Dự chương trình có đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương, các chuyên gia tâm lý, nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, lãnh đạo các phòng GD&ĐT, ban giám hiệu các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội và sự có mặt của gần 1.000 cán bộ, giáo viên và học sinh Trường THCS Giảng Võ.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Phùng Công Sưởng - Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho biết: Đại dịch thế kỷ đã tác động sâu sắc đến toàn nhân loại, nhiều giá trị bị đảo lộn, mối tương tác giữa con người và nhiều nhiều thói quen mang tính truyền thống đã thay đổi.
Đứng trước sự thay đổi bất ngờ đó, nhiều học sinh đã thích ứng, thích nghi. Nhưng cũng thật đáng tiếc có nhiều học sinh đã cảm thấy chông chênh, đan xen nhiều cảm xúc thiếu tích cực. Điều đó nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển trong tương lai của các em.
Do đó, Báo Tiền Phong phối hợp với Hội đồng Đội Trung ương; Sở GD&ĐT Hà Nội, UBND quận Ba Đình tổ chức Diễn đàn "Điều em muốn nói" để lắng nghe những tâm sự về những rắc rối, trở ngại và cả những bế tắc mà các em gặp phải trong cuộc sống, học tập, tình bạn, sức khoẻ, gia đình. Đây cũng là dịp để các phụ huynh hiểu con hơn, có được những động viên, chia sẻ hữu ích.
Tại diễn đàn, nhà thơ Trần Đăng Khoa- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ câu chuyện thời đi học của ông trong thời “mưa bom bão đạn”. Theo ông, thời nào cũng có áp lực, thời "mưa bom bão đạn cũng áp lực kinh khủng lắm. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm gì để vượt qua áp lực và không có áp lực.
Chia sẻ tại diễn đàn, em Trần Minh Tâm - học sinh lớp 9 cho biết, sau khi trở lại học trực tiếp, điều em lo lắng nhất là phải thực hiện các bài kiểm tra. Cùng với đó là nỗ lo trước kỳ thi vào lớp 10 sắp tới. Khóa của em bị ảnh hưởng 3 năm bởi dịch Covid-19, do đó chất lượng học tập đã bị ảnh hưởng rất nhiều.
Nguyễn Nhật Minh, một học sinh khác tâm sự: Thời gian học trực tuyến không được hiệu quả như học trực tiếp, và em đã phải mang thêm một chiến kính cận vì ngồi máy tính quá nhiều. Sau khi đi học trở lại, em đã có bài kiểm tra và chỉ đạt được 7 điểm. Em rất buồn vì sợ mẹ không hài lòng. Nhưng rất vui vì được mẹ hiểu và cảm thông.
Còn Nguyễn Phương Anh- một nữ sinh lớp 8 chia sẻ: Khi mới trở lại trường để học trực tiếp, em cảm thấy khá khó khăn vì phải thực hiện nền nếp của trường, quy củ chặt chẽ hơn, phải đến trường đúng giờ, mặc đồng phục và làm bài tập về nhà đầy đủ. Em cũng rất lo lắng khi làm các bài kiểm tra cuối học kỳ, lo sợ điểm số sẽ không như mong muốn.
Từ những thực tế được các bạn học sinh chia sẻ, PGS.TS Trần Thành Nam - chuyên gia tâm lý đến từ Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN nhận định: Điểm chung của các em học sinh là sự mất kết nối. Những "vết thương lòng" khiến các bạn cảm thấy tổn thương, trầm cảm.
Do đó, hãy đối xử với những vết thương lòng như những vết thương ngoài da, sẽ có người giúp vết thương của các bạn lành lặn hơn. Các bạn có thể nói cha mẹ không lắng nghe, nhưng hãy tìm nhiều cách thức hơn để cha mẹ thấu hiểu mình. Hoặc tìm đến người thân, người bạn, thầy cô mà các bạn có thể tin tưởng, họ có thể mang đến cho bạn những phản hồi tích cực.
Phát biểu tại chương trình, bà Trần Lưu Hoa- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết diễn đàn "Điều em muốn nói" là chương trình bổ ích, hấp dẫn, giúp các học sinh có những kỷ niệm khó quên. Từ những chia sẻ của các khách mời, đại biểu trong diễn đàn, các em học sinh sẽ có cách ứng xử, xử lý và cách nhận biết các tình huống xảy ra trong cuộc sống hằng ngày theo hướng tích cực nhất.