Diện mạo nông thôn Quảng Ninh thay đổi từ Chương trình mục tiêu quốc gia

GD&TĐ - Qua 14 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Quảng Ninh được đánh giá đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Người dân xã Quảng Long, huyện Hải Hà thu hoạch búp chè.
Người dân xã Quảng Long, huyện Hải Hà thu hoạch búp chè.

Áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Khi chương trình xây dựng NTM được lan tỏa rộng rãi khắp các thôn, gia đình bà Phí Thị Oanh, thôn Tân Hợp, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà đã mạnh dạn chuyển đổi 3ha diện tích đất ruộng sang trồng ổi.

Những năm gần đây, khi quy trình VietGap được phổ biến rộng rãi, gia đình bà Oanh cũng nhanh chóng tiếp cận phương thức chăm sóc này và áp dụng cho diện tích trồng ổi của gia đình mình.

Lợi nhuận kinh tế từ mô hình này mang lại cho gia đình bà hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Đời sống cũng từ đó khấm khá hơn.

Bà Oanh cho biết, sản xuất theo quy trình VietGAP đem lại giá trị cao cho nông sản, nhờ đó, đầu ra bền vững hơn nên gia đình tiếp tục duy trì diện tích trồng ổi theo quy trình này.

Còn đối với gia đình ông Trần Văn Điều, xã Quảng Long, huyện Hải Hà, được sự vận động, hướng dẫn của chính quyền địa phương, gia đình ông cũng đã tham gia chuyển đổi diện tích trồng chè hiện có sang áp dụng quy trình chăm sóc VietGAP.

Nhờ đó, 2 năm nay, diện tích trồng chè của gia đình ông luôn đạt chất lượng cao, an toàn và được hộ thu mua ưu tiên. Hướng đi này cũng mang về cho gia đình ông nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt chú trọng đến việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nghiên cứu, sản xuất giống mới, năng suất, chất lượng. Phát triển nông nghiệp hữu cơ, phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực…

Tính đến nay, tỉnh đã quy hoạch 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Duy trì trên 1.000ha vùng trồng trọt được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 94ha lúa chất lượng cao, 420 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, 46 vùng trồng được cấp mã số.

Ngoài việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, để tạo đà cho kinh tế nông thôn, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm, dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hỗ trợ tín dụng cho HTX, doanh nghiệp, hộ nông thôn phát triển sản xuất kinh doanh. Nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng…

Từ sự tiếp sức này, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn triển khai các mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước hình thành nền sản xuất hàng hóa, thúc đẩy kinh tế nông thôn.

Với chị Nguyễn Thị Thu, thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô, nguồn vốn vay ủy thác của Ngân hàng CSXH đã giúp cho gia đình chị mua thêm máy móc và nguyên vật liệu phục vụ chế biến hải sản.

“Nhờ 100 triệu đồng vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, gia đình tôi đã đầu tư thêm kho lạnh bảo quản, gia tăng công suất chế biến, mở rộng năng lực sản xuất. Hiện nay, cơ sở của gia đình đang tạo việc làm cho 3 lao động địa phương, thu nhập của mỗi lao động tại cơ sở là 5-7 triệu đồng/người/tháng”, chị Thu nói.

Chung tay để khu vực nông thôn ngày càng giàu có, hiện đại

Năm 2023, thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Sơn Dương, TP Hạ Long triển khai mở rộng, chỉnh trang 3 tuyến đường trục thôn Đồng Đạng, Đồng Giang và Vườn Cau.

Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng về đất, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc là 58 hộ. Hiểu rõ giá trị “tấc đất tấc vàng”, nhưng vì lợi ích chung, nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn sẵn sàng hiến đất, chung tay cùng địa phương xây dựng NTM.

ảnh 1,.jpg
Mô hình trồng cây ăn quả của người dân xã Quảng Chính, huyện Hải Hà mang lại thu nhập kinh tế cao.

Theo đó, các hộ đã tự nguyện hiến trên 11.200m2 đất, nhiều cây cối, hoa màu, công trình kiến trúc để dự án được triển khai thuận lợi, làm đẹp cho diện mạo nông thôn.

Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, 5 năm qua Hội Nông dân các cấp đã tuyên truyền, vận động hội viên nông dân toàn tỉnh đóng góp trên 615 tỷ đồng, hơn 9.000 ngày công, hiến trên 1 triệu m2 đất, làm mới, sửa chữa, nâng cấp 1.610km kênh mương, 2.185km đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, sửa chữa hàng trăm nhà văn hóa thôn, khu...

Tính đến nay, sau 14 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, kinh tế nông thôn Quảng Ninh có nhiều đổi thay tích cực. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn đã đạt trên 73 triệu đồng/người/năm.

Người dân nông thôn từng bước làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp hiện đại. Các vùng nông thôn Quảng Ninh đang trên tiến trình chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Những kết quả này, chính là động lực để tỉnh tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu đưa khu vực nông thôn Quảng Ninh ngày càng giàu có, hiện đại, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền trong tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