Điện Biên: Cưỡng chế thu hồi đất dù không có hành vi cản trở

GD&TĐ - Dù không có tài sản trên diện tích bị thu hồi, mặt bằng cũng được doanh nghiệp sử dụng, thi công đã lâu, song Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ vẫn ban hành “lệnh” cưỡng chế thu hồi.

Vị trí thửa đất mà UBND TP Điện Biên Phủ dự kiến cưỡng chế thu hồi được doanh nghiệp thi công các hạng mục từ rất lâu.
Vị trí thửa đất mà UBND TP Điện Biên Phủ dự kiến cưỡng chế thu hồi được doanh nghiệp thi công các hạng mục từ rất lâu.

Chuyện “hy hữu” này diễn ra tại Dự án đường từ cầu A1 đến cầu C4 thuộc “Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - TP Điện Biên Phủ”.

Họ đến để cưỡng chế cái gì ở đây?

Ngày 8/6, Báo GD&TĐ đăng tải bài viết “Điện Biên: Đường thi công gần xong mới có quyết định… thu hồi đất”. Nội dung phản ánh Dự án đường từ cầu A1 đến cầu C4 thuộc “Chương trình đô thị miền núi phía Bắc – TP Điện Biên Phủ” triển khai gần xong thì gia đình bà Lò Thị Kim Thu và ông Lò Văn Minh (là hộ bị mất đất ở bản Him Lam 1, Phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) mới nhận được quyết định cưỡng chế thu hồi đất.

Cho rằng, quyết định trái luật, người đại diện theo ủy quyền cho gia đình (ông Minh, bà Thu) là ông Trần Ngọc Tuyên đã yêu cầu xem xét trách nhiệm những người có liên quan.

Ngày 17/5, ông Lê Tiến Dũng - Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ ban hành Quyết định 1032, áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi diện tích 122,7m2 đất đối với ông Lò Văn Minh, bà Lò Thị Kim Thu. Diện tích trên thuộc thửa 56, tờ bản đồ số 2 do Công ty Cổ phần Việt Thành thực hiện ngày 10/7/2017. Nó được Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt ngày 18/7/2017.

Thửa đất nằm tại bản Hoong En, phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ. Mục đích là để thực hiện dự án: “Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - TP Điện Biên Phủ” giai đoạn II (2017 - 2020). Diện tích này thu hồi để thực hiện hạng mục “Đường từ cầu A1 xuống cầu C4 (địa phận phường Nam Thanh).

Quyết định nêu rõ: Thời gian thực hiện cưỡng chế thu hồi đất là 1 ngày, vào ngày 11/6/2021... Kinh phí phục vụ thực hiện cưỡng chế: Được lấy từ nguồn kinh phí thực hiện dự án Hạng mục: Đường từ cầu A1 xuống cầu C4”.

Ngày 8/6, Báo GD&TĐ đăng tải bài viết “Điện Biên: Đường thi công gần xong mới có quyết định… thu hồi đất” cũng là thời điểm UBND TP Điện Biên Phủ tiếp tục ban hành Quyết định 1249 điều chỉnh thời gian cưỡng chế thu hồi đất tại Quyết định 1032.

Quyết định này điều chỉnh thời gian thực hiện cưỡng chế thu hồi đất sang ngày 3/8. Lý do điều chỉnh: Dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong khi việc cưỡng chế phải huy động số người đông nên chưa thể triển khai.

Trong khi đó, trên thực tế, thửa đất dự định tổ chức cưỡng chế, thu hồi lại là mảnh đất trống. Diện tích này đã được doanh nghiệp thi công các hạng mục của dự án.

“Họ đến để cưỡng chế cái gì ở đây? Thực tế, gia đình bà Thu, ông Minh đã không còn sử dụng thửa đất này, doanh nghiệp đã tự có mặt bằng là rất lâu rồi. Trên đất thì cũng không còn tài sản gì của gia đình bà Thu, ông Minh, mà đó là mặt bằng công trình.

