“Bên sóng” – hành trình “gieo chữ” của những thầy giáo mang “quân hàm xanh”

GD&TĐ - Phóng sự do Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Khánh Hoà sản xuất mang đến cho người xem một cái nhìn cảm xúc, nhân văn về hành trình “gieo chữ” của những người lính mang “quân hàm xanh”.

Lớp học của Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng đều đặn hoạt động vào các buổi tối trong ngày. Ảnh cắt từ phóng sự.
Lớp học của Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng đều đặn hoạt động vào các buổi tối trong ngày. Ảnh cắt từ phóng sự.

Những thầy giáo mang “quân hàm xanh”

Phóng sự truyền hình “Bên sóng” kể về hành trình “gieo chữ” của Thiếu tá Nguyễn Tuấn Hình và Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng cùng công tác trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hoà do nhóm tác giả Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Nguyễn Hữu Thiên, Trần Tuấn Minh và Nguyễn Thị Khánh Linh công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Khánh Hoà thực hiện.

Thiếu tá Nguyễn Tuấn Hình và Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng là 2 nhân vật chính trong phóng sự. Quá trình công tác, gắn bó với những người dân tại TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà), thấu hiểu những thiệt thòi, khó khăn của những em nhỏ nơi hải đảo và những nơi thuộc “vùng trũng” của TP. Nha Trang, Thiếu tá Nguyễn Tuấn Hình và Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng đã tình nguyện mở các lớp học miễn phí cho những em nhỏ tại nơi đây.

Phóng sự là câu chuyện cảm động, truyền cảm hứng về hành trình mang tri thức tới những số phận thiệt thòi của những người thầy giáo mang “quân hàm xanh”.  

Không chỉ dạy các em nhỏ về kiến thức, những người thầy mang "quân hàm xanh" còn thường xuyên động viên, vận động các bậc phụ huynh để trẻ được đến trường. Ảnh cắt từ phóng sự.
Không chỉ dạy các em nhỏ về kiến thức, những người thầy mang "quân hàm xanh" còn thường xuyên động viên, vận động các bậc phụ huynh để trẻ được đến trường. Ảnh cắt từ phóng sự.

Mong mọi người cùng chung tay vì tương lai của các em

Chia sẻ về quá trình thực hiện phóng sự, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Ánh, đại diện cho nhóm tác giả chia sẻ: Ở TP. Nha Trang có một đảo nhỏ cách đất liền vài hải lý. Những em nhỏ tại đây sẽ phải học hết chương trình Tiểu học sau đó mới vào đất liền để học chương trình Trung học cơ sở. Trong quá trình học tại đảo, các em nhỏ không được tiếp cận về với môn Tin học và môn Tiếng Anh, trong khi đó, chương trình học Trung học cơ sở tại đất liền lại có 2 môn học này.

Quá trình công tác, thấu hiểu thực trạng tại đó nên Thiếu tá Nguyễn Tuấn Hình đã báo cáo lãnh đạo được tổ chức mở lớp dạy miễn phí 2 môn Tiếng Anh và Tin học cho các em nhỏ trên đảo. Thiếu tá Nguyễn Tuấn Hình mong muốn khi hoàn thành xong chương trình Tiểu học ngoài đảo và vào đất liền học chương trình Trung học cơ sở, các em sẽ không còn bỡ ngỡ với 2 môn học trên.

Hàng tuần, bất kể thời tiết nắng hay mưa, Thiếu tá Hình đã dành thời gian 2 ngày, 1 đêm ra đảo để dạy cho các em. Không những dạy 2 môn Tiếng Anh, Tin học, Thiếu tá Hình còn dạy cho các em các kỹ năng sống, cách đối nhân xử thế.

Nhân vật thứ 2 trong phóng sự là Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng. Do đặc thù công việc, địa bàn phụ trách nên Thiếu tá Tưởng được tiếp xúc nhiều với những lao động tự do, không có việc làm ổn định, cuộc sống khó khăn.

Gánh nặng “cơm áo, gạo tiền” khiến những người dân tại đây thường không quan tâm đến việc học của con em. Trong khi những đứa trẻ cùng trang lứa được ngày ngày cắp sách tới trường thì những đứa tại đây phải gác lại chuyện “sách vở” để chạy theo nỗi lo mưu sinh.

“Bên sóng” là một phóng sự ý nghĩa về hành trình “gieo chữ” của những thầy giáo mang “quân hàm xanh”. Ảnh cắt từ phóng sự.
“Bên sóng”  là một phóng sự ý nghĩa về hành trình “gieo chữ” của những thầy giáo mang “quân hàm xanh”. Ảnh cắt từ phóng sự. 

Với mong muốn mang tri thức đến cho những em nhỏ thiệt thòi tại đây, gần 20 năm qua, Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng đều đặn mỗi tối đến dạy học cho các em. Không những mang đến cho các em tri thức, Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng còn thường xuyên động viên, chia sẻ, thuyết phục các bậc phụ huynh cho con em đến lớp học tập.

“Chính vì cảm phục trước hành động của Thiếu tá Nguyễn Tuấn Hình và Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng nên nhóm đã thực hiện đề tài này. Đối với chúng tôi, những em nhỏ trong phóng sự được ví như những con sóng. “Bên sóng” cũng như mong muốn của nhóm tác giả bên cạnh sự phát triển của xã hội vẫn còn đâu đó các em bị thiệt thòi trong cuộc sống. Nếu như có sự định hướng, đồng hành một cách chính xác, chân thực, những “con sóng” này sẽ đi đúng hướng, vươn ra xa, chứng tỏ được mình”, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Ánh chia sẻ.

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Ánh cũng cho rằng, để các em nhỏ được đến trường như các bạn cùng trang lứa, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, gia đình. Ở đâu đó vẫn còn những mảng tối mà nếu như không có sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền thì có lẽ còn rất lâu nữa các em nhỏ thiệt thòi mới được hưởng những điều các em cần phải có.

“Chúng tôi rất vui mừng, xúc động khi những vấn đề mình đề cập đến nhận được sự quan tâm, đón nhận của mọi người. Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” là một sân chơi bổ ích. Tại đó, chúng tôi được cọ xát, học hỏi bản thân, tôn vinh những giá trị đẹp trong lĩnh vực giáo dục và chia sẻ cùng nhau vì mục tiêu chung là phát triển bền vững”, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Ánh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.