Dự án nghìn tỷ khiến nhiều cán bộ thành phố Điện Biên 'sa lầy'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều cán bộ thành phố Điện Biên 'sa lầy' trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, xây dựng, nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên.

Cơ quan chức năng thi hành các biện pháp tố tụng đối với Phó Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ Nguyễn Tuấn Anh.
Cơ quan chức năng thi hành các biện pháp tố tụng đối với Phó Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ Nguyễn Tuấn Anh.

Dự án nghìn tỷ tạo 'sức bật' cho nền kinh tế…

Dự án đầu tư, xây dựng, nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp I. Dự án chính thức khởi công ngày 22/1 với tổng mức đầu tư hơn 1.467 tỷ đồng từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Chi phí giải phóng mặt bằng có tổng mức đầu tư 1.555 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh Điện Biên.

Dự án có quy mô khu bay gồm: Đường cất hạ cánh; đường lăn, sân đỗ máy bay và nhiều hạng mục phụ trợ khác. Quy mô hàng không dân dụng, cải tạo, mở rộng công suất khai thác nhà ga hành khách hiện hữu từ 300.000 khách/năm lên 500.000 khách/năm; cải tạo, xây dựng mới các công trình phụ trợ, khu hàng không dân dụng đảm bảo đồng bộ khai thác máy bay A320, A321 và tương đương.

Hiện nay, Cảng hàng không Điện Biên với kết cấu hạ tầng chính gồm 1 đường cất hạ cánh kích thước 1.830m x 30m được đưa vào sử dụng từ năm 1994; hệ thống trang thiết bị giản đơn; sân đỗ tàu bay có 3 vị trí đỗ; nhà ga hành khách đươc xây dựng năm 2004 có công suất 300.000 hành khách/năm. Do hạn chế về tĩnh không hai đầu đường cất hạ cánh (vướng núi), nên chỉ đảm bảo khai thác tàu bay ATR72 và tương đương vào ban ngày (trong điều kiện thời tiết cho phép).

Phối cảnh Dự án đầu tư, xây dựng, nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên.
Phối cảnh Dự án đầu tư, xây dựng, nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên.

Do đó, để Cảng hàng không Điện Biên có thể đồng bộ khai thác máy bay A320, A321 và tương đương, Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên sẽ xây dựng đường cất hạ cánh 35-17 kích thước 2400mx45m, sân quay 2 đầu, kết cấu BTXM đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 hoặc tương đương; lề vật liệu rộng mỗi bên 7,5m, dải hãm phanh 2 đầu đường cất hạ cánh kích thước 60x100m, kết cấu BTN; xây dựng đường lăn nối cách đầu 17 khoảng cách 500m, kết cấu BTXM; Xây dựng hệ thống đèn tiếp cận CAT I...

Nhà ga hành khách được thiết kế gồm 2 tầng với đường nét kiến trúc hiện đại, hài hòa. Trong đó, tầng 1 bao gồm: Khu vực mái sảnh; khu vực hành khách đi và khu vực hành khách đến; tầng 2 là khu vực phòng chờ; phòng khách hạng thương gia; khu vực dịch vụ thương mại và các khu vực phụ trợ phục vụ khai thác.

Việc hoàn thiện mở rộng Cảng hàng không Điện Biên có ý nghĩa quan trọng với vùng kinh tế Tây Bắc. Sau khi hoàn thành, dự án được cho là sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế, tăng khả năng huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn 2021-2025 thêm khoảng 15.000 tỷ đồng. Thu ngân sách địa phương năm 2025 sẽ tăng thêm ít nhất 170 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 189 USD năm 2025, tỉ lệ hộ nghèo giảm thêm khoảng 2% so với phương án hoàn thành sân bay sau năm 2025, góp phần tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 8.000 lao động.

…nhưng khiến nhiều cán bộ 'sa lầy'

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đầu tư, xây dựng, nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên, nhiều cán bộ thuộc TP. Điên Biên Phủ đã vướng sai phạm, gây thất thoát cho nhà nước số tiền hàng chục tỷ đồng.

Theo đó,Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điên Biên mới đây đã Quyết định khởi tố bị can và thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 3 bị can về tội Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 Điều 230 Bộ luật hình sự.

Danh tính các bị can này gồm: Phạm Trung Kiên (SN 1984, Phó Trưởng phòng Tài chính kế hoạch TP. Điện Biên Phủ); Trần Xuân Mạnh (SN 1984, cán bộ thuộc Phòng Tài chính kế hoạch TP. Điện Biên Phủ) và Bùi Mạnh Cường (SN 1990, cán bộ thuộc Phòng Tài nguyên & Môi trường TP. Điện Biên Phủ).

