nghiệp" hết rồi.
Chỉ những chiếc bánh hoàn mỹ nhất mới có "tư cách" lên kệ.
Tạm kết:
Như vậy, ta có thể thấy rằng bánh macaron thực sự không được định giá bằng "đẳng cấp" hay sự "sang chảnh", mà dựa vào những nguyên tố hết sức thực tế.
Có lẽ bạn sẽ không ngăn bản thân làm một phép so sánh giữa những chiếc cupcake cũng xinh chẳng kém, hay những chiếc bánh donut to đầy ụ nhân... nhưng phải nhớ rằng cupcake, donuts hay nhiều loại bánh khác có thể được làm bằng máy móc, có thể được sản xuất hàng loạt, song macaron thì không.
Mỗi chiếc vỏ bánh macaron đều phải được người thợ tỉ mỉ nặn ra, và bột macaron không thể nào được trộn bằng máy. Đối với macaron, 90% mọi thứ đều phải dựa vào sức người.
Vậy nên, trừ khi bạn mua nhầm những chiếc macaron hơn 7000 đô Mỹ ở Paris, thì những chiếc macaron trong khoảng 25k - 30k thực sự không hề đắt tí nào đâu!