Điển cố với thể hiện cảm hứng yêu nước trong thơ Phan Châu Trinh

GD&TĐ - Sự nghiệp văn học của Phan Châu Trinh (1872 - 1926) hết sức phong phú, đồ sộ và giá trị trên nhiều phương diện.

Minh họa cảnh đập đá ở Côn Lôn.
Minh họa cảnh đập đá ở Côn Lôn.

Cùng với tư tưởng canh tân và ý thức dân chủ, tinh thần yêu nước là đóng góp quan trọng của ông với văn học dân tộc. Thể hiện tư tưởng yêu nước, thơ Phan Châu Trinh sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật. Trong đó, điển cố là một phương tiện nghệ thuật mang lại nhiều giá trị.

1. Chủ ý nghệ thuật

Trên tổng thể, thơ Phan Châu Trinh vẫn chưa đi ra ngoài quán tính của văn học trung đại. Bởi “Phan Châu Trinh là một nhà dân chủ, yêu nước và cách mạng. Nhưng Phan Châu Trinh cũng là một nhà nho” [1].

Thơ ông là thơ của một nhà yêu nước, một nhà dân chủ nhưng cũng là thơ của một nhà nho. Một cách nghiêm ngặt, thơ Phan Châu Trinh là sự thể hiện những nội dung mới của thời đại bằng bút pháp truyền thống của thơ ca trung đại. Bởi đó, điển cố được dẫn dụng trong thơ ông như một thủ pháp nghệ thuật quan trọng là điều tất yếu.

Đọc thơ Phan Châu Trinh, không khó để nhận ra ông là người am hiểu về điển và sử dụng điển một cách hiệu quả. Điều này thể hiện rõ qua ý thức chủ động, chọn lọc trong việc dẫn điển của nhà thơ.

Phan Châu Trinh không lạm dụng điển. Vì thế, mặc dù dung lượng thơ rất lớn (325 bài thơ Đường luật, 310 câu thơ lục bát trong Gia huấn ca, 968 câu thơ song thất lục bát trong Tỉnh quốc hồn ca 1 và 2, 3.939 câu trong truyện thơ Giai nhân kỳ ngộ diễn ca [2]) nhưng số lượng điển được Phan Châu Trinh sử dụng không nhiều. Thậm chí, ở nhiều tác phẩm, tiêu biểu như Santé thi tập, Gia huấn ca, điển cố gần như vắng bóng.

Đặc biệt hơn, điển trong thơ Phan Châu Trinh tuy ít nhưng lại được dùng tập trung vào một số chủ đề chính, trong đó nổi bật nhất là chủ đề thể hiện tư tưởng yêu nước. Thơ Phan Châu Trinh có sự thống nhất cao độ từ nội dung tư tưởng đến phương thức thể hiện.

Điều này giải thích cho sự xuất hiện một cách tập trung, hệ thống, với số lượng lớn của các điển cố gắn liền/ liên quan đến chủ đề yêu nước trong thơ ông, chẳng hạn: Vá trời, luyện thạch bổ thiên (Đập đá ở Côn Lôn, Tỉnh quốc hồn ca 2); kim âu, âu vàng (Thi xưa 4, Lại y vận họa tiếp mười bài 5); Tinh Vệ, ngậm đá biển Đông, đỗ quyên, vọng đế (Điếu ông Tú tài Chiểu 6, Lại y vận họa tiếp mười bài 1, 9, Khóc Trần Quý Cáp, Giai nhân kỳ ngộ diễn ca); Kỷ nhân ưu (Tặng hữu nhân Trần Quý Cáp Tiến sĩ); nếm mật nằm gai, gai êm mật ngọt, mã cách [da ngựa bọc thây], ngậm cơm vỗ bụng, khúc đàn Tiệm Ly, Kinh Kha (Giai nhân kỳ ngộ diễn ca)…

Xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, am tường Hán học, Phan Châu Trinh hiểu rõ những khả năng và giới hạn của điển cố, do đó biết cách dụng điển một cách hợp lý, hiệu quả. Nhà thơ chủ động sử dụng nhiều điển phù hợp với mục đích thể hiện nội dung yêu nước và thành công với hướng lựa chọn trên. Những giá trị nghệ thuật đặc sắc mà điển cố mang lại trong vai trò thể hiện cảm hứng yêu nước trong thơ Phan Châu Trinh cho thấy rõ điều này.

