Điểm thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn 2024: 'Trúng tủ' nhưng quên 'chìa khóa'

GD&TĐ - Kết thúc buổi thi môn Ngữ văn, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, nhiều thí sinh vui mừng vì “trúng tủ” đoạn thơ trong bài thơ “Đất nước”.

Cán bộ coi thi gọi thí sinh vào phòng thi môn Ngữ văn tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Hiền. Ảnh: PV
Cán bộ coi thi gọi thí sinh vào phòng thi môn Ngữ văn tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Hiền. Ảnh: PV

Thế nhưng, kết quả chấm thi tại một số địa phương cho thấy, điểm thi không cao như kỳ vọng. Với môn Ngữ văn, việc học sinh “trúng tủ” các tác phẩm văn học làm ngữ liệu trong đề hay viết dài không đồng nghĩa với điểm cao nếu không làm đúng trọng tâm yêu cầu của đề thi.

Kiểm tra khả năng hiểu đề của thí sinh

Thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi - giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM đánh giá, đề Ngữ văn năm nay coi trọng tính an toàn, dù vậy sự phân hóa của đề thi vẫn được đảm bảo, chủ yếu nằm ở câu hỏi số 3 của phần đọc hiểu, cách triển khai các ý trong phần nghị luận xã hội và nội dung nhận xét ngắn ở phần nghị luận văn học. Dự kiến điểm thi tập trung quanh ngưỡng từ 6,5 - 7,0 điểm.

Cô Hồ Thị Tâm - giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Quốc học (Thừa Thiên Huế) cho biết: “Với môn Ngữ văn, không chỉ dừng lại ở việc cảm nhận tác phẩm văn học, mà còn kiểm tra kiến thức của học sinh về khả năng đọc - hiểu, ngữ pháp, cách diễn đạt, vận dụng từ ngữ, ngữ cảnh…

Phần này, cần phải có kiến thức và học sinh không tự bịa được; dù viết dài nhưng không đúng trọng tâm câu hỏi thì vẫn không có điểm”. Thế nên, nhiều thí sinh bị mất điểm ở ngay phần đọc – hiểu, tưởng như là những câu hỏi dễ ăn điểm nhất. Các lỗi thí sinh thường mắc phải là trả lời thừa hoặc thiếu quá nhiều, không đúng nội dung ngữ liệu trong đoạn trích.

Khi ra đề, nhóm ra đề phải tính toán học sinh xử lý được đề trong khoảng thời gian làm bài là 120 phút cho toàn bộ 6 câu hỏi: 4 câu đọc hiểu, 1 câu nghị luận xã hội và 1 câu nghị luận văn học. Hướng dẫn chấm cũng có các ý rất rõ. Vì suy nghĩ viết dài là điểm cao nên nhiều bài sa vào tán hươu tán vượn. Có những ý chỉ 0,25 điểm nhưng có em viết hơn cả trang giấy, như vậy là sự lãng phí về thời gian lẫn công sức và nguy cơ ảnh hưởng đến bố cục toàn bộ bài thi.

Thầy Nguyễn Đình Hòa - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ thông tin và cho rằng: Một “chiêu” cũng được nhiều học sinh lựa chọn là sử dụng kiến thức lý luận văn học, trích dẫn nhiều ý kiến của các nhà phê bình, nhà thơ lớn hoặc trích dẫn đoạn thơ của tác phẩm khác để so sánh, đối chiếu.

“Việc sử dụng lý luận văn học và trích dẫn ý kiến nếu hợp lý thì rất tốt, nhưng nếu không sẽ “chướng tai”, cảm giác bài viết “nổ” quá mức. Chưa kể các em phải học thuộc lòng nhiều kiến thức chỉ để chép lại làm “sang” cho bài văn. Tổng mục điểm cho phần trích dẫn, lý luận... được tính cho điểm sáng tạo chỉ là 0,5 điểm. Chính vì thế, viết dài không đồng nghĩa với điểm cao”, thầy Hòa nhận định.

trung tu nhung quen chia khoa (2).jpg
Thí sinh thi môn Ngữ văn, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, điểm thi Trường THPT Nguyễn Hiền (TP Đà Nẵng). Ảnh: PV

“Sập bẫy” vì văn mẫu

Năm nay, nhiều học sinh cho biết trúng tủ bài thơ “Đất nước”, trích trong chương V của trường ca “Mặt đường khát vọng” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Tuy nhiên, giữa trúng tủ với điểm cao là một khoảng cách đáng kể.

