Vững vàng chuyên môn
Năm 2005, khi tốt nghiệp đại học Sư phạm Hà Nội 2, thầy giáo Nguyễn Mạnh Tú được tuyển dụng làm giáo viên giảng dạy môn Vật lí cấp THPT và được Sở GD&ĐT phân công giảng dạy, công tác tại các trường THPT Nho Quan A, Trung tâm GDTX tỉnh và hiện nay tại THPT Hoa Lư A.
Với nỗ lực và phấn đấu không ngừng trong chuyên môn nên từ năm 2006 đến nay thầy luôn được phòng chuyên môn của Sở, Ban giám hiệu các trường tin tưởng giao phó công việc chuyên môn như cốt cán bộ môn Vật lí; Bí thư Đoàn trường; Phó phòng Đào tạo trung tâm GDTX tỉnh...
Ở vị trí công tác nào thầy Tú cũng hoàn thành tốt công việc và đạt nhiều thành tích cao quý như: Giải Nhất giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; nhiều năm là chiến sĩ thi đua cơ sở; cá nhân tiêu biểu được tặng giấy khen về thi đua trong các giai đoạn;
Giấy chứng nhận có thành tích hướng dẫn học sinh tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH) đạt giải Nhất... của Bộ GD&ĐT nhiều năm. Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền và tổ chức cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng. Bằng khen của UBND tỉnh về phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi…
Thầy Lê Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình) cũng cho biết thêm: Trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, hướng dẫn NCKH và sáng tạo trẻ luôn đòi hỏi hàm lượng khoa học lớn, tính sáng tạo cao. Tuy nhiên, bằng sự say mê, ham học hỏi không ngừng, thầy Tú đã có những giải pháp, sáng kiến giúp học sinh biến ý tưởng khoa học kĩ thuật (KHKT) thành hiện thực và đạt thành tích cao tại các cuộc thi KHKT, sáng tạo trẻ cấp huyện, tỉnh và Quốc gia.
Thực tế cũng chứng minh, 6 năm học liên tiếp gần đây, các dự án nghiên cứu KHKT của học sinh Trường THPT Hoa Lư A với sự hướng dẫn của thầy Tú đều đạt thành tích tại các cuộc thi KHKT, sáng tạo trẻ cấp huyện, tỉnh và Quốc gia.
Nói về những thành công, thầy Tú chỉ khiêm nhường chia sẻ: “Được đồng nghiệp và học sinh tin tưởng tôi càng phải nỗ lực trong chuyên môn, học hỏi thế hệ đi trước để tìm ra nhiều hơn các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường cũng như hoàn thành tốt công việc hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học...”.
Vượt khó khăn bằng đam mê
Có thể thấy, cũng như nhiều giáo viên làm công tác hướng dẫn NCKH, để giúp học sinh đạt thành công trên các “sân chơi” trí tuệ thầy Tú đối diện nhiều khó khăn thử thách. Tuy nhiên, với sự đam mê, hết lòng vì học trò thầy Tú đã tìm ra cho mình hướng đi riêng.
Thầy Tú chia sẻ: “Bản thân đang giảng dạy đủ thời lượng trên lớp, cùng đó kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm nên thời gian dành cho hoạt động NCKH phải “tranh thủ” vào buổi tối hoặc ngày nghỉ cuối tuần của thầy và trò. Mặt khác hầu hết các dự án đòi hỏi thực nghiệm ngoài trời nên việc bố trí thời gian tham gia cùng học trò càng phải khoa học, linh hoạt để mọi việc đều trọn vẹn...”.
Khó khăn về cơ sở vật chất cũng là vấn đề đặt ra với người làm công tác hướng dẫn học sinh NCKH như thầy Tú. Dự án dù lớn hay nhỏ vẫn đòi hỏi có phòng nghiên cứu, trang thiết bị... Trong khi đó các điều kiện chung của trường còn thiếu thốn. Chính vì vậy, để thỏa mãn đam mê của học sinh với khoa học không chỉ huy động sự hỗ trợ từ phụ huynh, nhà trường mà giáo viên hướng dẫn cũng phải “đồng cam, cộng khổ” với các em.
