Ấn phẩm Der Spiegel của Đức mới đây đã trích dẫn một nghiên cứu của các chuyên gia từ Viện Kinh tế Thế giới tại Đại học Christian Albrecht ở Kiel cho rằng, ngoại trừ Hoa Kỳ ra, các quốc gia hàng đầu khác trong NATO hiện đang tụt hậu rất xa so với Nga về mặt quân sự, ngay cả là với một cường quốc quân sự như Đức.
Sau khi nghiên cứu sâu về cuộc xung đột Nga-Ukraine, thậm chí các chuyên gia Đức còn bày tỏ sự lo ngại khi cho rằng, khoảng cách này ngày càng trở nên tồi tệ hơn và trở thành mối lo lắng đối với toàn thể phương Tây.
Theo các chuyên gia này, xung đột Nga-Ukraine cho thấy, chính quyền Berlin sẽ cần nhiều năm để giúp Quân đội Đức (Bundeswehr) xây dựng tiềm lực quân sự. Đặc biệt là đối với một số loại vũ khí chuyên dụng, công việc này sẽ mất khoảng 100 năm.
Các chuyên gia của Đại học Christian Albrecht nêu rõ, nếu chúng ta muốn quay trở lại mức tồn kho năm 2004, chẳng hạn như xe tăng chiến đấu, thì với tốc độ sản xuất hiện tại, điều này sẽ chỉ đạt được vào năm 2066, máy bay chiến đấu vào năm 2038 và các hệ thống pháo binh, vốn đang có nhu cầu lớn ở Ukraine, thậm chí chỉ đạt mức tồn kho vào năm 2121, tức là gần 100 năm nữa.
Tài liệu nghiên cứu kiến nghị chính quyền Berlin cần đầu tư nhiều hơn cho các chương trình quốc phòng. Chỉ có như vậy thì mới có thể giảm bớt tình trạng yếu kém và sau đó mới đạt được kết quả tích cực.
Giới chuyên gia quân sự phương Tây lưu ý rằng, kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, chính quyền Moscow không những củng cố và còn mở rộng quy mô của tổ hợp công nghiệp-quân sự và hiện vẫn đang tiếp tục tăng năng lực sản xuất cũng như tốc độ sản xuất.
Giới chuyên gia Đức cho rằng, việc chính quyền của ông Olaf Scholz và những người kế nhiệm có đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng hay không còn là điều chưa thể khẳng định được, nhưng họ khuyến cáo chính quyền Berlin nên làm điều này, nếu những mâu thuẫn tiếp tục kéo dài.
Trước đây, Quân đội Đức “sống tốt” với mức đầu tư như vậy bởi họ không cần gửi vũ khí đến giúp đỡ Ukraine, không thực hiện chính sách bài Nga và thực thi các biện pháp trừng phạt chống Nga theo ý định của Mỹ.
Theo các chuyên gia, giờ đây, nếu các quan chức chính quyền Berlin quyết định tham gia vào một cuộc chiến khác chống lại Moscow mà không gia tăng tiềm lực cho Quân đội Đức thì một thất bại chắc chắn đang chờ đợi họ.