Thí sinh Lê Hoa Thủy Tiên, Trường THPT Nguyễn Hiền (TP Đà Nẵng) nhận xét: “Đề Ngữ văn đã chọn một đoạn trích rất hay, giàu chất thơ trong bài “Đất nước”. Câu hỏi phần nghị luận văn học có 2 yêu cầu, nếu thí sinh không biết cân đối thời gian làm bài thì dễ sa đà vào việc phân tích mà không dành “đất” cho phần nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của tác giả thể hiện trong đoạn trích”.

Em Nguyễn Khánh Toàn, dự thi tại điểm thi Trường THPT Trần Phú cho biết chủ yếu tập trung phân tích đoạn thơ. “Phần nêu đặc điểm phong cách của tác giả và vận dụng để chỉ ra nét đặc trưng để thể hiện trong đoạn thơ, em không còn thời gian nên chỉ viết được mấy dòng, chắc bị mất điểm nhiều”, Toàn nói.

Nhưng năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã đổi mới cách ra đề của môn Ngữ văn trên ngữ liệu của chương trình cũ. Theo thầy Nguyễn Đình Hòa, năm nay, học sinh chủ yếu trúng tủ 9 câu đầu của bài thơ, nhưng đề thi yêu cầu nhiều hơn thế. “Với học sinh học tốt vẫn có thể triển khai liền mạch các câu thơ ngoài đoạn thơ đã cho, nhưng còn các em học yếu thì khó mà triển khai hoặc chỉ làm qua loa, không liền mạch.

Câu lệnh đi kèm như một câu hỏi phân loại yêu cầu học sinh phải nắm vững đặc điểm phong cách thơ của Nguyễn Khoa Điềm cũng như xử lý ngữ liệu theo hướng bám sát yêu cầu của đề. Đây là đoạn thơ hay có nhiều điều để phân tích từ nội dung đến nghệ thuật và nhiều người cứ suy nghĩ viết dài thì điểm cao. Thực tế không hoàn toàn như vậy. Để được điểm cao, học sinh cần nắm chắc yêu cầu của đề, bám vào đó để khai thác đoạn thơ và hướng bài viết đến giải quyết câu lệnh đi kèm”.

Một giáo viên chấm thi môn Ngữ văn ở Thừa Thiên Huế nhận xét, có những bài thi, thí sinh làm 6 - 8 trang giấy nhưng cũng chỉ được 6 - 7 điểm. Ngược lại, có bài thi chỉ làm 5 trang giấy nhưng vẫn được 8 điểm. “Có bài làm, đọc là biết các em học văn mẫu, nhớ đến đâu chép đến đấy vì phân tích đoạn thơ không bám sát yêu cầu của đề. Phụ thuộc quá nhiều vào văn mẫu, chỉ học thuộc “vỏ ngôn ngữ” nhưng không có kỹ năng phân tích và diễn đạt nên đề yêu cầu một đường các em làm một nẻo, không đúng trọng tâm là dễ hiểu”, giáo viên này cho biết.

“Theo tôi, bài viết tốt cho đề thi Ngữ văn năm nay chỉ nằm trong khoảng 6 - 8 trang giấy thi. Một phần do ngữ liệu cần phân tích khá dài, một phần khi phân tích thơ, các em phải trích dẫn chiếm khá nhiều dòng nên bài viết tăng độ dài lên. Tính riêng cho phần bài nghị luận văn học thì bài viết tốt sẽ dài tầm 4 - 6 trang, tùy vào cách xử lý đề và lối viết văn của học sinh”, thầy Nguyễn Đình Hòa thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.