Người thầy làm tốt công tác hướng dẫn thôi chưa đủ, còn cần nhạy bén trong việc phát hiện học sinh có ý tưởng hay, từ đó bồi đắp, hỗ trợ để phát triển thành các dự án có tính khả thi. Chính vì vậy, từ những cuộc thi sáng tạo trẻ do Đoàn thanh niên trường, huyện phát động, thầy Tú đều để tâm theo dõi để tìm kiếm, phát hiện được các nhân tố có năng lực, ý tưởng, đam mê khoa học để bồi dưỡng, phát triển…
Là người gắn bó nhiều năm với hướng dẫn học sinh NCKH thành công từ cấp tỉnh đến quốc gia, thầy Tú còn rút ra kinh nghiệm để thúc đẩy, nuôi dưỡng đam mê NCKH trong học trò, đó là thúc đẩy học sinh học tập, trao đổi ý tưởng, tiếp cận khoa học thông qua nhóm, câu lạc bộ giáo dục Stem nhà trường.
“Người thầy cần hết sức trân trọng ý tưởng học trò cho dù đâu đó còn những non nớt, thiếu trọn vẹn. Đồng hành hết mình cùng các em để tìm ra những hướng đi, cách đưa kiến thức vào thực tiễn phù hợp…”, Thầy Tú trao đổi.
Kinh nghiệm từ quá trình hướng dẫn học sinh NCKH cũng được thầy Tú rút ra đó là giáo viên chỉ làm nhiệm vụ định hướng, gợi mở triển khai đề tài. Chỗ nào vướng mắc thì hướng dẫn học trò tìm thêm thông tin từ các nguồn kênh khác nhau để hoàn thiện chứ tuyệt đối không làm thay, làm hộ.
Quá trình hỗ trợ học trò, nhiều khi quan điểm khoa học của thầy và trò đôi khi không gặp nhau, thậm chí mâu thuẫn đối lập. Nhưng người thầy vẫn cần tôn trọng ý kiến, tránh phủ nhận sạch trơn khiến các em tự ti với kiến thức của mình. Dùng kết quả cuối cùng làm câu trả lời để các em thấy được đúng hay sai ở đầu, cái gì thiếu cần điều chỉnh...
“Trong hướng dẫn NCKH một đề tài thì vai trò của thầy giáo chỉ nên đóng 30%, 70% phải của học trò. Nhiều khi đi theo hướng của thầy thì thất bại nhưng của học trò lại thành công. Những vấn đề học sinh chưa thành thạo, không có kinh nghiệm, mang tính hàn lâm… thì giáo viên có thể hỗ trợ, hướng dẫn, gợi ý. Dù bằng phương pháp nào thì vẫn phải để học sinh chủ động và tự học, tự hành…”, thầy Tú trao đổi.
Thầy Lê Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình) khi trao đổi về thầy Nguyễn Mạnh Tú cũng khẳng định: Thành công của các dự án NCKH của học sinh nhà trường trong nhiều năm gần đây có sự đóng góp công sức lớn của thầy Nguyễn Mạnh Tú.
Với sự đam mê cùng NCKH, tận tình với học trò… thầy Tú đã thổi lên “ngọn lửa” đam mê NKCH cho học sinh toàn trường. Tất cả những công việc chuyên môn, đặc biệt hướng dẫn học sinh NCKH khi giao cho thầy Tú đều có sự yên tâm, đảm bảo về chuyên môn lẫn tinh thần trách nhiệm…
"Thời gian tới cùng với thành công mà thầy Tú đã hỗ trợ học sinh đạt được trong NCKH, nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh để gặt hai nhiều thành tích cao hơn nữa. Sẽ chú trọng khuyến khích, giáo viên học sinh tham gia, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thời gian nghiên cứu (kể cả ngoài giờ học);
Mặt khác sẽ quan tâm đặc biệt đến việc cho học sinh thực hành để có minh chứng khoa học thuyết phục cho sản phẩm dự thi. Đặt ra yêu cầu cao trong việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa thực hành và lý thuyết, lấy thực hành để khẳng định lại lý thuyết với học sinh khi tham gia NCKH…", thầy Lê Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình) trao đổi.