Không đành lòng nhìn thành quả bị “đe dọa”, có gia đình phải soi đèn đi gặt giữa đêm. Song gặt về rồi, nhiều người lại xót xa khi nhìn lúa nảy mầm…
“Cứu” lúa
Suốt 1 tuần qua anh Vì Văn Toán, bản Pa Kín, xã Na Tông, (huyện Điện Biên) đứng ngồi không yên vì lo cho ruộng lúa. Cả một vụ lao động, giờ đến ngày thu hoạch thì mưa triền miên. Không đành lòng nhìn nước dâng mỗi ngày, cuốn dần những “hạt thóc vàng”, giữa đêm 23/5, anh Toán tất tưởi tìm gọi người thân nhờ gặt giúp.
3 giờ sáng, vợ chồng anh Toán và anh em họ hàng đội áo mưa, soi đèn pin ra đồng. “Gọi là đi gặt, nhưng đúng hơn là đi mót lúa. Bởi, khoảng trên 70% bị nước ngập, hỏng hết rồi. Số còn lại thì mưa cũng làm cho rụng hạt, gần như chỉ còn trơ lại thân lúa. Gặt về rồi chẳng biết tuốt được mấy hạt”, anh Toán than thở.
Theo anh Toán chia sẻ, nhà chỉ có 800m2 đất bãi bồi ven suối Nậm Núa trồng 2 vụ. Thường mỗi vụ thu hoạch chừng 20 bao thóc, đủ ăn trong khoảng 5 - 6 tháng cho cả gia đình 4 nhân khẩu. Thế nhưng, vụ này chắt chiu có lẽ được chừng 2 bao. Anh bảo, chưa năm nào gặp cảnh tượng này, nên không biết tới đây lo liệu thế nào?!
Còn bà Nguyễn Thị Bình, thôn Việt Yên, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) thì suốt gần chục ngày qua liên tục “đội mưa” ra thăm đồng. Lòng như lửa đốt, song bà Bình cũng chỉ biết nhìn gần 3.000m2 lúa đã chín mà chưa thể thu hoạch. Bởi bà lo không có chỗ phơi, để lúa mọc mầm coi như bỏ đi hết.
“Với diện tích này, mọi năm gia đình tôi thu được hơn 20 tạ thóc. Nhưng năm nay lúa chín lại gặp mưa nên rụng nhiều. Dự trù sản lượng sụt giảm khoảng 70% so với mùa trước. Nếu trời tiếp tục mưa kéo dài thì nguy cơ mất mùa là hiện hữu”, bà Bình chia sẻ.
Thế nhưng, gặt về nhà rồi như gia đình chị Tòng Thị Tươi, bản Pá Cấu, xã Thanh Xương thì cũng không hết nỗi lo. Chị Tươi cho biết, nhà có tổng diện tích hơn 2.300m2 lúa đều chủ động gặt xong sớm. Tuy nhiên, do chưa kịp phơi ngay, nên những ngày qua mưa liên tiếp khiến nhiều hạt nảy mầm.
Xót xa nhìn những bao thóc chất đống ở góc nhà, chị Tươi giãi bày: “Gia đình tôi phải tận dụng gầm sàn để trải thóc ra cho đỡ ẩm, nhưng cũng chỉ được 6 bao. 26 bao còn lại vẫn để chất đống. Nếu phơi được thì còn có thóc mang bán để có tiền trang trải sinh hoạt gia đình. Giờ thế này, hạt thóc mọc mầm nhiều, chất lượng giảm thì không biết thế nào?!”.
Xanh nhà hơn già đồng
Ông Vì Văn Biến, Chủ tịch UBND xã Na Tông cho biết, số diện tích lúa bị ảnh hưởng trong xã chủ yếu thuộc các bản: Na Tông 1, Na Hươm… Do diện tích này nằm ở khu vực bãi bồi ven suối Nậm Núa. Mưa dài ngày khiến nước suối dâng cao tràn vào diện tích canh tác của bà con.
“Ngay trong đêm 23/5, khi nhận được tin báo lúa ngập lụt, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng dân quân và máy móc hỗ trợ bà con thu hoạch. Hiện nay còn một số diện tích lúa chưa chín. Nếu trong vài ngày tới vẫn tiếp tục mưa thì không tránh khỏi ảnh hưởng nên chúng tôi vận động người dân gặt sớm, để tránh thiệt hại”, ông Biến cho hay.
Cũng với quan điểm “xanh nhà hơn già đồng”, những ngày qua chính quyền xã Noong Luống đã vận động nông dân tranh thủ thu hoạch hết diện tích lúa hiện có, bất chấp thời tiết. Theo ông Cà Văn Tranh, Chủ tịch UBND xã thì hiện tại khoảng 90% diện tích lúa đã được gặt.
“Hiện nay khó khăn nhất của bà con là không có nắng để phơi. Các gia đình tận dụng tất cả những diện tích có thể, như gầm sàn, nền nhà... để trải thóc cho đỡ ẩm.
Một số hộ có điều kiện thì mang đến các cơ sở của xã Thanh An và Thanh Yên để sấy thuê. Chính quyền địa phương cũng đã liên lạc với hợp tác xã Thanh Yên để tạo điều kiện cho bà con”, ông Tranh nói.
Còn theo ông Quản Bá Tới, Giám đốc Hợp tác xã Thanh Yên thì hiện nay đơn vị có 3 lò sấy, với tổng công suất khoảng 60 - 70 tấn/ngày. Do mỗi mẻ sấy kéo dài 12 giờ, nên thời gian chờ đợi lâu.
“Những ngày vừa qua, nhu cầu sấy vượt khoảng 20 lần so với bình thường. Trước hết thì chúng tôi phải ưu tiên cho các hộ dân liên kết trong hợp tác xã, rồi mới phục vụ cho nhu cầu chung. Đến nay, các hộ trong hợp tác xã cơ bản đã đảm bảo, chỉ còn khoảng vài ha nữa”, ông Tới cho hay.
Thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Điện Biên, vụ chiêm xuân năm nay địa phương này có khoảng 4.200ha lúa. Riêng khu vực lòng chảo Điện Biên có hơn 3.566ha, chủ yếu là diện tích của cánh đồng Mường Thanh.
“Vì đặc thù của vụ Đông Xuân là lúa cuối vụ rất mau chín nên khi chuẩn bị bước vào thu hoạch, lực lượng chuyên môn đã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tranh thủ thu hoạch sớm. Đến thời điểm này, khoảng 90% diện tích đã được thu hoạch.
Tuy nhiên, do mưa liên tiếp nhiều ngày nên ước tính có khoảng 20% trong số này không hong phơi được. 3 trong số 10% diện tích chưa thu hoạch có nguy cơ rụng nhiều vì phơi mưa nhiều ngày”, ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Điện Biên cho biết.