Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng bình tâm để kiểm chứng chương trình bằng cách đi vào thực tế dạy học ở lớp 10 – lớp đầu tiên của bậc THPT thực hiện chương trình mới.
Và sau hơn một năm triển khai, tôi nhận thấy có “những làn gió mới” mà chương trình thổi đến giáo viên và đặc biệt là cho học sinh là có thực.
Mục tiêu giáo dục đáp ứng được yêu cầu thực tiễn
Giáo dục luôn là chủ đề số một ở nhiều quốc gia. Các chính phủ trên toàn thế giới không ngừng thực hiện cải cách giáo dục để nâng cao nguồn nhân lực - là điều kiện tiên quyết để có nền kinh tế thịnh vượng, trang bị cho các thế hệ tương lai nền tảng văn hóa vững chắc, kiến tạo những phẩm chất, năng lực để thích ứng trước biến động của tự nhiên và xã hội.
Trong nhận thức chung đó, Việt Nam cũng không ngừng đổi mới giáo dục. Ngày 26/12/2018, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT về Chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục.
Mục tiêu đổi mới lần này là góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học; thay vì học xong chương trình, học sinh biết được những gì thì chương trình mới trả lời cho câu hỏi: Học xong chương trình, học sinh làm được gì? Như vậy, theo tôi, đây là thay đổi dũng cảm bởi nó đã cắt bỏ được chiếc “vòng kim cô” của dạy học nặng về truyền thụ, giáo huấn, nặng về lý thuyết và xem nhẹ thực hành.
Chương trình GDPT 2018 theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học cập nhật và vận dụng tri thức, kỹ năng qua đó hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất. Do vậy, nó đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn là học sinh sẽ “làm được” sau khi học.
Chương trình môn Ngữ văn được xây dựng, đổi mới theo mục tiêu chung đó. Qua một năm thực hiện, chúng tôi nhận thấy niềm hứng khởi trong công tác nghiên cứu, vận dụng các phương pháp tích cực khi dạy học được khơi lên mặc cho vẫn còn những biểu hiện bất đồng giữa luồng gió đổi mới.
Từ dễ đến khó và gần gũi với thời đại
Chương trình Ngữ văn 2006 được xây dựng trên cơ sở kết hợp trục lịch sử văn học và trục thể loại trong dạy đọc hiểu văn bản. Học sinh dễ theo dõi tác giả, tác phẩm tiêu biểu trong tiến trình lịch sử văn học là ưu điểm của kết cấu này. Thế nhưng, hạn chế lớn đi kèm là nội dung chồng chéo, trùng lặp và lớp nhỏ lại học những vấn đề khó hơn lớp lớn.
Cụ thể, học sinh lớp 10 phải học văn học trung đại Việt Nam với đặc trưng thi pháp và nội dung quá tầm. Lớp 12 lại học văn học cách mạng Việt Nam 1945 - 1975 với đặc điểm chung về nội dung và thi pháp sáng tác không quá khó để tiếp nhận.
Trong khi đó, Chương trình Ngữ văn 2018 dựa hẳn vào trục thể loại để dạy học giao tiếp (đọc, viết, nói, nghe) và dạy cảm thụ văn học. Văn bản văn học trong chương trình được lựa chọn để minh họa cho thể loại. Vì thế, người học sớm được tiếp cận với những văn bản văn học có giá trị nghệ thuật của giai đoạn trung đại bên cạnh hiện đại, trong thế đối chiếu, không đợi đến giai đoạn sau mới biết các văn bản đó.
Chẳng hạn, với thể loại truyện, học sinh lớp 10 học hai vấn đề: Sức hấp dẫn của truyện kể và quyền năng của người kể chuyện. Theo đó, học sinh tiếp cận các văn bản có giá trị: Tản Viên từ Phán sự lục (Nguyễn Dữ), Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân), Dưới bóng hoàng lan (Thạch Lam)… Quan trọng hơn, học sinh không bị rơi vào tình thế dành cả năm trời để học văn bản văn học của một giai đoạn.