Chí sĩ Phan Châu Trinh.

Chí sĩ Phan Châu Trinh.

2. Vai trò của điển cố trong thể hiện cảm hứng yêu nước

Trên phương diện nội dung tư tưởng, điển cố trong tính liên văn bản là những mã nghệ thuật với các đặc trưng như giàu sức khái quát, khả năng gợi dẫn, hàm chứa nhiều tri thức lịch sử văn hóa, xúc cảm thẩm mĩ… đã góp phần thể hiện sâu sắc nhiều phương diện của nội dung yêu nước trong thơ Phan Châu Trinh.

Cảm hứng yêu nước trong thơ Phan Châu Trinh thể hiện trước tiên ở nỗi đau nước mất nhà tan, niềm căm giận bè lũ cướp nước và bán nước. Trong chùm 10 bài Thi xưa và chùm Lại y vận họa tiếp 10 bài để họa lại và mỉa mai sự thoả hiệp, đầu hàng giặc Pháp của Tôn Thọ Trường qua 10 bài Tự thuật [3], điển âu vàng (với hàm nghĩa thế nước vững chãi) được Phan Châu Trinh dùng trong hình ảnh bể nát đã thể hiện một cách mạnh mẽ, dứt khóat thái độ của nhà thơ trước sự nguỵ biện của kẻ làm tay sai cho giặc: Quái nỗi chất đầy quân mặt bạc/ Làm cho bể nát cái âu vàng (Thi xưa 4); Âu vàng đã bể khôn tìm mảnh (Lại y vận họa tiếp mười bài 5).

Tủi hờn trước vận nước nổi trôi, căm giận kẻ thù tàn bạo, thơ Phan Châu Trinh càng xót thương, cảm phục sự hi sinh cao cả của các anh hùng, nghĩa sĩ đã bỏ thân mình vì nước, vì dân. Trong chùm 10 bài Điếu ông Tú tài Chiểu, mượn điển Vọng đế [4], Phan Châu Trinh bày tỏ niềm cảm thương, kính phục trước nghĩa cử cao đẹp vị quốc vong thân của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định cũng như tấm lòng yêu nước thương nhân của nhà thơ lớn Nguyễn Đình Chiểu: Mửa máu còn kêu hồn Vọng đế/ Héo gan vì khóc kẻ trung thần (bài 2). Một dạng thức khác của Vọng đế là điển đỗ quyên cũng được dùng để nói thay tâm sự yêu nước của nhà thơ được ký thác qua lời của nàng U Lan trong Giai nhân kỳ ngộ diễn ca: Đỗ quyên muôn kiếp máu chưa tan.

Điển cố còn được Phan Châu Trinh sử dụng để nói lên nỗi hận vong quốc: Tinh Vệ nghìn năm hồn khó dứt (Giai nhân kỳ ngộ diễn ca); Ngậm đá biển đông hồn hết sức (Điếu ông Tú tài Chiểu 6). Theo truyền thuyết, con gái Viêm đế chết đuối ở biển đông, hóa thành chim tinh vệ, ngày ngày ngậm đá lấp biển báo thù. Mượn điển Tinh vệ, ngậm đá biển đông, Phan Châu Trinh muốn giải bày nỗi hận mất nước của Trương Định, Đồ Chiểu, của nàng U Lan và cũng là của chính mình.

Điển này cũng được dùng để nói lên chí lớn báo thù nước trong thơ Phan Châu Trinh: Tinh vệ còn thân biển phải bằng (Lại y vận họa tiếp mười bài 9). Trong thơ ông, nhóm điển chỉ nội dung diệt thù, đền nợ nước, lưu danh sử xanh có số lượng khá lớn, được huy động sử dụng cho mục đích nhấn mạnh các nội dung yêu nước: Mã cách (da ngựa bọc thây), Yên, Triệu, khảng khái bi ca, Viên Sùng Hoán, lan ngọc tan tành, khúc đàn Tiệm Ly, Kinh Kha, Nhiếp Chánh, Điền Quang, Phạm Tăng, nằm gai nếm mật, gai êm mật ngọt, nước mắt Trường Sa, câu văn Sở tá, Tinh vệ, ngậm đá biển đông… Đây là một nét độc đáo trong nghệ thuật dụng điển của thơ Phan Châu Trinh.

