Diễn sâu kịch bản vụng

GD&TĐ - Ukraine càng thêm khó khăn trong cuộc chiến với Nga thì quyết định cho phép của Mỹ và Anh sẽ càng đến nhanh.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Điều được chú ý ở cuộc trao đổi giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer tại Washington không phải là thỏa thuận về thúc đẩy mối quan hệ song phương mà lại liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Mỹ và Anh trong NATO ủng hộ Ukraine nhiều nhất. Dù ông Starmer hối thúc nhưng ông Biden còn ngần ngừ nên cả hai chưa nhất trí được với nhau về việc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa đã được họ cung cấp để không kích vào những mục tiêu ở sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Thực chất, đây không phải là bất đồng quan điểm mang tính nguyên tắc giữa hai nhà lãnh đạo này, mà chỉ là bước đi nhằm xoa dịu tâm trạng sốt ruột của Ukraine; chơi trò chiến tranh tâm lý với Nga cũng như chuẩn bị dư luận cho việc bật đèn xanh để Ukraine không kích tên lửa vào sâu trong lãnh thổ Nga. Ukraine càng thêm khó khăn trong cuộc chiến với Nga thì quyết định cho phép của Mỹ và Anh sẽ càng đến nhanh.

Cách thức xử lý chuyện này của ông Biden và ông Starmer đã được các thành viên NATO cũng như các quốc gia phương Tây khác sử dụng nhiều lần trước đấy. Kịch bản đơn giản chỉ là họ tự định ra cái gọi là lằn ranh đỏ, tỏ ra chần chừ và cân nhắc kỹ càng nhưng rồi sau đấy đều bước qua.

Việc cho hay không cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa lần này cũng là một kiểu lằn ranh đỏ như thế. Những lằn ranh đỏ bị bước qua là cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine, rồi đến pháo binh hạng nặng và xe tăng chiến đấu cùng với các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa hiện đại. Tiếp đến là máy bay tiêm kích F-16 và tên lửa tầm gần.

Kịch bản đã trở nên vụng nhưng lại vẫn được ông Biden và ông Starmer diễn sâu. Thủ tướng Anh tỏ ra hăng hái và sốt ruột trong khi Tổng thống Mỹ tiếp tục chần chừ. Ông Starmer chủ động đề xuất việc sang Mỹ để bàn thảo với ông Biden về việc này.

Cả hai đều muốn gây dựng và thể hiện vai trò tiên phong và dẫn dắt cả NATO lẫn khối phương Tây trong việc tiếp tục hậu thuẫn Ukraine đến cùng, đồng thời bằng mọi giá để Ukraine đánh bại Nga, hoặc chí ít thì cũng không thua Nga.

Trên thực tế, Ukraine cần nhưng Mỹ và Anh chưa vội vì cho rằng hiện chưa phải là thời điểm tung ra con bài này. Ukraine phải dè chừng những biện pháp trả đũa của Nga và họ muốn kiểm soát những hành động tấn công quân sự từ Ukraine vào lãnh thổ Nga. Họ giúp Ukraine tiếp tục chiến tranh với Nga nhưng lại phải hết sức tránh để xảy ra đụng độ quân sự trực tiếp giữa Nga và các nước thành viên NATO ở châu Âu.

Ông Biden và ông Starmer chỉ biểu lộ ra bên ngoài là chưa thống nhất, chứ thực ra họ đã nhất trí về nguyên tắc với nhau. Lằn ranh đỏ do họ tự đặt ra nên họ rất dễ dàng bước qua nó vào bất cứ thời điểm nào.

Dù vậy, điều này vẫn báo hiệu triển vọng gia tăng mức độ chiến sự trên chiến trường và Nga sớm muộn sẽ bị Ukraine tấn công vào sâu trong lãnh thổ. NATO nói chung và các nước thành viên tổ chức này nói riêng can dự trực tiếp càng thêm sâu vào cuộc chiến này ở cả Ukraine lẫn Nga.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vùng thường xuyên bị ngập lụt cần có nhà chống lũ cho gia súc. Ảnh: INT

Làm nhà cho gia súc

GD&TĐ - Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức xã hội, nhiều khu dân cư ở các vùng thường xuyên bị ngập lụt đã có nhà cộng đồng.