Theo tiến trình văn học sử, nội dung chương trình Ngữ văn 12 hiện hành rơi vào giai đoạn từ 1945 đến nay, nhưng giai đoạn sau 1975 thì mờ nhạt, chủ yếu học thơ và truyện giai đoạn 1945 - 1975. Nền văn học ba mươi năm của nước nhà phục vụ cách mạng, cổ vũ chiến đấu; viết là thực hiện nhiệm vụ chính trị, tác phẩm ra đời để minh họa, làm vũ khí.
Vì thế, bao nhiêu tác phẩm vẫn ngần ấy nội dung; chưa kể giá trị nghệ thuật có những hạn chế nhất định. Mặt khác, thời đại ấy đã qua và nhiệm vụ đã hoàn thành, ngày nay vẫn dạy cầm vũ khí, tô hồng một chiều, cái kết lạc quan cách mạng... e rằng không còn phù hợp.
Còn với chương trình Ngữ văn mới, hướng đi được chọn là: Chỉ cần chọn tác phẩm tiêu biểu của giai đoạn đó phục vụ đọc hiểu thể loại, học sinh hiểu đặc trưng văn học cách mạng, hình thành phẩm chất năng lực; trả văn chương về đúng vị trí, văn bản văn học đa dạng và gần gũi với nhịp thở thời đại.
Học sinh Trường THPT Chuyên Hùng Vương (Gia Lai). Ảnh: INT |
Giáo viên tự do lựa chọn ngữ liệu
Dạy học là quá trình sáng tạo không ngừng của nhà giáo. Trước hết nó thể hiện ở ý tưởng thiết kế kế hoạch bài dạy sao cho vừa hấp dẫn người học vừa đạt được các mục tiêu cần đạt. Ngữ liệu mở là mảnh đất màu mỡ để giáo viên thoả sức sáng tạo. Đây cũng là điểm khác biệt lớn của chương trình Ngữ văn mới so với chương trình cũ.
Quyết định 404/QĐ-TTG năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” ghi rõ: “Chương trình mới phải xác định cụ thể nội dung và yêu cầu cần đạt đối với mỗi lớp nhưng không quá chi tiết để căn cứ vào chương trình biên soạn được nhiều sách giáo khoa”.
Theo tinh thần mở, không chỉ người biên soạn sách giáo khoa mà giáo viên cũng có quyền chọn văn bản làm ngữ liệu dạy học. Điều này giúp chương trình gắn với cuộc sống hơn, gần gũi với học sinh, tạo hứng thú cho việc học tập.
Với bài học Vẻ đẹp của thơ ca, giáo viên được quyền/ nên chọn các văn bản thơ của các tác giả đương đại như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Vi Thùy Linh… để giới thiệu với học sinh, phục vụ cho phần viết văn bản đánh giá một tác phẩm thơ.
Người học sẽ thấy rõ đội ngũ sáng tác phong phú hơn trước rất nhiều. Tiếng nói văn chương không còn xa lạ đến mức phải đau khổ: Học những điều này để làm gì? Văn chương tồn tại khi người đọc thích thú, chủ động lĩnh hội, diễn giải không ngừng bằng kinh nghiệm thẩm mỹ và trải nghiệm thực tiễn.
Giải quyết được bài toán “văn mẫu”
Đổi mới luôn là yêu cầu cấp thiết với mọi ngành nghề. Đổi mới giáo dục cấp thiết hơn bởi đó là con đường gần như duy nhất để toàn xã hội phát triển đi lên. Đổi mới môn Ngữ văn cũng nằm trong tính tất yếu của sự đổi mới. Chúng ta phải bình tâm nhìn thẳng vào những ưu điểm và cả hạn chế của cuộc đổi mới lần này, để từ đó phát huy ưu điểm, khắc phục tồn tại của chương trình. Nếu được như vậy, tôi tin rằng, không chỉ môn Ngữ văn mà tất cả môn học khác sẽ đạt được mục tiêu phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học.