Một phương diện quan trọng trong cảm hứng yêu nước của thơ Phan Châu Trinh là sự bất bình trước thái độ phó mặc, cam chịu với thân phận nô lệ, dửng dưng với tình cảnh nước mất nhà tan của quốc dân đồng bào, nhất là những người trẻ tuổi.

Tác giả dẫn các điển Chu đỉnh quý, Kỷ nhân ưu, túi cơm giá áo [5] để lên thực trạng đáng lo ngại này: Cố lão tranh truyền Chu đỉnh quý/ Thiếu niên thuỳ giải Kỷ nhân ưu (Người già thì đua nhau khen cái quý của vạc nhà Chu/ Thiếu niên ai kẻ giải mối lo người nước Kỷ - Tặng hữu nhân Trần Quý Cáp Tiến sĩ); Con cháu Hồng Bàng thẹn lắm thay/ Non sông đặng mấy kẻ râu mày/ Túi cơm giá áo loàng xoàng vậy/ Gối tớ lưng tôi lúc nhúc đầy (Vô đề). Chính nhà thơ cũng tự chế giễu mình vì điều này.

Nghĩ lại những ngày đầu theo nghiệp cử tử, hăm hở với lý tưởng “trí quân trạch dân” trong tình cảnh nước nhà đã rơi vào tay giặc, vua quan triều đình nhu nhược, nhà thơ không khỏi tự thấy hổ thẹn. Tác giả dẫn điển Viên An cứ nằm nhà chịu rét dù trong lúc đói kém, người làng đều đã ra ngoài đi xin ăn, nhờ đó được tiếng kiên nhẫn và được cất nhắc làm quan để tự mỉa mai chính ảo vọng của mình: Cẩm tú giang sơn vọng nhãn hồ/ Hồi thiên vô nại thử thân cô/ Hốt thành ỷ cái đương phong toạ/ Tiếu tỉ Viên An ngoạ tuyết đồ (Giang sơn gấm vóc trông ra thấy mịt mờ/ Muốn xoay trời mà không được vì thân cô lẻ/ Bỗng thành người dựa lọng ngồi trước gió/ Cười ví mình với bức tranh Viên An nằm trong tuyết - Giáp Thìn kinh thành cụ phong).

Cảm hứng yêu nước trong thơ Phan Châu Trinh còn thể hiện ở khát vọng duy tân, ước mơ đất nước thái bình, nhân dân hạnh phúc. Nhà thơ dẫn diển ngậm cơm vỗ bụng [6] trong lời kể của nàng U Lan về cách mạng Tây Ban Nha để nói lên ước muốn của mình: Rắp toan bỏ dữ lập hiền/ Sửa sang chính trị, vẻ viên nước nhà/ Sao cho trăm họ thái hoà/ Ngậm cơm vỗ bụng chí cha mới đền (Giai nhân kỳ ngộ diễn ca).

Điển cố cũng được nhà thơ sử dụng vào mục đích thể hiện ý chí sắt đá và khí phách ngang tàng của người chí sĩ với lý tưởng cứu nước cao đẹp dù ở trong hoàn cảnh tù đày: Những kẻ vá trời khi lỡ bước/ Gian nan chi kể việc con con (Đập đá ở Côn Lôn).

Có thể thấy, điển cố được sử dụng một cách tập trung, có chủ đích đã trở thành một phương tiện nghệ thuật hiệu quả, thể hiện thành công nhiều phương diện của nội dung yêu nước, một cảm hứng chủ đạo và xuyên suốt trong thơ Phan Châu Trinh. Thơ Phan Châu Trinh mang tính chất giao thời đậm nét. Điển cố được dùng để chuyển tải những nội dung yêu nước mới trong hoàn cảnh thời đại mới là một chỉ dấu quan trọng của điều này. Đây cũng là một nét riêng đáng trân trọng trong nỗ lực hiện đại hóa điển cố, đưa điển cố đến gần với đời sống văn hóa, văn chương hiện đại của Phan Châu Trinh.

Trên phương diện hình thức nghệ thuật, điển cố được dẫn dụng linh họat, hợp lý đã mang lại nhiều giá trị thẩm mĩ quan trọng cho thơ Phan Châu Trinh. Chẳng hạn, điển cố với những câu chuyện lịch sử, văn hóa được chắt lọc qua ngàn năm trung đại đã góp phần kiến tạo nên tính chất trang trọng, thâm trầm cho thơ Phan Châu Trinh.

