Huyện vùng cao Nghệ An xóa đói giảm nghèo nhờ cây chè Shan tuyết

GD&TĐ - Nhờ phù hợp với khí hậu, cây chè Shan tuyết ở huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân xóa đói giảm nghèo.

Người dân xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn thu hoạch chè Shan tuyết.
Người dân xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn thu hoạch chè Shan tuyết.

Bản làng đổi thay nhờ giống chè đặc sản

Nằm cách TP Vinh khoảng 250km về phía Tây Bắc, Huồi Tụ là một xã miền núi khó khăn của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Hơn 20 năm về trước, đồng bào Mông ở huyện Kỳ Sơn có nếp sống du canh du cư. Người dân thường đốt rừng làm rẫy, trồng ngô, trồng lúa nương lấy lương thực.

Thế nhưng, do địa hình nhiều đồi núi, khí hậu không phù hợp nên năng suất cây trồng thấp. Rừng bị tàn phá, nhưng cảnh nghèo đói vẫn đeo bám người dân nơi đây.

Năm 2003, sau khi được thành lập, Tổng đội Thanh niên xung phong 8 - Xây dựng kinh tế Nghệ An (gọi tắt là Tổng đội TNXP 8) đã đưa giống chè Shan tuyết từ tỉnh Hà Giang đưa về trồng tại 2 xã Huồi Tụ và Mường Lống.

Do nằm ở độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ nên cây chè phát triển tốt. Đến năm thứ 3, lứa chè đầu tiên được thu hoạch, cán bộ Tổng đội TNXP 8 xuống tận nương chè thu mua rồi trả tiền.

Từ đó, người dân ở Huồi Tụ bắt đầu truyền tai nhau tham gia các lớp tập huấn kĩ thuật, học cách trồng, chăm sóc, cắt cành tạo tán, thu hoạch chè.

Chè Shan tuyết được trồng trên những ngọn đồi ở xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn.

Chè Shan tuyết được trồng trên những ngọn đồi ở xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn.

Đang cùng con cháu thu hoạch chè trên đồi, bà Vừ Y Sềnh (trú tại bản Huồi Khả, xã Huồi Tụ) cho biết, chè Shan tuyết không thích ánh nắng trực tiếp của mặt trời mà ưa sự mát mẻ nên bà con phải trồng thêm cây pơ mu để tạo bóng mát nhờ đó các đồi trọc cũng được phủ xanh.

Trước đây, do giá chè thấp chỉ khoảng 5.000 đồng/kg chè búp tươi, nhiều hộ có ý định phá bỏ. Thế nhưng, những năm trở lại đây, giá chè ngày một nâng cao, thương lái về thu mua tận nhà nên bà con rất vui, yên tâm sản xuất.

Với giá 9.000-10.000 đồng/kg chè búp tươi tùy thời điểm, tính ra hơn 1ha chè bà thu về khoảng 40 triệu đồng/năm. Đối với đồng bào Mông trên này, đây là số tiền lớn, đủ để trang trải cuộc sống gia đình, cho con cái ăn học.

Càng ngày, càng thấy được cây chè Shan tuyết thực sự là cây trồng quý giá, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân ở vùng núi cao này.

Hướng đi xóa đói giảm nghèo

Nhờ đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu quanh năm mát mẻ mà cây chè Shan tuyết ở Kỳ Sơn sinh trưởng tốt, búp to, cho năng suất cao. Trên những cung đường, hướng tầm mắt lên hai bên sườn đồi có thể dễ dàng bắt gặp những nương chè xanh mướt.

Đang hái những búp chè căng mọng còn vướng sương mai, ông Dềnh Vả Hùa (trú tại bản Huồi Khả, xã Huồi Tụ) cho biết, cây chè Shan tuyết bình quân mỗi năm cho thu hoạch 3 - 4 lứa, lứa thứ nhất thu hoạch vào cuối tháng 3 đến tháng 4, lứa thu hoạch này cho chất lượng chè tốt nhất.

Lứa thứ 2 thu hoạch vào tháng 5, tháng 6, lứa thu hoạch này cho năng suất cao nhất trong năm. Lứa thu hoạch thứ 3 cho thu hoạch vào tháng 8 và lứa thu hoạch thứ 4 cho thu hoạch vào tháng 11.

“Gia đình tôi có hơn 2ha chè. Với mức giá thu mua từ 9.000-10.000 đồng/kg, mỗi năm đem lại thu nhập từ 70-80 triệu đồng. Trong bản Huồi Khả hầu như gia đình nào cũng trồng chè, nhà ít 2ha, nhà nhiều thì 5-7ha. Nhờ cây chè mà chúng tôi thoát được cái nghèo, cái khổ, con cái có điều kiện học hành”, ông Hùa chia sẻ.

Cây chè Shan tuyết giúp người dân miền núi Nghệ An xóa đói giảm nghèo.

Cây chè Shan tuyết giúp người dân miền núi Nghệ An xóa đói giảm nghèo.

Ông Hả Bá Lỳ - Phó Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn cho biết, hiện toàn xã đang có trên 400ha chè Shan tuyết, trong đó hơn 200ha cho thu hoạch. Với mức giá từ 9.000-10.000 đồng/kg chè búp tươi, tính ra hơn 1ha chè thu về trên dưới 40 triệu đồng/năm. Đối với đồng bào dân tộc Mông, đây là số tiền lớn đủ để trang trải cuộc sống gia đình.

Bên cạnh đó, nhờ trồng chè mà nhiều người dân đã có công việc ổn định góp phần xóa đói, giảm nghèo và hạn chế nạn phá rừng làm nương rẫy. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền vận động người dân mở rộng diện tích, đưa chè Shan tuyết trở thành sản phẩm OCOP.

“Đối với đồng bào người Mông ở xã Huồi Tụ, cây chè Shan tuyết đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân phát triển kinh tế. Hiện nay, xã Huồi Tụ đang thống kê diện tích đất và tuyên truyền vận động người dân mở rộng diện tích chè”, ông Lỳ chia sẻ.

Ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, huyện Kỳ Sơn đã thông qua đề án phát triển cây trồng chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, cây chè Shan Tuyết là một trong những cây trồng chủ lực của huyện.

Bên cạnh việc tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thu hái, chế biến để người dân, huyện cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu nhân rộng mô hình ra các xã có điều kiện tự nhiên phù hợp như xã Na Ngoi, Mường Lống, Huồi Tụ.

Phấn đấu, mỗi năm trồng mới từ 50 – 70 ha chè chất lượng cao. Đồng thời, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng, phấn đấu sản lượng tối thiểu từ 1.000 tấn chè búp tươi trở lên mỗi năm, có như vậy mới có thể kêu gọi được doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy ngay tại Kỳ Sơn.

Theo thống kê, huyện Kỳ Sơn hiện có hơn 600ha chè Shan tuyết, tập trung chủ yếu tại các xã Huồi Tụ, Mường Lống, Na Ngoi… Sản lượng búp chè tươi đạt khoảng 1.400 tấn/năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