Cơ quan chức năng thi hành các biện pháp tố tụng đối với Phạm Trung Kiên.

Cơ quan chức năng thi hành các biện pháp tố tụng đối với Phạm Trung Kiên.

Theo quyết định khởi tố của cơ quan điều tra, Phạm Trung Kiên và Trần Xuân Mạnh đã được giao nhiệm vụ thẩm định phương án bồi thường đợt 31, Bùi Mạnh Cường được giao nhiệm vụ thẩm định phương án bồi thường đợt 66 để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp Cảng hàng không tỉnh Điện Biên nhưng đã để xảy ra sai phạm.

Cụ thể, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, mặc dù nắm vững các quy định về lập, thẩm định, trình phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nhưng các bị can vẫn thẩm định và trình đề nghị phê duyệt phương án bồi thường không đảm bảo về quy trình lập phương án, thiếu tài liệu chứng minh đối tượng được bồi thường, hỗ trợ, vi phạm quy định của pháp luật về đất đai.

Cơ quan điều tra xác định, 2 bị can Phạm Trung Kiên, Trần Xuân Mạnh đã gây thiệt hại hơn 6,8 tỷ đồng. Trong khi đó, bị can Cường gây thiệt hại gần 6,2 tỷ đồng của Nhà nước.

Cũng liên quan đến vụ việc trên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên đã tiếp tục khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Tuấn Anh (Phó Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ). Ông Tuấn Anh bị điều tra về tội Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại khoản 3, Điều 230 Bộ luật hình sự.

Theo tài liệu của cơ quan công an, ông Nguyễn Tuấn Anh được giao nhiệm vụ chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đầu tư, xây dựng, nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên.

Cơ quan chức năng thi hành các biện pháp tố tụng đối với cán bộ thuộc Phòng Tài nguyên & Môi trường TP. Điện Biên Phủ Bùi Mạnh Cường.

Cơ quan chức năng thi hành các biện pháp tố tụng đối với cán bộ thuộc Phòng Tài nguyên & Môi trường TP. Điện Biên Phủ Bùi Mạnh Cường.

Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ đã chỉ đạo việc lập, ký phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đợt 31 và đợt 66 với diện tích đất bị thu hồi của Công ty CP chế biến Nông sản Điện Biên vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai gây thiệt hại hơn 13 tỷ đồng của nhà nước.

Nơi ở của ông Nguyễn Tuấn Anh tại tổ dân phố 10 (phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ) và nơi làm việc của ông này tại UBND TP. Điện Biên Phủ cũng được cơ quan công an tổ chức khám xét.

Ông Nguyễn Tuấn Anh được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ từ tháng 10/2018. Trong vụ án trên, cơ quan công an xác định ông Nguyễn Tuấn Anh được xem là mắt xích quan trọng “bật đèn xanh” và cùng những đối tượng khác vi phạm.

Trước đó, ngày 17/12/2021, Cơ quan CSĐT Công an TP. Điện Biên Phủ đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thị Khương (SN 1965, cán bộ hợp đồng của Trung tâm Quản lý đất đai TP. Điện Biên Phủ về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản quy định tại khoản 4, Điều 355, Bộ luật hình sự.

Theo cơ quan điều tra, trong quá trình thực hiện việc thu thập tài liệu để lập phương án bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất đai bị thu hồi của 48 công nhân nhận giao khoán đất của Công ty CP chế biến Nông sản Điện Biên, Nguyễn Thị Khương đã có hành vi nhiều lần yêu cầu các công nhân phải trích lại 30% số tiền được đền bù thì mới xin duyệt phương án cho các công nhân được hưởng thụ.

Cơ quan chức năng thi hành các biện pháp tố tụng đối với Trần Xuân Mạnh (cán bộ thuộc Phòng Tài chính kế hoạch TP. Điện Biên Phủ).

Cơ quan chức năng thi hành các biện pháp tố tụng đối với Trần Xuân Mạnh (cán bộ thuộc Phòng Tài chính kế hoạch TP. Điện Biên Phủ).

Sau khi phương án đền bù được UBND TP. Điện Biên Phủ phê duyệt, Nguyễn Thị Khương đã nhận của các công nhân tổng cộng 1,85 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2021, Thanh tra tỉnh Điện Biên đã làm rõ hàng loạt tồn tại, sai phạm của UBND TP. Điện Biên Phủ về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép san ủi, quản lý việc san ủi của các hộ gia đình trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ.

Đến ngày 25/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thị Vân (SN 1978, Giám đốc Trung tâm Quản lý đất đai TP. Điện Biên Phủ) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại khoản 1, Điều 360, Bộ luật hình sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.