Điện Biên: Sẻ chia áp lực thi cử

GD&TĐ - Mùa mưa năm nay đến sớm và diễn biến phức tạp hơn tại miền núi. Để chủ động “nhập cuộc” Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, tỉnh Điện Biên đã xây dựng nhiều kịch bản ứng phó các tình huống cụ thể. Mục tiêu là huy động, tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ thí sinh và tổ chức tốt kỳ thi.

Giáo viên Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên hỗ trợ học sinh ôn luyện buổi tối tại ký túc.
Giáo viên Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên hỗ trợ học sinh ôn luyện buổi tối tại ký túc.

Không phụ thuộc vào “ông trời”

Từ trung tuần tháng 6, mưa lớn xảy ra liên tục và kéo dài tại nhiều địa phương của Điện Biên, khiến hàng loạt tuyến giao thông bị sạt lở, ách tắc cục bộ. Tại huyện Tủa Chùa, đây là một trong những lo ngại lớn nhất khi ngày thi cận kề.

Ngoài hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp tại các điểm thi, những phương án phối hợp khắc phục sự cố bất thường về thời tiết, tai nạn, sức khỏe… cũng được các cấp đoàn địa phương xây dựng. Đơn cử như việc đưa đón miễn phí thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhắc nhở các em đến điểm thi sớm, nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết. Phối hợp cùng lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn tình trạng tăng giá dịch vụ, trộm cắp, mất an toàn giao thông…

Ông Vừ A Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết, năm nay địa phương có 3 địa điểm thi với 458 thí sinh tham dự. Theo kinh nghiệm từ các năm trước, đáng lo ngại nhất là tuyến giao thông từ trung tâm huyện đi điểm thi đặt tại Trường THCS và THPT Tả Sìn Thàng.

“Điểm thi này cách trung tâm huyện gần 40 km. Mùa mưa thường xuyên xảy ra sạt lở, ách tắc giao thông cục bộ trên nhiều đoạn. Trong khi dự báo thời gian tới vẫn tiếp tục mưa lớn dễ gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc đi lại của thí sinh, vận chuyển đề thi…”, ông Hùng cho hay.

Nhận định trước tình hình, theo ông Hùng, từ đầu tháng 6, địa phương đã chủ động họp các phòng chuyên môn để phối hợp tháo gỡ mọi vướng mắc liên quan đến kỳ thi. Trong đó, nhiệm vụ thường trực bảo đảm giao thông được giao cho Phòng Kinh tế hạ tầng. Chính quyền các xã sẽ phối hợp để sẵn sàng phương án, nhân - vật lực tại chỗ khắc phục khi có sự cố xảy ra.

“Chúng tôi yêu cầu lực lượng chuyên môn rà soát thật kỹ, xác định rõ các điểm xung yếu để chuẩn bị sẵn sàng phương tiện ứng cứu từ trước ngày kỳ thi diễn ra. Ngoài ra, để bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho thí sinh, địa phương đã vận động phụ huynh để con em ở tại trường cho đến khi thi xong. Trong trường hợp cần thiết, có thể huyện sẽ bố trí xe đưa, đón”, ông Hùng cho biết thêm.

Với sự hỗ trợ của các lực lượng, hiện nay học sinh Trường THPT huyện Nậm Pồ yên tâm tập trung ôn luyện chờ ngày thi.

Với sự hỗ trợ của các lực lượng, hiện nay học sinh Trường THPT huyện Nậm Pồ yên tâm tập trung ôn luyện chờ ngày thi.

Tương tự, tại huyện Nậm Pồ, các phương án đảm bảo giao thông cũng được tính toán kỹ lưỡng. Theo ông Nguyễn Xuân Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện, vào thời điểm tháng 7/2014, địa phương xảy ra sự cố giao thông nghiêm trọng, với hơn 20 điểm sụt sạt, tắc đường kéo dài. Việc lưu thông từ ngoài vào huyện bị ách tắc nhiều ngày.

“Chúng tôi dự báo có thể sẽ xảy ra trường hợp xấu nhất tương tự năm 2014, cùng với đó là các phương án cụ thể. Huyện đã đưa toàn bộ học sinh dự thi năm nay về các địa điểm thi để ăn, nghỉ, ôn luyện tập trung. Một số em nhà ở cách điểm thi trong phạm vi dưới 1km không cần đến trường, song gia đình phải cam kết và bảo đảm đưa, đón các em đi lại an toàn, đúng giờ”, ông Thuận cho hay.

