Tuy nhiên thực tế cho thấy, tỷ lệ giải ngân gói 30.000 tỷ cũng vẫn chậm và gần như không có gì cải thiện. Một số ngân hàng tuy đã triển khai, nhưng họ lại hướng khách hàng chuyển sang vay gói thương mại của mình.
Thủ tục vẫn... hành dân
Trong Thông tư 32, NHNN đã bổ sung quy định người vay có thể vay tối đa 700 triệu đồng để xây mới, sửa chữa nhà ở. Lãi suất cho vay áp dụng cho chương trình này tối đa là 5% một năm, thời hạn cho vay tối đa là 15 năm đối với khách hàng cá nhân.
Theo đó, công chức, lực lượng vũ trang, người lao động được vay vốn để mua nhà xã hội, nhà thu nhập thấp và xây, sửa chữa nhà ở.
Tuy nhiên dường như việc người dân tiếp cận được gói vay này lại không hề đơn giản.
Chị Vũ Thu Thuỷ – nhân viên văn phòng của một công ty đóng trên địa bàn quận Thanh Xuân nhà ở quận Nam Từ Liêm cho biết, chị đã đến một số ngân hàng để được tư vấn vay vốn gói 30.000 tỷ đồng này để xây lại nhà.
Tuy nhiên theo quy định, muốn vay vốn khách hàng cần phải có xác nhận ở một đơn vị hành chính cấp phường xã về việc người đó không có nhà hoặc có nhà ở nhưng diện tích nhỏ hẹp.
Vả lại khi đi xác nhận nội dung này thường mất rất nhiều thời gian, phải đi lại nhiều lần và phải có những quan hệ “nọ kia” thì mới có thể làm được.
“Một vướng mắc lớn nữa đó là việc chứng minh thu nhập, Theo tư vấn của nhân viên ngân hàng, nếu khách hàng muốn vay khoảng 300 triệu, họ sẽ cần phải chứng minh thu nhập 15 triệu đồng/tháng; muốn vay 500 triệu đồng, cần có thu nhập 16 - 17 triệu đồng; vay 800 triệu đồng cần có thu nhập từ 20 triệu đồng trở lên...
Đây thực sự là rào cản đối với công nhân viên chức, những người có thu nhập trung bình và thấp – nhóm đối tượng chính mà gói vay ưu đãi 30.000 tỷ hướng tới như vợ chồng tôi” – chị Thuỷ than thở.
Hướng khách sang gói vay thương mại
Không chỉ vướng trong khâu thủ tục, tỷ lệ giải ngân gói 30.000 tỷ chậm một phần cũng do nhiều ngân hàng vẫn chưa triển khai cho vay xây, sửa nhà từ gói tín dụng này.
Vài ngân hàng tuy đã triển khai, nhưng lại nhiệt tình tư vấn cho khách chuyển sang gói vay thương mại.
Có một thực tế, dường như các ngân hàng không mấy mặn mà triển khai gói vay 30.000 tỷ đồng, bởi họ chỉ được hưởng mức chênh lệch khi cho vay rất thấp (khoảng 1,5%), mức này khó bù đắp được rủi ro, chi phí khi thực hiện cho vay.
Còn các nhân viên tín dụng thì lại càng không mặn mà, bởi họ bị “khoán” định mức phải cho vay thương mại hàng tháng cao, nên họ thường hướng khách hàng sang gói vay thương mại để hưởng chênh lệch nhiều hơn.
Trong vai một công chức muốn vay 300 triệu đồng từ gói vay ưu đãi 30.000 tỷ để xây nhà, chúng tôi vào phòng giao dịch Agribank trên đường Láng Hạ (Hà Nội), một nhân viên nữ ở đây cho hay, gói 30.000 tỷ chỉ cho vay để mua nhà, chứ chưa thấy lãnh đạo chỉ đạo, hướng dẫn cho vay để xây hay sửa nhà...
“Anh nên chuyển sang gói vay mua nhà đất, xây sửa nhà, mua ô tô... của ngân hàng, lãi suất cũng mềm lắm, chỉ xấp xỉ 7%/năm” – nhân viên này nói. Nhưng khi tìm hiểu kỹ, được biết mức lãi suất trên chỉ áp dụng cho năm đầu tiên và các năm sau áp dụng lãi suất thả nổi cộng thêm trên 3% nữa.
Đánh giá về vấn đề này, một chuyên gia trong ngành ngân hàng cho rằng, NHNN cần có chủ trương khuyến khích, đôn đốc các ngân hàng tham gia cho vay từ gói 30.000 tỷ đồng, có như vậy việc giải ngân gói vay ưu đãi này mới có thể “chạy” nhanh hơn.