Nông dân Thừa Thiên - Huế thiệt hại nặng vì hàng ngàn ha lúa đổ rạp

GD&TĐ - Những ngày đầu tháng 5, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xảy ra mưa lớn kèm gió bất thường, khiến hàng ngàn ha lúa Đông - Xuân sắp thu hoạch của người dân bị ngã đổ và ngập úng.

Nông dân Thừa Thiên - Huế xuống đồng cứu lúa.
Nông dân Thừa Thiên - Huế xuống đồng cứu lúa.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn vào đầu tháng 5 vừa qua, đã khiến cho hàng ngàn ha lúa sản xuất vụ Đông - Xuân của người dân đổ rạp. 

Hàng ngàn ha lúa chuẩn bị thu hoạch bị đổ rạp do ảnh hưởng của mưa lũ dị thường.
Hàng ngàn ha lúa chuẩn bị thu hoạch bị đổ rạp do ảnh hưởng của mưa lũ dị thường.

Theo đó, các huyện bị thiệt hại nặng gồm Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và thành phố Huế. Một số diện tích lúa ở vùng thấp trũng bị ngập úng, hư hại.

Được biết, đây là lần thứ 2 vụ lúa Đông - Xuân năm nay tại tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ngập úng, ngã đổ hư hại do mưa lớn.

Một số diện tích lúa ở vùng thấp trũng bị ngập úng, hư hại.
Một số diện tích lúa ở vùng thấp trũng bị ngập úng, hư hại.

Trước đó, trận mưa lớn bất thường dài ngày diễn ra vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 đã làm hàng nghìn ha lúa đang kỳ làm đòng ở tỉnh này bị ngã đổ, ngập úng. Lúa vừa mới hồi phục đang chuẩn bị thu hoạch thì lại gặp trận mưa này gây thiệt hại nặng cho người dân.

Trận mưa lớn bất thường dài ngày diễn ra vào cuối tháng 3 khiến hàng chục ngàn hécta lúa của người dân chìm trong biển nước.
Trận mưa lớn bất thường dài ngày diễn ra vào cuối tháng 3 khiến hàng chục ngàn hécta lúa của người dân chìm trong biển nước.

Ông Lê Văn Anh, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trước tình hình trên, đơn vị đã chỉ đạo cơ quan chức năng tại địa phương đã huy động tối đa nhân lực, vật lực để tiêu úng thoát nước nhanh diện tích lúa đang bị ngập úng, không để ruộng lúa bị ngâm nước nhiều ngày.

Qua đó có thể hạn chế lúa bị mọc mầm và các nấm gây bệnh như đạo ôn cổ bông, lép hạt, khô vằn phát sinh gây hại nặng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng gạo.

Diện tích lúa giai đoạn trổ chín đến đỏ đuôi, có tỷ lệ hạt chín trên bông > 85% tiến hành thu hoạch sớm, với phương châm xanh nhà hơn già đồng để hạn chế thiệt hại.

Diện tích lúa giai đoạn chắc xanh, sau khi tháo cạn nước trong ruộng cần tiến hành dựng lúa bằng cách túm 3-5 gốc lúa lại với nhau bằng sợi ni lông, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa vào chắc và chín.

Cùng với đó, huy động tối đa công suất của các loại máy gặt để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa đã chín khi thời tiết tạnh ráo, sử dụng các loại máy cày lớn để cày lật đất ngay sau khi thu hoạch để gieo cấy vụ hè thu 2022 kịp thời vụ và thực hiện các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa trên địa bàn tỉnh

Sau khi thời tiết tận mưa, nông dân tại các vùng ngập úng đã ra đồng cứu lúa. Tuy nhiên, khi nhìn cánh đồng chín vàng chuẩn bị thu hoạch nằm nghiêng ngả, họ lắc đầu ngán ngẩm và chỉ biết than trời…

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tính (71 tuổi, trú tại TP Huế) cho hay, gia đình ông có 0,5 ha lúa. Trước đó, trong đợt mưa dị thường hồi cuối tháng 3, nước đã nhấn chìm hơn 80% diện tích lúa đang làm đòng và trổ bông, bây giờ lại gặp thời tiết dị thường khiến cho số lúa đang chín vàng, chờ ngày thu hoạch lại một lần nữa bị quật ngả nghiêng, gia đình ông gần như mất trắng.

“Nay chỉ chờ trời nắng rồi gặt được hạt nào hay hạt đó thôi, chứ thời tiết dị thường kiểu này thì lỗ là cái chắc rồi. Hiện nay vật giá thì leo thang, phân bón thì cao, lại thường xuyên xuất hiện mưa, lũ trái mùa, tôi làm nông đã lâu nhưng chưa thấy năm nào thời tiết như năm nay”, ông Tính nói.

Còn ông Nguyễn Tuấn Hiệp (32 tuổi, trú tại huyện Quảng Điền), một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng do mưa dị thường cho biết, thu nhập chính cả gia đình ông trông chỉ 5 sào ruộng ít ỏi. Bước qua năm 2022 chỉ với mong ước giản đơn mưa thuận gió hòa, để làm ăn thuận lợi. Nhưng những ngày qua, sau trận mưa dị thường tháng 3, thì nay lại tiếp tục mưa lớn khiến cho dòng nước lũ nhấn chìm số lúa chuẩn bị thu hoạch của gia đình.

Nhìn số lúa đang bị nước nhấn chìm, ông Hiệp chỉ biết thở dài rồi nói: “Năm nay thời tiết khắc nghiệt quá, mưa có tý thôi mà tôi mất trắng rồi, bây giờ chả biết vay tiền đâu mà trồng lại".

Trao đổi với PV Báo GD&TĐ, ông Lê Ngọc Bảo, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho biết, vụ lúa Đông - Xuân năm nay bà con nông dân gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của mưa lũ trái mùa.

"Để góp phần giúp người dân vượt qua khó khăn, tôi đã yêu cầu các cơ quan ban ngành cấp huyện, các xã thị trấn thống kê các diện tích lúa bị thiệt hại để hỗ trợ kịp thời cho người dân vượt qua khó khăn.

Đối với những diện tích lúa bị đổ ngã, tôi yêu cầu các xã, thị trấn chỉ đạo các HTX sản xuất nông nghiệp huy động tổng lực máy bơm tiến hành thoát nước trên các đồng ruồng, trong những ngày tới thời tiết nắng ấm vận động bà con nhân dân khẩn trương thu hoạch để hạn chế thiệt hại”, ông Bảo nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.