Hiện, toàn tỉnh Điện Biên có hơn 9.600 km đường giao thông. Trong đó gần 5.700 km đường cấp phối và đất, nguy cơ khó khăn trong di chuyển vào mùa mưa. Theo đại diện ngành giao thông địa phương, từ đầu mùa, đơn vị đã chỉ đạo các lực lượng chuyên môn chủ động, thường xuyên tuần soát trên toàn tuyến, để nắm bắt thực trạng, cũng như dự báo tình hình.

Trên cơ sở đó, ngành xác định các điểm xung yếu, đặc biệt tại những huyện chỉ có đường độc đạo đi đến: Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Nhé… Đối với các điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ này, ngành tăng cường thêm nhân, vật lực túc trực 24/24 giờ sẵn sàng xử lý kịp thời khi có sự cố.

Bên cạnh đó, các điểm đang sửa chữa trên toàn tuyến được yêu cầu tạm dừng thi công trước kỳ thi và kéo dài đến khi kết thúc vận chuyển bài thi. Ngoài ra, hiện các phương tiện vận tải trên địa bàn chỉ vận hành khoảng 60%, số còn lại sẽ được ngành huy động để tham gia phục vụ vận chuyển, tiếp chuyển người, đề thi khi có yêu cầu.

Theo ông Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND, Trưởng ban chỉ đạo thi tỉnh Điện Biên, địa phương đã tính đến trường hợp xấu nhất là sự cố giao thông lớn, tắc đường kéo dài tại một số điểm nguy cơ cao. “Với trường hợp này cần 1 tổ lưu động tại chỗ để hỗ trợ vận chuyển đề thi lưu đúng tiến độ và an toàn. Phương án cụ thể, tỉnh đã giao cho sở GD&ĐT chủ trì và bố trí nhân lực theo đúng quy định. Còn ngành giao thông và các huyện sẽ phối hợp tham gia”, ông Toàn cho hay.

Lực lượng đoàn viên thanh niên huyện Nậm Pồ tham gia hỗ trợ nấu ăn cho học sinh.

Lực lượng đoàn viên thanh niên huyện Nậm Pồ tham gia hỗ trợ nấu ăn cho học sinh.

Mọi thí sinh đều được hỗ trợ

Những ngày qua, các tổ chức đoàn thể huyện biên giới Nậm Pồ (Đoàn thanh niên, Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ) liên tục phát lời kêu gọi toàn xã hội chung tay hỗ trợ bữa ăn cho các sĩ tử tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Năm nay, địa phương này có gần 500 học sinh tham dự kỳ thi, đa phần là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Việc đi lại từ nhà đến trường trong điều kiện mùa mưa bão ở miền núi khiến các em đứng trước nhiều rủi ro và khó khăn. Vì thế, các nhà trường đã đưa toàn bộ số học sinh này về học tập, ôn luyện tập trung, chờ ngày thi.

Bà Trần Thị Yến, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, chia sẻ: “Với điều kiện của địa phương, việc các em học đến lớp 12 là sự nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, do không còn chế độ nên việc ăn, ở tập trung gặp khó. Do vậy, các đoàn thể trong huyện đứng ra quyên góp, kêu gọi sự hỗ trợ của toàn xã hội, để đồng hành cùng các em trước bước ngoặt quan trọng này”.

Cũng theo bà Yến, kinh phí dự kiến để tổ chức nấu ăn phục vụ học sinh trong suốt thời gian tham dự kỳ thi khoảng 70 triệu đồng. Hình thức tiếp nhận đa dạng, bao gồm cả tiền mặt và hiện vật, đồ dùng, thực phẩm phục vụ bữa ăn (gạo, củi, rau xanh…).

Hiện nay, ngành Điện lực Điện Biên đã sẵn sàng phương án bảo đảm cung cấp điện trong thời gian diễn ra thi.

Hiện nay, ngành Điện lực Điện Biên đã sẵn sàng phương án bảo đảm cung cấp điện trong thời gian diễn ra thi.

“Sau khoảng 10 ngày phát động, chúng tôi đã tiếp nhận được một nửa kinh phí dự kiến. Những ngày tới sẽ tiếp tục tăng cường thông tin kêu gọi trên các diễn đàn hơn để nhiều người biết, hỗ trợ. Với kinh nghiệm 5 năm tổ chức hoạt động này, chúng tôi sẽ nỗ lực để toàn bộ học sinh địa phương đều nhận được sự quan tâm phù hợp”, bà Yến nói.

Còn theo anh Đặng Thành Huy, Bí thư Tỉnh đoàn Điện Biên, từ đầu tháng 6 đơn vị đã ban hành kế hoạch “tiếp sức mùa thi” gửi các cấp đoàn cơ sở. Trong đó, yêu cầu đặt ra là bảo đảm mọi khó khăn của thí sinh đều nhận được hỗ trợ thiết thực, phù hợp trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi.

