Dấu ấn tốt đẹp sau buổi thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

GD&TĐ - Buổi thi đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, trên hết là ra an toàn, trật tự, nghiêm túc, đúng Quy chế.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi tại Điểm thi Trường THPT Chuyên Biên Hòa, Hà Nam đầu giờ sáng 27/6. Ảnh: Xuân Phú.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi tại Điểm thi Trường THPT Chuyên Biên Hòa, Hà Nam đầu giờ sáng 27/6. Ảnh: Xuân Phú.

Thí sinh hào hứng với đề Ngữ văn

Em thích nhất phần nghị luận về tôn trọng cá tính (câu 1, phần II).

Thí sinh Nguyễn Quế Như.

Theo quy định, Ngữ văn là môn thi duy nhất thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi. Thí sinh phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp trước khi ra khỏi phòng thi.

Là một trong những thí sinh hoàn thành bài thi sớm, thí sinh Nguyễn Thị Hương Quỳnh, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Bố Trạch, Quảng Bình) tự tin sẽ đạt từ điểm khá trở lên.

“Em ôn kỹ các tác phẩm không học tủ nên với tác phẩm Đất Nước, em không lo lắng lắm. Để hoàn thành cả bài, em mất khoảng 90 phút và tự tin sẽ đạt được từ 8 điểm”, Hương Quỳnh bộc bạch.

Học sinh trường THPT Chiềng Sinh cười vui vẻ sau khi kết thúc môn thi Ngữ Văn.

Học sinh trường THPT Chiềng Sinh cười vui vẻ sau khi kết thúc môn thi Ngữ Văn.

Vừa bước ra từ trường thi, thí sinh Nguyễn Quế Như, học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (TP Cần Thơ) chia sẻ, đề thi Ngữ văn năm nay vừa lạ, vừa quen vì có cả ngữ liệu trong và ngoài sách giáo khoa.

Riêng phần làm văn, Quế Như cho biết, bài thơ Đất nước của tác giả Nguyễn Khoa Điềm rất quen thuộc. “Em và các bạn chuẩn bị khá kỹ về kiến thức nên yên tâm. Câu này chiếm 5 điểm nên em tập trung làm bài thi thật chu đáo, đúng trọng tâm để đạt được điểm cao” – Quế Như bộc bạch.

Tại điểm thi Trường THPT huyện Sông Mã (Sơn La), thí sinh Lò Phương Trang, tươi cười chia sẻ: “Đề thi môn Ngữ văn khá hay, không trừu tượng. Em thấy rất dễ làm. Em rất thích phần đọc hiểu và nghị luận xã hội. Về phần làm văn, Đất Nước là một tác phẩm quen thuộc, em ôn luyện kỹ từ trước kỳ thi bắt đầu. Trong các câu hỏi ở đề thi em đều làm bài rất tốt. Em tự đánh giá sẽ đạt 9 điểm môn thi đầu tiên này”.

Thí sinh ở Quảng Nam tươi cười sau khi thi môn Ngữ văn.

Thí sinh ở Quảng Nam tươi cười sau khi thi môn Ngữ văn.

Nhiều điều thú vị từ đề thi

"Đề thi năm nay vừa sức và phần đọc hiểu, nghị luận xã hội khá hay, học sinh cần thể hiện được tư duy mạch lạc nhất quán xuyên suốt giữa các phần thi" - cô Lê Thị Tình.

Về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 môn Ngữ văn, cô Lê Thị Tình - giáo viên Ngữ văn trường hệ thống giáo dục Alpha – nhận định: Đề thi theo form truyền thống và thí sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2006 khá quen thuộc với kết cấu dạng đề thi này.

Phần đọc hiểu đã đưa vào một ngữ liệu rất hay, nhưng cũng khá khó vì thiên về kiến thức lý luận văn học. Từ câu chuyện dòng chảy của con sông, từng giọt nước trong đại dương để liên hệ về lối sống, gợi dẫn cho thí sinh nhiều suy ngẫm về cuộc sống, đặc biệt trong thời đại chủ nghĩa cá nhân đang lên ngôi. Đây là điểm rất ấn tượng của đề thi Ngữ văn, phần đọc hiểu năm nay.

