Điện Biên: Vì sao gói vay 7.500 tỷ đồng chưa đến tay doanh nghiệp?

GD&TĐ - Lãi suất 0%, thời hạn 12 tháng, không phải thực hiện bảo đảm… là những ưu đãi của gói vay 7.500 tỷ đồng trả lương ngừng việc, mới được triển khai theo Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ.

Cho đến nay, chưa có doanh nghiệp nào tại Điện Biên vay vốn từ gói “7.500 tỷ đồng”.
Cho đến nay, chưa có doanh nghiệp nào tại Điện Biên vay vốn từ gói “7.500 tỷ đồng”.

Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp Điện Biên vẫn chưa thể tiếp cận gói ưu đãi này. 

Cú “đánh bồi” đối với doanh nghiệp

Hiện nay, Điện Biên có gần 1.300 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Trong đó, đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô nhỏ lẻ; tiềm lực tài chính hạn hẹp. Bởi vậy, khi đại dịch Covid-19 ập tới đã đẩy hàng loạt doanh nghiệp vào tình cảnh phải hoạt động cầm chừng, thậm chí ngưng trệ.

Đợt dịch bùng phát lần này như cú “đánh bồi”, khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, do sức ép đến từ sự sụt giảm doanh thu kéo dài. Trong khi họ vẫn phải trả nhiều chi phí phát sinh, nợ ngân hàng, gánh nặng trả lương nhân viên…

Công ty Cổ phần Du lịch Xuân Long Điện Biên thời gian qua phải nghỉ hoạt động nhiều ngày liên tiếp vì không có khách. Theo lãnh đạo công ty, từ lâu doanh thu của đơn vị đã bị “âm”. Mỗi chuyến đi, đơn vị thường bù lỗ trên 4 triệu đồng, để chi từ xăng, dầu, phí 2 đầu bến, phí cầu đường, đến lương cho lái xe, phụ xe...

“Công ty hiện có 35 đầu xe chạy tuyến cố định liên tỉnh. Thời gian gần đây, lượng khách giảm đến 2/3, thậm chí có chuyến xe chỉ có 4 - 5 khách. Xe nằm bến, lái xe không có việc làm nhưng chúng tôi vẫn phải duy trì trả lương cho nhân viên, rồi lãi vay ngân hàng, nên khó khăn chồng chất” - ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Công ty cho hay.

Dù có thâm niên trong kinh doanh dịch vụ song Khu du lịch sinh thái Him Lam (Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 Ðiện Biên) cũng gặp khó trong việc tiếp tục đảm bảo quyền lợi, thu nhập cho người lao động.

Ông Bùi Anh Tiến, Giám đốc điều hành khu du lịch cho biết: Trước dịch, công ty duy trì việc làm ổn định cho 38 cán bộ, nhân viên, người lao động, với thu nhập bình quân 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Kể từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động kinh doanh dịch vụ thường xuyên bị đình trệ, nên nhiều vị trí việc làm phải bố trí luân phiên. 

Không “mặn mà” vay vốn?

Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ được doanh nghiệp kỳ vọng sẽ là giải pháp “hà hơi tiếp sức” để vượt sóng gió đại dịch.

Một trong những hỗ trợ dành nhiều sự quan tâm đó là gói vay 7.500 tỷ đồng trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Điện Biên cho biết: “Thông tin về gói vay này đã được ngân hàng triển khai đến các đơn vị, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau. Từ niêm yết công khai tại các điểm giao dịch, 129/129 trụ sở xã, phường, thị trấn đến gửi văn bản thông báo, hướng dẫn tới Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

Cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, đúng đối tượng, đủ điều kiện như hướng dẫn liên hệ trực tiếp với các điểm giao dịch của ngân hàng sẽ được hướng dẫn cụ thể. Họ sẽ được giải quyết nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi nhất.

Mức cho vay tối đa 3 tháng/lao động, theo mức lương tối thiểu vùng (TP Điện Biên Phủ: 3,43 triệu đồng/lao động/tháng; các huyện, thị xã: 3,07 triệu đồng/lao động/tháng)”.

Tuy nhiên, cũng theo thông tin từ ông Nam, rất ít doanh nghiệp tới tìm hiểu thông tin hồ sơ, thủ tục vay vốn theo gói này. Đến nay đơn vị chưa giải ngân được cho bất cứ doanh nghiệp nào trên địa bàn.

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Điện Biên, việc chưa có doanh nghiệp nào làm hồ sơ vay vốn không phải vì không có nhu cầu, hay không muốn tiếp cận. Nguyên nhân chính là do “rào cản” tâm lý từ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục, hồ sơ vay vốn trong quá trình tiếp cận gói vay trước (theo Nghị quyết số 42/NQ-CP).

Ông Bùi Anh Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Điện Biên cho rằng: “Những vướng mắc trong thủ tục là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp ngại tiếp cận.

Đơn cử như Khu du lịch sinh thái Him Lam là công ty con trực thuộc Công ty số 6, hoạt động rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Nếu chỉ có khu du lịch vay trả lương cho nhân viên, thì việc bóc tách riêng từng lĩnh vực để đảm bảo các yêu cầu về giấy tờ, thủ tục đặt ra là rất khó”. 

Tiếp sức bằng cơ chế

Thực tế, trước khi triển khai gói 7.500 tỷ đồng, trong năm 2020, Ngân hàng Chính sách Chi nhánh tỉnh Điện Biên đã 2 lần giải ngân, tổng số tiền gần 90 triệu đồng cho Công ty TNHH Leading, theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, cùng với mục đích là trả lương ngừng việc cho người lao động.

Tuy nhiên, theo bà Bùi Thu Huyền, Chủ tịch Công ty, số tiền vay chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt, trả lương cho người lao động tại thời điểm đó. Dịch tiếp tục kéo dài, hoạt động công ty vẫn đình trệ, nợ mới lại phát sinh trong khi nợ cũ thì chưa trả được, nên không thể vay thêm.

Khẳng định bất cứ sự hỗ trợ nào cũng đều đáng quý và cần cho doanh nghiệp giữa thời điểm khó khăn này, song ông Bùi Anh Tiến cho rằng: Thiết thực nhất đối với nhiều doanh nghiệp địa phương hiện nay lại chưa hẳn là vốn, mà là các gói cứu trợ về cơ chế của Chính phủ, của tỉnh.

“Vay rồi thì vẫn phải trả. Mà đã dừng hoạt động, thì lấy gì để trả? Vì thế, nợ mới lại chồng nợ cũ, còn doanh nghiệp thì khó chồng khó. Đó cũng là lý do nhiều doanh nghiệp trong hiệp hội không muốn vay vốn. Thiết thực hơn với họ lúc này, chính là việc giãn, giảm các khoản chi phí và những chính sách mà địa phương có thể quyết được” – ông Tiến nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