Điểm tựa xanh của trẻ nghèo xã đảo

GD&TĐ - Trên địa bàn huyện Cần Giờ (TPHCM), cán bộ, chiến sĩ Biên phòng thực sự trở thành điểm tựa tin cậy của nhiều học sinh nghèo.

Cán bộ Đồn Biên phòng Thạnh An phối hợp với nhà hảo tâm tặng quà học sinh nghèo.
Cán bộ Đồn Biên phòng Thạnh An phối hợp với nhà hảo tâm tặng quà học sinh nghèo.

Những chương trình, hoạt động thiết thực của những người lính mang quân hàm xanh đã chắp cánh tương lai cho nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới biển.

Tiếp sức đến trường

Với Trần Nguyễn Ngọc Hà, hiện học lớp 11 Trường THCS-THPT Thạnh An, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ (TPHCM), cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thạnh An rất đỗi thân thuộc. Sự gắn kết giữa cô học trò này và những người lính quân hàm xanh đến từ sự quan tâm, chăm sóc trong nhiều năm qua.

Gia đình Hà thuộc diện hộ nghèo của xã Thạnh An. Cha của em mất sớm, mấy năm sau mẹ đi bước nữa, nên từ nhỏ Hà ở với bà ngoại. Tuy nhiên, gia đình bà ngoại Hà cũng thuộc diện khó khăn. Đã có lúc, việc cắp sách đến trường của Hà tưởng chừng sẽ gác lại. Thế nhưng năm 2016, được sự quan tâm, động viên hỗ trợ của những người lính Biên phòng thông qua Chương trình “Nâng bước em tới trường”, con đường đến trường của Hà ngày càng rộng mở.

Hà kể: “Năm học lớp 3, các chú bộ đội ở Đồn Biên phòng Thạnh An đi qua nhà con, hay ghé vào thăm hỏi, động viên, cho con sữa và bánh. Rồi mấy ngày sau, các chú đã trở lại cùng bác trưởng ấp mang cho con một chiếc cặp và đồ dùng học tập. Các chú nói với con và bà ngoại con rằng, các chú sẽ nhận đỡ đầu, hỗ trợ con mỗi tháng 500 nghìn đồng theo Chương trình “Nâng bước em tới trường” để con được đi học đến khi xong cấp 3”.

Đến nay, đã 8 năm Đồn Biên phòng Thạnh An đồng hành cùng Hà. Khi nhắc đến sự giúp đỡ của những người lính Biên phòng, cô bé vui vẻ nói: “Nếu các chú bộ đội không giúp đỡ con, không biết con đường đến trường của con sẽ ra sao nữa. Con rất biết ơn các chú, dù con không có ba, nhưng giờ đây, con lại có nhiều người ba nuôi Biên phòng, ba nào cũng thương con. Ba Sang (Đại uý Bùi Đức Sang, Phó Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Thạnh An) và nhiều ba khác nữa thường xuyên động viên, giúp đỡ gia đình con lúc khó khăn”.

Ngồi bên cạnh cháu gái, chị Phùng Thị Thanh Thủy, dì ruột của Hà, cho biết: “Dù gia đình ngoại rất khó khăn nhưng vẫn luôn cố gắng cho cháu đi học. Thời gian qua, được các anh Biên phòng hỗ trợ nên chúng tôi cũng giảm bớt đi nhiều vất vả. Thật sự điều mọi người trong gia đình vui mừng nhất là dưới sự động viên, khuyên bảo của các anh Biên phòng, cháu Hà rất chăm chỉ và ngoan ngoãn, học tập tiến bộ”.

Theo Đại úy Bùi Đức Sang, hiện tại trên địa bàn xã đảo Thạnh An, lực lượng Biên phòng nhận đỡ đầu 9 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Ngoài số tiền hỗ trợ hàng tháng là 500 nghìn đồng, vào các dịp lễ, tết hay vào đầu năm học mới, đơn vị này còn vận động mạnh thường quân để có thêm những phần quà thiết yếu như: Xe đạp, cặp, sách, vở, quần áo… hỗ trợ các em.

“Việc nhận đỡ đầu, giúp đỡ học sinh trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn, đơn vị đã tiến hành suốt hơn 10 năm nay. Đến năm 2016 khi cấp trên phát động Chương trình “Nâng bước em tới trường”, đơn vị đã triển khai rất nhanh chóng, hiệu quả đúng đối tượng”, Đại úy Sang chia sẻ.