Phần đoạn văn nghị luận xã hội tiếp tục khai thác vấn đề tôn trọng cá tính. Nếu thí sinh không có tư duy mạch lạc rất dễ bị rơi vào mâu thuẫn lập luận với câu 4 phần I. Bởi lẽ con người vừa phải giữ được cá tính vừa phải là giọt nước hoà vào đại dương bao la. Đó là sự cân bằng của cuộc sống.

Phần nghị luận văn học vào bài thơ Đất Nước và đây là phần rất trọng tâm của bài thơ nên thí sinh có thể làm tốt.

Thanh niên tình nguyện có mặt ở tất cả các điểm thi, sẵn sàng "tiếp sức" cho thí sinh.

Thanh niên tình nguyện có mặt ở tất cả các điểm thi, sẵn sàng "tiếp sức" cho thí sinh.

Theo thầy Cao Xuân Lương, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Hoàng Diệu (Sóc Trăng), đề thi năm nay không quá khó. Phần đọc hiểu thí sinh dễ lấy điểm vì các em đã quen với các dạng này.

Bài Nghị luận xã hội rất thú vị khi bàn về tôn trọng cá tính là vấn đề các em rất quan tâm và mong người lớn tôn trọng cá tính của các em.

Riêng bài làm văn không khó vì đây là đoạn thơ thí sinh dễ cảm nhận được nội dung vì quá thiết thực, gần gũi với các em. Chắc chắn thí sinh sẽ hiểu được nghệ thuật của tác giả thể hiện trong đoạn thơ này. Giáo viên dạy ở lớp cũng ôn tập rất kỹ...

Cán bộ coi thi kiểm tra hồ sơ thí sinh dự thi tại Đắk Lắk. (Ảnh: TT).

Cán bộ coi thi kiểm tra hồ sơ thí sinh dự thi tại Đắk Lắk. (Ảnh: TT).

Cả xã hội “chung tay”

Buổi thi đầu tiên còn để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp về hình ảnh áo xanh tình nguyện đồng hành cùng sĩ tử, cùng với đó là những hoạt động “tiếp sức mùa thi” cho thí sinh bằng tinh thần “vượt nắng, thắng mưa” của Công an TP Hà Nội.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT được nhân dân, phụ huynh rất quan tâm. Nhiều địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết tâm không để thí sinh nào phải bỏ thi vì khó khăn.

Gần 23.500 thí sinh của Hải Dương đã hoàn thành thi môn Ngữ văn. Sở GD&ĐT đã điều động gần 3.300 cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành và cơ quan phối hợp làm nhiệm vụ tại 45 Điểm thi, đảm bảo đúng, đủ cơ cấu, thành phần và số lượng theo quy định.

Ông Đỗ Duy Hưng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương cho biết, ngoài lực lượng cán bộ coi thi và giám sát, thanh tra do Sở điều động còn có sự tham gia của cán bộ, giáo viên các trường đại học làm nhiệm vụ giám sát trực tiếp tại các Điểm thi, các đoàn kiểm tra thi của tỉnh.

Bên cạnh đó, Hải Dương huy động 106 đội hình thanh niên tình nguyện tại 45 điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với hơn 2.100 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ thí sinh.

Thí sinh Hải Dương được thanh niên tình nguyện hướng dẫn, hỗ trợ nhiệt tình.

Thí sinh Hải Dương được thanh niên tình nguyện hướng dẫn, hỗ trợ nhiệt tình.

Nhằm đảm bảo điều kiện cho thí sinh ở các huyện hoàn thành tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Trường THCS-THPT Liên Việt Kon Tum (Kon Tum) sẵn sàng 200 chỗ ở miễn phí cho sĩ tử có nhu cầu.

Thầy Hiệu trưởng Lê Đắc Tường cho biết, nhà trường hỗ trợ chỗ ở, điện, nước miễn phí trong 3 ngày cho 200 thí sinh từ các huyện về dự thi tại trường. Qua đó, giúp thí sinh tiết kiệm chi phí, đảm bảo điều kiện ở sạch sẽ và an toàn để các em hoàn thành tốt kỳ thi.

Không những vậy, trường có 1 phòng y tế và 1 nhân viên y tế chuyên trách luôn túc trực, hỗ trợ cho các thí sinh. Đồng thời bố trí hệ thống chữa cháy cần thiết để sử dụng trong tình huống khẩn cấp.