Đối tượng tham gia hỗ trợ năm nay cũng đông đảo hơn, bao gồm toàn bộ đoàn viên thanh niên là học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên trẻ đang học tập, giảng dạy tại các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đoàn viên, thanh niên tại địa bàn đặt điểm thi được huy động tối đa để hỗ trợ học sinh, các nhà trường ngay từ giai đoạn ôn thi.

“Chúng tôi cũng yêu cầu đơn vị trực thuộc đổi mới hoạt động hỗ trợ, làm sao thiết thực, an toàn, tiết kiệm và có sức lan tỏa. Để làm được điều đó, các cơ sở đoàn đã chủ động rà soát, nắm bắt thông tin thí sinh tại địa phương từ sớm. Trên cơ sở này mới xây dựng phương án hỗ trợ phù hợp, kịp thời cho từng hoàn cảnh cụ thể”, anh Huy cho hay.

Ngành Giao thông Điện Biên tăng cường nhân, vật lực túc trực tại các điểm xung yếu, địa bàn có giao thông độc đạo để bảo đảm giao thông thông suốt .

Ngành Giao thông Điện Biên tăng cường nhân, vật lực túc trực tại các điểm xung yếu, địa bàn có giao thông độc đạo để bảo đảm giao thông thông suốt .

Không để khâu nào bị gián đoạn

Theo ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên, một trong những khâu trọng yếu góp phần vào thành công chung của kỳ thi đó là đảm bảo cung ứng điện. “Một số khu vực, như: In sao đề thi, các điểm thi tuyệt đối không thể gián đoạn về điện. Do vậy, chúng tôi đã trao đổi để ngành điện lực chuẩn bị kỹ vấn đề này, với yêu cầu là khi xảy ra sự cố mất điện thì chậm nhất sau 15 phút phải có nguồn dự phòng thay thế”, ông Hoàn nói.

Thời gian qua do ảnh hưởng của mưa bão và nguyên nhân khách quan khiến hệ thống lưới điện tại một số địa bàn bị ảnh hưởng, quá trình cung cấp gián đoạn cục bộ. Liên quan đến nội dung này, theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Điện lực Điện Biên, đơn vị đã chủ động tính toán, lên sẵn kịch bản ứng phó với từng tình huống cụ thể.

“Chúng tôi cũng xác định rõ các địa bàn xung yếu thường xảy ra sự cố về điện vào mùa mưa bão, như: Mường Nhé, Điện Biên Đông, Mường Chà… Trên cơ sở đó chú trọng chuẩn bị về cả nhân, vật lực để xử lý, khắc phục kịp thời các tình huống, sự cố liên quan đến điện. Ngành cũng trao đổi với các nhà máy thủy điện đóng chân trên địa bàn, đề nghị phối hợp bổ sung nguồn điện ngay khi cần thiết. Phương án tối ưu trước mắt là bố trí sẵn các nguồn điện dự phòng, máy phát điện tại chỗ”, ông Hùng thông tin.

Với quyết tâm không để khâu nào bị gián đoạn, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh – Phạm Đức Toàn, cả hệ thống chính trị địa phương được huy động vào cuộc. Về cơ bản, khâu tổ chức sẽ kế thừa thành quả, kinh nghiệm của kỳ thi năm trước và có điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu chung của Bộ cũng như thực tế địa phương.

Trên tinh thần đúng người, đúng việc và đúng quy định, các ngành, lĩnh vực, địa phương hiện đã hoàn tất rà soát trên mọi phương diện. Từ nhân sự cho đến cơ sở vật chất, để chuẩn bị phương án ứng phó phù hợp.

Đối với ngành Y tế, ông Vừ A Sử, Phó Giám đốc, chia sẻ: “Do tình hình dịch trên địa bàn đã cơ bản ổn định, kỳ thi năm nay sẽ ưu tiên cho việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và trực, xử lý cấp cứu thí sinh, cán bộ tham gia thi. Tuy nhiên, từ nay đến sát ngày thi, ngành sẽ tập trung rà soát để chủ động xác định F0, bổ sung tiêm phòng mũi 3 cho toàn bộ số thí sinh còn lại”.

Kỳ thi năm nay, tỉnh Điện Biên dự kiến có hơn 6.400 thí sinh dự thi tại 23 địa điểm. Trong đó có 13 điểm liên trường, 10 điểm độc lập. Theo đại diện ngành Giáo dục địa phương, công tác chuẩn bị thi cơ bản đã hoàn tất và bảo đảm yêu cầu, tiến độ đặt ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.