Học sinh cấp 2 ở ấp Thiềng Liềng đã có chỗ ăn nghỉ để đến trường tiếp tục học tập.
Học sinh cấp 2 ở ấp Thiềng Liềng đã có chỗ ăn nghỉ để đến trường tiếp tục học tập.

Đồng hành cùng học sinh nghèo

Thạnh An là xã đảo duy nhất của huyện Cần Giờ, cách trung tâm huyện Cần Giờ chừng 7km đường thủy, với tổng diện tích tự nhiên hơn 13 nghìn ha, trong đó, đa số là mặt nước và rừng ngập mặn. Xã đảo này có 3 ấp với hơn 1.200 hộ dân sinh sống, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Giao thông ở Thạnh An phụ thuộc hoàn toàn vào những chuyến đò biển. Những ngày sóng to, gió lớn, mọi hoạt động trên đảo gần như bị tách biệt với đất liền do không có tàu bè hoạt động.

Thiếu tá Trần Xuân Hoàng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Thạnh An, cho hay, do đặc điểm của địa hình nên việc đi lại của người dân khá vất vả, đặc biệt là việc đến trường của trẻ em cấp 2 ở ấp đảo Thiềng Liềng. Vì điều kiện đi học giữa các địa bàn khó khăn nên chính quyền xã, ấp và Đồn Biên phòng vận động các nhà hảo tâm trợ giá vé tàu đò cho học sinh, bớt 5.000 đồng/vé so với người lớn. Bước vào mùa mưa việc đi lại càng khó khăn, nhất là học sinh vào đầu năm lớp 6, những lần đi biển đầu tiên bị say sóng, rồi hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bỏ bê học tập…

“Buổi trưa những năm trước đây, học sinh ở ấp đảo Thiềng Liềng thường mang cơm rồi ăn ngay tại lớp hoặc về nhà các bạn gần trường ăn và nghỉ trưa. Chiều các em lại tiếp tục đến trường. Nhưng từ sau đợt nghỉ dịch, học sinh trở lại học tập vào cuối năm 2021 vừa qua, thấy các em vất vả nên đơn vị đã quyết định hỗ trợ 12 học sinh có hoàn cảnh khó khăn ăn trưa và nghỉ ngơi tại đồn”, Thiếu tá Hoàng cho hay.

Để có kinh phí, ngoài vận động các mạnh thường quân, những người lính Biên phòng đã triển khai mô hình “Ngôi nhà xanh”, thu gom vỏ lon, chai nhựa để bán lấy tiền mua thức ăn bổ sung bữa ăn cho những học sinh này. Đặc biệt, từ nguồn tăng gia sản xuất của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thạnh An, giúp cải thiện bữa ăn không chỉ cho cán bộ, chiến sĩ, mà còn tạo được nguồn thức ăn phong phú cho những học sinh cấp 2 ở ấp Thiềng Liềng ăn trưa tại đây.

Đại úy Bùi Đức Sang cho biết: “Hàng năm, đơn vị đều vận động các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm tại các quận, huyện trên địa bàn TPHCM giúp đỡ các em học sinh nghèo. Chỉ riêng từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị còn vận động được 225 phần quà 33 suất học bổng, với tổng trị giá gần 160 triệu đồng suất quà hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn. Thật sự, đối với những cán bộ, chiến sĩ chúng tôi, niềm vui lớn với chúng tôi là thấy học sinh được đơn vị quan tâm, giúp đỡ luôn nỗ lực và có những tiến bộ nhất định trong học tập”.

Bộ đội Biên phòng TPHCM đang nhận đỡ đầu 53 học sinh có hoàn cảnh khó khăn từ cấp tiểu học, THCS đến THPT. Mức hỗ trợ hàng tháng mỗi cháu 500 nghìn đồng đến khi học hết THPT. Nguồn kinh phí này do cán bộ, chiến sĩ các đơn vị tự nguyện đóng góp. Việc làm này thể hiện tình cảm, trách nhiệm, sự tri ân của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đối với người dân nghèo trên địa bàn  biên giới biển mà đơn vị phụ trách. - Đại tá Lâm Văn Huy (Chủ nhiệm chính trị bộ đội Biên phòng TPHCM)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.