CSGT tặng nước uống và động viên thí sinh.

CSGT tặng nước uống và động viên thí sinh.

Nhờ được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhà trường nên thí sinh Ngân Duy Chiến, người Thái, học sinh Trường THCS - THPT Kpă Klơng (Mang Yang, Gia Lai) có kinh phí tham dự kỳ thi.

Trường THCS - THPT Kpă Klơng kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ số tiền 100 triệu đồng để Chiến và em trai có kinh phí ăn, học và lo cho cuộc sống. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, nhà trường còn có 34 thí sinh người địa phương được UBND huyện hỗ trợ kinh phí 400.000 đồng/em để đi lại, ăn ở.

Qua kiểm tra một số Điểm thi tại tỉnh Hà Nam (sáng 27/6), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại địa phương được tiến hành chu đáo; từ cơ sở vật chất, công tác tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ cho đến hỗ trợ học sinh.

Bộ trưởng và đồng chí Bí thư tỉnh ủy Hà Nam động viên cán bộ làm công tác thi tại Điểm thi Trường THPT Chuyên Biên Hòa.

Bộ trưởng và đồng chí Bí thư tỉnh ủy Hà Nam động viên cán bộ làm công tác thi tại Điểm thi Trường THPT Chuyên Biên Hòa.

Bộ trưởng cho biết: Năm nay là kỳ thi cuối cùng của học sinh theo Chương trình GDPT 2006; cũng là lứa học sinh chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Trong xây dựng đề thi, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý đến việc sao cho phù hợp với những nội dung đã được tinh giản, phù hợp với quá trình dạy và học ứng phó với dịch bệnh. Đặc biệt, lưu ý làm sao đề thi có thể giúp học sinh phát huy tốt nhất năng lực, kỹ năng, kiến thức đã học và thể hiện tốt nhất trong bài thi của mình.

Trước câu hỏi “làm sao bảo đảm tính nghiêm minh ở tất cả các điểm thi trên cả nước, trong đó có những điểm thi ở vùng sâu, vùng xa?”, Bộ trưởng cho rằng, sự nghiêm minh được đảm bảo trong toàn bộ hệ thống; đó là qua cơ chế của việc tổ chức thi, hoạt động giám sát và tự giám sát.

Cùng với ngành Giáo dục, chính quyền địa phương, UBND các tỉnh, lực lượng công an, thanh tra, các sở ngành đều cùng phối hợp, thực hiện đầy đủ Quy chế thi để bảo đảm tổ chức Kỳ thi nghiêm túc nhất.

Các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng chịu tác động của thời tiết đã rất chủ động trong việc hỗ trợ thí sinh di chuyển về các điểm thi sớm hơn và theo thông tin Bộ GD&ĐT nắm bắt được, cho đến đầu giờ sáng nay các địa phương có số lượng thí sinh về dự thi với tỷ lệ cao nhất.

Nhắn gửi tới hơn một triệu thí sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Bộ trưởng mong các em bình tĩnh, tự tin, thể hiện được mình một cách tốt nhất.

Theo báo cáo, tổng số thí sinh đăng ký dự thi môn Ngữ Văn là 1.054.601; tổng số thí sinh dự thi: 1.050.622 đạt tỷ lệ 99.62%.

Cả nước có 7 thí sinh vi phạm Quy chế thi; trong đó 3 thí sinh vì mang tài liệu và 4 thí sinh sử dụng điện thoại di động trong phòng thi. Không có cán bộ nào vi phạm Quy chế thi. Số lượng thí sinh vi phạm Quy chế như vậy giảm so với năm 2023 (năm 2023 buổi thi môn Ngữ Văn có 12 thí sinh vi phạm quy chế thi).

Đánh giá chung: Buổi thi Ngữ Văn diễn ra an toàn, trật tự, nghiêm túc, đúng Quy chế.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có 2.323 Điểm thi (tăng 51 Điểm thi so với Kỳ thi năm 2023), tổng số phòng thi là 45.149.

Chiều nay (27/6), từ 14h30, thí sinh làm bài thi môn Toán, thời gian 90 phút, theo hình thức trắc nghiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.