Đây là lí do trong những bài thơ thể hiện niềm cảm thương trước các anh hùng, tử sĩ chống Pháp của dân tộc, ông thường dùng nhiều điển. Chẳng hạn, điếu Thủ khoa Huân, nhà thơ dùng các điển Trương tướng, Văn Sơn [7]: Trương tướng hùng phong bi tịnh trĩ/ Văn Sơn chính khí sử trường lưu (Oai phong của Trương tướng đứng ngang bia đá/ Chính khí của Văn Sơn mãi lưu trong sử sách – Điếu Thủ khoa Huân); Cảm phục tài thơ và tấm lòng yêu nước của cụ Đồ Chiểu, tác giả dùng các điển Viên Sùng Hoán, Đỗ Thiếu Lăng [8]: Chết đành theo mã Viên Sùng Hoán/ Sống hãy ngâm thi Đỗ Thiếu Lăng (Điếu ông Tú tài Chiểu 9); khóc chí sĩ Trần Quý Cáp, nhà thơ dùng các điển Tinh vệ, đỗ quyên: Tinh vệ nghìn năm hồ khó dứt/ Đỗ quyên muôn kiếp oán chưa tan (Khóc Trần Quý Cáp)…

Bên cạnh tính hàm súc, giàu sức khái quát, khả năng liên tưởng lớn, điển cố còn mang trong mình thuộc tính linh động, bởi điển “dùng cho nhiều mục đích: So sánh, ca ngợi, châm biếm, giáo dục, kể chuyện, khẳng định, phủ định […], có phạm vi họat động rộng rãi, tính năng động dồi dào, có thể họat động trong nhiều ngữ cảnh có nội dung khác nhau” [9]. Thuộc tính này được thể hiện rõ nét trong thơ mang nội dung yêu nước của Phan Châu Trinh qua vai trò kiến tạo tính chất đa dạng của giọng điệu nghệ thuật trong tác phẩm. Có giọng sôi nổi, quyết tâm: Thiếp chúc cho chàng:/ Lập công mã cách/ Để tên sử sách (Giai nhân kỳ ngộ diễn ca). Có giọng bi tráng, cảm thương: Nước mắt Trường Sa khăn chẳng ráo/ Câu văn Sở tá bút khôn thâu (Điếu ông Tú tài Chiểu, bài 8). Có giọng căm hờn, u uất: Tinh vệ nghìn năm hồn khó dứt/ Đỗ quyên muôn kiếp máu chưa tiêu (Giai nhân kỳ ngộ diễn ca).

Có giọng mỉa mai, châm biếm: Túi cơm giá áo loàng xoàng vậy/ Gối tớ lưng tôi lúc nhúc đầy (Vô đề). Có giọng tin tưởng, lạc quan: Ngu công hết cháu non nên vũng/ Tinh vệ còn thân biển phải bằng (Lại y vận họa tiếp mười bài 9). Có giọng ngang tàng, khí phách: Hồ hải vị thù nam tử chí/ Phù dao an vấn kỷ thời hưu (Biển hồ chưa đáp được chí nam tử/ Gió phù dao [điển chỉ chí lớn tung hoành của người trai] sao lại hỏi ta lúc nào nghỉ ngơi – Lưu giản, bài 4); Những kẻ vá trời khi lỡ bước/ Gian nan chi sợ việc con con (Đập đá ở Côn Lôn). Rõ ràng, điển được dùng linh họat đã góp phần làm nên tính chất đa dạng trong giọng điệu của thơ Phan Châu Trinh.

3. Kết luận

Là một “đặc sản” của văn hóa, văn chương trung đại nhưng điển cố với sức sống tự thân đã nhanh chóng bước qua quỹ đạo trung đại để hoà vào đời sống hiện đại. Sự hiện diện của điển cố trong văn học, âm nhạc, báo chí, ngôn ngữ thường nhật thời hiện đại khẳng định điều này. Trong văn học giao thời, điển cố là một trong những nhịp cầu nối hai bờ trung – hiện đại. Điển trong thơ Phan Châu Trinh là một trường hợp như vậy.

