Điện Biên, nghi vấn làm giả hồ sơ chuyển hóa đất cho em ruột

GD&TĐ - Một vụ việc có dấu hiệu làm giả hồ sơ để chuyển hóa quyền sở hữu đất, xảy ra tại huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên.

Khu đất của hai cụ Lộc - Dung khai hoang. Ảnh: N.Diệp
Khu đất của hai cụ Lộc - Dung khai hoang. Ảnh: N.Diệp

Tìm hiểu của Báo GD&TĐ cho thấy vụ việc có dấu hiệu sai phạm liên quan đến nhiều người.

Có sự tiếp tay?

Báo GD&TĐ nhận được phản ánh của bà Nguyễn Thị Hải (trú phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) về việc một số người cố ý hợp thức hóa hồ sơ để dịch chuyển một tài sản lớn mà bà là đồng sở hữu.

Theo bà Hải thì bà và ông Lê Văn Lưu (khối 4, thị trấn Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) từng có thời gian chung sống với nhau như vợ chồng.

Năm 1994, hai người được bố mẹ đẻ của bà Hải tạo điều kiện để 2 người cùng tham gia sản xuất trên diện tích đất nông nghiệp tại thị trấn Mường Ảng. Đất do bố mẹ bà Hải (hai cụ Lộc - Dung) khai hoang từ 1986 cùng diện tích đất ao nhận đấu thầu với Hội Cựu chiến binh thị trấn huyện Mường Ảng.

Về sau, bà Hải – ông Lưu được hai cụ Lộc - Dung cho 400m2 nằm trong tổng diện tích đất khai hoang. Diện tích này đã được ông Lưu kê khai, có xác nhận của UBND thị trấn Mường Ảng vào ngày 5/1/1998; xác nhận của Phòng Địa chính huyện Tuần Giáo (thời điểm chưa chia tách địa giới hành chính) thể hiện tại Tờ khai 084 - k4 năm 1998. Tại mục 5 của tờ khai trên thể hiện rõ: Tổng diện tích ông Lưu đang quản lý và sử dụng là 400m2.

Sau khi bố mẹ bà Hải về thành phố Điện Biên Phủ sinh sống đã giao lại cho ông bà Lưu - Hải mượn để trông coi, quản lý và canh tác.

Năm 2001, ông bà Lưu - Hải chuyển về TP Điện Biên Phủ sinh sống đã nhờ ông Lê Văn Đại (em trai của ông Lưu từ Thanh Hóa lên) trông coi hộ toàn bộ diện tích đất (trong đó có 400m2 đất của ông bà Lưu - Hải).

Tháng 3/2009, bà Hải và ông Lưu ly hôn nhưng không phân chia tài sản. Lúc này, hai cụ Lộc - Dung yêu cầu trả lại đất mà ông Đại đang quản lý, trông coi thì xuất hiện vấn đề pháp lý. Từ năm 2011 đến nay, việc tranh chấp giữa các bên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Cũng sau thời điểm bà Hải – ông Lưu chia tay nhau, bà Hải mới “ngã ngửa” khi biết rằng giữa hai anh em nhà ông Lưu – Đại đã “áo gấm đi đêm” thực hiện thủ tục đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) tại hai thửa số 48 và 51, tờ bản đồ số 10.

Bà Hải cho rằng, hai ông Lưu, Đại đã câu kết với nhau, có sự tiếp tay của các cán bộ địa phương trong quá trình hoàn tất hồ sơ cấp giấy CNQSDĐ tại hai thửa nói trên.

Ngụy tạo hợp đồng tặng cho?

Ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định bản thân không viết, không ký, đóng dấu chứng thực tại hợp đồng cho tặng số 192. Ảnh: N.Diệp

Ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định bản thân không viết, không ký, đóng dấu chứng thực tại hợp đồng cho tặng số 192. Ảnh: N.Diệp

Theo bà Hải, quá trình thực hiện thủ tục cấp giấy CNQSDĐ thửa số 48, tờ bản đồ số 10 có dấu hiệu sai phạm.