Phía gia đình cũng không có hành vi cản trở, ngăn cấm, chống đối gì. Vậy, có nhất thiết phải ban hành quyết định cưỡng chế, thu hồi rồi niêm yết công khai hay không?”, ông Tuyên chia sẻ.

Chủ tịch thành phố bị kiện ra tòa

Một biên bản bàn giao mặt bằng được “hoàn thiện” chóng vánh khi không cần có sự chứng kiến của UBND phường Nam Thanh.
Một biên bản bàn giao mặt bằng được “hoàn thiện” chóng vánh khi không cần có sự chứng kiến của UBND phường Nam Thanh.

Gia đình bà Thu, ông Minh cho rằng việc Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ ban hành 2 quyết định cưỡng chế thu hồi đất đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Việc thành phố niêm yết các quyết định cưỡng chế tại nơi cư trú còn làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự và tư cách của cán bộ, Đảng viên.

Nhận thấy, cách giải quyết của chính quyền là không thỏa đáng, ngày 22/7 gia đình bà Thu đã có đơn khởi kiện lên Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên. UBND TP Điện Biên Phủ là cơ quan bị khởi kiện. Người đại diện cho bên bị kiện là ông Lê Tiến Dũng - Chủ tịch UBND thành phố.

Trong đơn kiện, bà Thu yêu cầu UBND TP Điện Biên Phủ hủy 2 quyết định về việc cưỡng chế thu hồi đất đã ban hành trước đó để lấy lại uy tín, danh dự cho phía gia đình. Hiện, vụ kiện hi hữu này đã, đang được thụ lý để đưa ra xét xử theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, ngày 16/4, gia đình bà Thu bất ngờ nhận được thông báo số 47 của Trung tâm Quản lý đất đai (TTQLĐĐ) thành phố yêu cầu bàn giao mặt bằng. Nội dung nêu rõ: Để sớm bàn giao mặt bằng sạch cho Chủ đầu tư dự án tiến hành thi công xây dựng công trình theo tiến độ, kế hoạch của UBND tỉnh và nhà tài trợ, TTQLĐĐ đề nghị hộ gia đình “khẩn trương tiến hành tháo dỡ tài sản, vật kiến trúc; cây cối, hoa màu trên đất bị thu hồi để bàn giao mặt bằng cho đơn vị trong vòng 5 ngày, kể từ ngày nhận thông báo”.

Bà Thu cho rằng, cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ nói trên đã thiếu trách nhiệm, không đi kiểm tra thực tế, không sát sao với nhiệm vụ nên đã không biết hiện trạng khu đất.

Từ lâu (sau khi ký biên bản kiểm đếm tài sản trên đất) đất đã không còn tài sản, cây cối. Từ tháng 6/2020, phần nền đường nằm trên thửa đất thu hồi về cơ bản đã được đơn vị thi công tự ý thực hiện san ủi. Tuy vậy, gia đình bà Thu không hề có bất cứ hành động cản trở nào.

Bởi, họ nhận thức là công trình phúc lợi công cộng nên đã tự nguyện cho thu hồi đất làm đường. Thời điểm đó, vợ chồng bà Thu cũng chưa hề được ký vào biên bản đo đạc, bàn giao hiện trạng phần đất bị thu hồi để làm đường.

Việc gia đình bà Thu chưa nhận số tiền hơn 8,6 triệu đồng bồi thường cho 122,7 m2 đất bị thu hồi bởi một số lí do. Trong đó, một phần là do gia đình cho rằng giá bồi thường chưa phù hợp.

Gia đình đã có ý kiến trực tiếp vào biểu khái toán phương án bồi thường. Tuy nhiên, từ đó đến nay bên phía gia đình vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào bằng văn bản từ phía cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, gia đình cũng khẳng định đến 22/7 vẫn chưa được cơ quan chức năng cho ký biên bản đo đạc diện tích thu hồi để làm dự án. Đồng thời, họ vẫn chưa nhận được Quyết định về việc thu hồi đất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