Diện mạo mới cho giáo dục Mầm non từ chương trình mới

GD&TĐ - Để tiệm cận với quốc tế và bắt nhịp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục mầm non (GDMN) cần thay đổi, trước hết là chương trình giáo dục.

Chương trình GDMN sau sửa đổi sẽ phát huy tốt hơn năng lực sáng tạo của trẻ.
Chương trình GDMN sau sửa đổi sẽ phát huy tốt hơn năng lực sáng tạo của trẻ.

Theo kế hoạch, năm 2024 Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Chương trình GDMN mới với những đổi thay hướng đến thực tiễn và chất lượng hơn. Các nhà giáo dục, quản lý trường mầm non và giáo viên đứng lớp kỳ vọng Chương trình GDMN sau năm 2020 sẽ đem lại diện mạo mới cho bậc học này.

Chuẩn hóa chương trình

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ GDMN, Bộ GD&ĐT, lộ trình được đặt ra đến năm 2024, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Chương trình GDMN mới. Đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu, tổ chức các hội thảo, tiếp thu ý kiến của chuyên gia, địa phương và đơn vị liên quan để có những định hướng xây dựng Chương trình GDMN phù hợp với thực tiễn và sự phát triển của thế giới.

Từ thực tế quản lý nhà trường, nhà giáo Nguyễn Thị Băng – Hiệu trưởng Trường MN Yên Ninh, TP Yên Bái (Yên Bái), cho rằng: Chương trình GDMN thể hiện quan điểm giáo dục toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm, với phương châm giáo dục “trẻ chơi mà học, học bằng chơi”.

Quan điểm Chương trình GDMN mới đảm bảo tính liên thông giữa các độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo, giữa chương trình GDMN và GDPT. Điều này thể hiện rõ trong mục tiêu, nội dung, kết quả mong đợi, các điều kiện thực hiện Chương trình GDMN, yêu cầu về mục tiêu, phương pháp, nội dung và hướng dẫn thực hiện chương trình. Cơ sở GDMN có thể bổ sung nội dung chương trình để phát triển thành chương trình nhà trường phù hợp với thực tiễn.

Các ý kiến đóng góp mà Bộ ghi nhận được đều thiết thực và ý nghĩa để Bộ GD&ĐT tham khảo ban hành chương trình mới phù hợp, đáp ứng sự phát triển chung, tiệm cận với các chuẩn quốc tế và phù hợp với Chương trình GDPT 2018.

Các yêu cầu xây dựng chương trình mới đã đáp ứng đầy đủ yếu tố cần thiết để nuôi dạy và phát triển trẻ trong bối cảnh hiện nay. Chia sẻ điều này, TS Đặng Lộc Thọ, thành viên Tiểu ban GDMN, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực cho hay:

Chương trình mang tính chất khung quốc gia, mang tính mở, trao quyền chủ động cho các địa phương và cơ sở GDMN tự chủ trong triển khai. Trên cơ sở Chương trình khung quốc gia, các cơ sở GDMN phát triển chương trình giáo dục nhà trường phù hợp với thực tế của nhà trường, văn hóa địa phương, nhu cầu và khả năng của trẻ. Đây là cách làm hay và hết sức hiệu quả mà các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đều thực hiện.

Trẻ trải nghiệm thực tế với sản vật Tết tại Trường MN Hải Tân, huyện Hải Hậu, Nam Định. Ảnh: TG
Trẻ trải nghiệm thực tế với sản vật Tết tại Trường MN Hải Tân, huyện Hải Hậu, Nam Định. Ảnh: TG

Trẻ là trung tâm trong mọi hoạt động

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh, để xây dựng chương trình chuẩn đáp ứng các yêu cầu đặt ra, thời gian qua, Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ ban hành văn bản quy định các quy chuẩn và chính sách nhằm tạo điều kiện thực hiện chương trình đồng thời tổ chức tập huấn hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện nhiều chuyên đề để hỗ trợ các cơ sở GDMN nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ theo đúng quan điểm của chương trình.

Các cơ sở GDMN đã tham mưu với chính quyền để đầu tư và tổ chức thực hiện chương trình theo mục tiêu đã xác định. Đây là những tiền đề thuận lợi để việc xây dựng chương trình GDMN sau 2020 chất lượng, hiệu quả và thiết thực, đáp ứng nuôi dạy trẻ tốt hơn.

Đánh giá cao những đổi thay tích cực của Chương trình GDMN sau sửa đổi, ông Vũ Đức Thọ - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cho biết: “Để hiện thực hóa Chương trình GDMN sửa đổi, chúng tôi đang hướng dẫn các cơ sở GDMN tổ chức có hiệu quả hoạt động chuẩn bị cho trẻ em 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp 1 theo hướng liên thông với Chương trình GDPT mới với lớp 1.

Cùng với đó, ngành tổ chức thực hiện có chất lượng Chương trình GDMN phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ sở GDMN và đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Đặc biệt, chúng tôi tăng cường tổ chức hoạt động giáo dục bằng phương pháp thực hành, trải nghiệm, hoạt động giáo dục phát triển nhận thức, ngôn ngữ. Ngoài ra, ưu tiên chuẩn bị cho trẻ em 5 tuổi làm quen với việc học đọc, học viết được quy định tại Chương trình GDMN”.

Nỗ lực thích ứng và chuyển đổi kịp thời là quan điểm chỉ đạo của Phòng GD&ĐT TP Hạ Long (Quảng Ninh) với các cơ sở GDMN trên địa bàn. Bà Vi Bích Hạnh - Trưởng phòng GD&ĐT cho biết: Chúng tôi đẩy mạnh thực hiện Chương trình GDMN sau sửa đổi, bổ sung, yêu cầu các trường cần thực hiện nghiêm túc, bài bản và trách nhiệm. Cơ sở GDMN phải quán triệt những nội dung, yêu cầu mới trong

Chương trình GDMN sửa đổi, bổ sung đồng thời tổ chức hoạt động giáo dục hiệu quả nhất. Đối với khối mẫu giáo 5 tuổi, phải chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng học đọc, học viết theo hướng liên thông với chương trình lớp 1. Các nhà trường phải quan tâm đến tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em trong cơ sở GDMN, đặc biệt khi điều kiện kinh tế xã hội tốt hơn, yêu cầu về nuôi dạy trẻ cũng đặt ra cao hơn chuẩn mực cũ.

Chương trình GDMN 10 năm qua đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng GDMN. Tuy nhiên, các cơ sở GDMN còn gặp không ít khó khăn trong thực hiện và yêu cầu chất lượng nuôi dạy trẻ cũng khác trước đòi hỏi phải có sự thay đổi đáp ứng thực tế. Chúng tôi nhận thấy phải có cách tiếp cận và quan điểm mới để có điều chỉnh phù hợp, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ phù hợp với thực tiễn hơn, chất lượng hơn. Quan điểm về Chương trình mới đã thể hiện rõ trong mục tiêu, nội dung, kết quả mong đợi, điều kiện thực hiện, phương pháp và hướng dẫn thực hiện chương trình - PGS.TS Nguyễn Bá Minh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