Đơn cử như tại Hợp đồng tặng cho số 192 được thực hiện vào ngày 10/5/2008 (chính quyền địa phương xác nhận vào ngày 14/5/2008). Hợp đồng này thể hiện rõ là ông Lưu và bà Hải đã tặng 400m2 đất cho ông Lê Văn Đại. Nhưng xác nhận giữa hai bên, đại diện chỉ có hai anh em ruột là ông Lưu và ông Đại ký.

Bà Hải khẳng định, bản thân không biết đến việc này dù bà và ông Lưu là hai người đồng sở hữu 400m2 đất mà bố mẹ đã cho trước đó.

Bản hợp đồng nói trên cũng có chữ ký, xác nhận của chính quyền địa phương. Người xác nhận là ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch UBND thị trấn Mường Ảng.

Ngày 2/11, Báo GD&TĐ đã làm việc với ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Mường Ảng (thời điểm 2009 là Chủ tịch UBND thị trấn Mường Ảng). Sau khi xem xét hồ sơ mà Báo GD&TĐ cung cấp, ông Hùng khẳng định không ký, không xác nhận tại hợp đồng cho tặng số 192 nói trên.

“Nhìn thì đúng là chữ ký của tôi. Nhưng tôi nhớ và khẳng định chắc chắn là không xác nhận cho trường hợp cho tặng đất đai của hai ông Lưu - Đại bao giờ. Ông Lưu ngày xưa là lính của tôi, tôi nhớ rất rõ. Trong suốt quá trình làm Chủ tịch thị trấn thì không ký, xác nhận cho trường hợp này”, ông Hùng khẳng định.

Nhìn vào chữ ký của mình trên hồ sơ, ông Hùng nghi vấn đã có sự sao chép chữ ký nhằm hợp thức hóa hồ sơ, thủ tục từ một người nào đó.

“Đợt trước, bên phía công an tỉnh cử người đến xác minh. Họ có hỏi rằng đây có phải là chữ ký của tôi không? Tôi xác nhận đó là chữ ký của mình. Tuy nhiên, đã có sự sao chép chứ bản thân tôi không hề ký. Tôi cũng trả lời với bên phía công an là như vậy!”, ông Hùng nói thêm.

Nếu đúng như những gì ông Hùng khẳng định thì ai đã cố tình sao chép chữ ký để xác nhận, hợp thức hóa bản hợp đồng trái luật? Người này sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào?

Trong đơn xin cấp giấy CNQSDĐ ở thửa đất số 48 của ông Lê Văn Đại, phần xác nhận của chính quyền địa phương có: Ông Tạ Văn Khoa – Trưởng khối; bà Nguyễn Thị Bích Hồng – cán bộ địa chính thuộc UBND thị trấn; bà Đặng Thị Nhung là người thẩm tra hồ sơ và ông Phạm Văn Triệu - Trưởng phòng TN&MT huyện Mường Ảng.

Cũng thật lạ, hợp đồng số 192 ghi rõ: Bà Nguyễn Thị Hải có năm sinh là 1967. Còn tại sổ hộ khẩu kèm theo hồ sơ đăng ký cấp giấy CNQSDĐ (thửa số 48, tờ bản đồ số 10) thể hiện bà Hải sinh ngày 4/8/1968.

Có sự “lệch pha” rõ ràng như vậy, nhưng ông Vũ Đức Thịnh – Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng (thời điểm năm 2009) vẫn ký cấp giấy CNQSDĐ số AK 893443 (ngày 4/6/2009) cho gia đình ông Đại.

Không dừng lại ở đó, theo bà Hải, ở thửa số 51 cũng có “vấn đề”. Có dấu hiệu cho thấy việc sử dụng một bộ hồ sơ để làm thủ tục cấp sổ cho 2 thửa đất. Vậy, có hay không sự tiếp tay của cán bộ tại địa phương này?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...