Điển được sử dụng trong thơ Phan Châu Trinh một cách chủ động, tập trung, có chủ đích và hiệu quả đã mang lại nhiều giá trị quan trọng trong việc thể hiện cảm hứng yêu nước trên cả hai phương diện nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Trong tiến trình hiện đại hóa thơ của văn học đầu thế kỷ XX, sử dụng điển cố để chuyển tải những nội dung mới của thời đại mới, nhất là tư tưởng yêu nước, là một nỗ lực đáng ghi nhận của Phan Châu Trinh, nhà canh tân lớn nhất của Việt Nam thời kỳ này.

____________________________

(1) Phan Cự Đệ, Trần Đình Hượu, Nguyễn Trác, Nguyễn Hoành Khung, Lê Chí Dũng, Hà Văn Đức (2009), Văn học Việt Nam (1900-1945), NXB Giáo dục Việt Nam.

(2) Về số lượng câu thơ trong Giai nhân kỳ ngộ diễn ca, theo Phan Châu Trinh toàn tập, tập 1, (Chương Thâu chủ biên, NXB Đà Nẵng, 2005), vì “tôn trọng nguyên văn bản gốc “chưa định vị”” của cụ Phan nên chỉ ghi nhận phần diễn ca từ hồi 1 đến nửa đầu hồi 9 bản dịch Giai nhân kỳ ngộ chữ Hán của Lương Khải Siêu, gồm 3.939 câu thơ của cụ. Phần còn lại (từ nửa sau hồi 9 đến hết hồi 16) là do Trần Siêu “diễn ca” tiếp.

(3) Khi ra làm quan cho Pháp, Tôn Thọ Trường làm 10 bài Tự thuật để thanh minh cho quyết định của mình. Phan Văn Trị làm thơ họa lại để chế giễu. Phan Châu Trinh cũng làm 10 bài để công kích, đặt trên Thi xưa, sau đó làm tiếp thêm 10 bài nữa, đặt tên Lại y vận họa tiếp 10 bài.

(4) Vua nước Thục là Đỗ Vũ, hiệu Vọng đế, vì mất nước mà chết đi hóa thành chim đỗ quyên, tức chim tử quy, còn gọi là chim cuốc, suốt ngày kêu tên nước. Điển Đỗ quyên, Thục đế, tử quy, cuốc kêu trong văn chương thường được dùng với nghĩa nỗi nhớ nước khắc khoải khôn nguôi.

(5) Chu đỉnh quý: Cái quý của vạc nhà Chu. Phan Châu Trinh dùng điển này với dụng ý phê phán thế hệ cựu học đương thời vẫn còn lưu luyến với mộng làm quan giúp vua. Kỷ nhân ưu: Nỗi lo của người nước Kỷ. Theo sách Liệt tử, người nước Kỷ lo trời sập. Điển Kỷ nhân ưu được dùng trong văn chương với hàm nghĩa lo nỗi nước nhà. Túi áo giá cơm: Dạng chuyển dịch của điển y giá phạn nang ([cơ thể/ người] như cái giá treo áo, cái túi đựng cơm mà thôi), chỉ những kẻ tầm thường.

(6) Bắt nguồn từ cổ phúc nhi ca (vỗ bụng mà hát), điển chỉ thời Nghiêu Thuấn thiên hạ thái bình, người dân ăn no rồi hát ca vui vẻ.

(7) Trương tướng: Trương Tuần, tướng nhà Đường. Ông chống giặc An Lộc Sơn, trấn giữ thành Thú Dương, bị giặc bắt không chịu hàng, hiên ngang chửi mắng kẻ thù trước khi bị giết. Văn Sơn: Văn Thiên Tường, nhà nho thời Tống, chống giặc Nguyên, bị bắt. Trong thời gian bị cầm tù, ông làm bài Chính khí ca. Sau, bị hành hình vì không chịu hàng giặc.

(8) Viên Sùng Hoán: Nhà yêu nước cuối thời Minh, bị vu oan tư thông với Mãn Thanh và bị giết hại, bỏ thân trên đất nhà Thanh. Phan Châu Trinh dùng điển này để ngầm chỉ việc nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu lúc chết phải gửi thân trên đất bị Pháp chiếm. Đỗ Thiếu Lăng: Đỗ Phủ, nhà thơ kiệt xuất của Trung Hoa thời Đường.

(9) Đoàn Ánh Loan (2003), Điển cố và nghệ thuật sử dụng điển cố, NXB Đại học Quốc gia TPHCM.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