Tính mở ngữ liệu sách giáo khoa đã đưa đến ngữ liệu mở ở đề kiểm tra/ đề thi. Đây là ưu điểm có tính cách mạng nhất, đáng trông đợi nhất của chương trình Ngữ văn mới. Nhờ đó, chấm dứt tình trạng văn mẫu, giáo viên phân tích sẵn cho học sinh chép rồi viết trả lại trong bài thi.
Chấm dứt tình trạng đoán đề, học tủ (biết chắc đề sẽ rơi vào từng đó tác phẩm thì cớ gì lại không học thuộc lòng, không tủ?). Chấm dứt tình trạng làm mới/ lách việc học tủ bằng cách phản khoa học - phi nghệ thuật: Cắt một đoạn văn bản tác phẩm, yêu cầu học sinh cảm nhận và khái quát những vấn đề quá lớn.
Tình trạng thi thế nào thì dạy học thế ấy cũng không còn đất sống. Toàn bộ quá trình dạy học là quá trình luyện thi, phục vụ cho việc giải những cái đề thiếu sáng tạo, lý giải những vấn đề rất self help - rèn luyện bản thân (phần đọc hiểu, nghị luận xã hội), học sinh không có được năng lực phẩm chất nào đáng kể ngoài việc học thuộc văn mẫu và giải đề theo mẫu có sẵn dần được khắc phục.
Sẽ có ý kiến cho rằng không bao giờ chấm dứt được tình trạng luyện thi, vì đề kiểu mới thì... luyện kiểu mới. Đúng, nhưng với dạng đề mở, không lấy ngữ liệu cố định ở sách giáo khoa, việc dạy học và luyện thi (nếu có) cũng không thể theo kiểu cóp - dán như đã từng.
Trong công trình Tác phẩm mở, Umberto Eco cho rằng, “Tính chất mở là điều kiện của mọi sự thưởng thức thẩm mỹ, và tất cả mọi hình thức thưởng thức, nếu mang giá trị thẩm mỹ, đều mở”. Ngữ liệu mở là cơ sở đầu tiên để mở trong tiếp nhận, thưởng thức. Chương trình Ngữ văn 2018 quyết liệt thực hiện điều này gần như là cuộc cách mạng để xóa bỏ “niềm đau dai dẳng”: Văn mẫu, học sinh cảm nhận tác phẩm bằng cách hiểu của thầy cô.
Nhìn về một hướng
Như đã nói, Chương trình Ngữ văn 2018 với nhiều điểm mới mang tính cách mạng đã thực hiện một năm ở bậc THPT nhưng vẫn còn những điểm bất cập. Nhưng đồng lòng nhìn về một hướng để giải quyết điều còn hạn chế mới là con đường sáng suốt.
Trước hết, mỗi giáo viên phải dũng cảm “chia tay” với cách dạy cũ – cách dạy thuyết giảng, dù biết rằng thay đổi một cách dạy quen thuộc là điều rất khó, nhưng chỉ có như thế mới đáp ứng được mục tiêu của chương trình mới.
Mặt khác, giáo viên cũng phải hiểu rõ rằng thay đổi phương pháp không có nghĩa là lạm dụng các phương tiện - kỹ thuật dạy học hiện đại. Cụ thể như phương pháp thảo luận nhóm, phiếu học tập, sơ đồ tư duy, sân khấu hóa... đang bị lạm dụng/sử dụng sai cách, góp phần phá hỏng tiết dạy học văn.
Thảo luận nhóm chỉ sử dụng khi vấn đề có thể nảy sinh tranh luận trái chiều, không thể thảo luận nhóm về một đơn vị kiến thức có sẵn, không thể chia bốn khổ thơ cho bốn tổ thảo luận rồi lần lượt trình bày. Sơ đồ tư duy dùng tùy tiện làm tiêu tốn thời gian và rối não.
Sân khấu hóa chỉ nên dùng cho ngoại khóa. Chúng ta hào hứng với cái mới, nhưng phải nghiên cứu dùng đúng chỗ, dùng như thế nào cho hiệu quả. Sẽ là lo ngại nếu tiết dạy thật ồn ào với bao phương tiện - kỹ thuật mà lại rất rỗng, vô hồn, nặng nề.