“Điểm sàn” ngành đào tạo giáo viên tăng 0,5 so với năm 2020

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT quyết định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên từ 17 đến 19 điểm (tuỳ từng nhóm ngành), tăng 0,5 điểm so với năm 2020.

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet

Hội đồng tư vấn xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học và ngành giáo dục mầm non trình độ cao đẳng năm 2021 đã đề xuất mức điểm xét tuyển cho khối ngành sư phạm.

Cụ thể, ngưỡng đảm bảo chất lượng các ngành Sư phạm trình độ đại học là 19 điểm.

Ngưỡng đảm bảo chất lượng trình độ đại học các ngành Giáo dục thể chất, Huấn luyện thể thao, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật là 18 điểm.

Ngưỡng đảm bảo chất lượng ngành Sư phạm trình độ cao đẳng là 17 điểm.

Cơ sở xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào để tuyển sinh dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT của thí sinh và yêu cầu về chất lượng đối với nguồn tuyển.

Trao đổi về “điểm sàn” 2021 nhóm ngành đào tạo giáo viên, GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phân tích: Phổ điểm năm nay nhỉnh hơn năm ngoái. Số nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm tăng nên mức “điểm sàn” tăng hơn so với năm ngoái 0,5 điểm là hợp lý.

GS.TS Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh, chất lượng giáo dục không thể qua khỏi chất lượng của giáo viên. Vì vậy, một mặt chúng ta bảo đảm được chất lượng, nhưng mặt khác phải đáp ứng được số lượng. Hai yếu tố đó cần đồng thuận với nhau. Ngoài ra, khi quyết định mức điểm sàn, cũng phải tạo sự đồng thuận của xã hội, chứ không phải vì chỉ tiêu.

Phản biện với ý kiến cho rằng, “điểm sàn” thấp hơn năm ngoái sẽ dễ tuyển sinh hơn, GS Nguyễn Văn Minh viện dẫn: Năm ngoái, có những ngành của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội điểm trúng tuyển lên đến 28 điểm nhưng thí sinh nhập học đạt 100%; trong khi có ngành điểm trúng tuyển sát với điểm sàn nhưng tỷ lệ nhập học vẫn rất thấp. Điều đó cho thấy, “điểm sàn” phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không phải “điểm sàn” thấp là thu hút nhiều thí sinh xác nhận nhập học.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương cũng tác động đến số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào ngành Sư phạm. Vì thế, nếu để “điểm sàn” thấp hơn năm ngoái sẽ khó giải thích với xã hội.

Do vậy, một mặt chúng ta phải bảo đảm chất lượng nguồn tuyển, nhưng phải tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Bảo đảm cân bằng giữa chất lượng và số lượng là tốt nhất. 

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong giờ thực hành - thời điểm chưa có dịch Covid-19.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong giờ thực hành - thời điểm chưa có dịch Covid-19.

Đồng quan điểm, TS Trần Bá Tiến – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh đưa ra 3 lý do: Phổ điểm năm nay có nhỉnh hơn so với năm 2020; hệ số dôi dư (số thí sinh trên ngưỡng/tổng chỉ tiêu) năm 2021 khá cao.

Ngoài ra, Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương có tác động đến việc thu hút thí sinh vào ngành Sư phạm, nhất là một số thí sinh giỏi. “Đây là những lý do để chúng ta quyết định tăng 0,5 điểm so với năm 2020 ở các nhóm ngành đào tạo giáo viên” -  nhấn mạnh.

Thống nhất với phương án tăng 0,5 điểm ở các nhóm đào tạo giáo viên so với năm ngoái, ThS Nguyễn Ngọc Thành – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk cho rằng, đây là phương án đẹp, sát thực tế và hợp lý cho cả các trường cao đẳng đào tạo giáo viên mầm non.

Với mức điểm này, sẽ góp phần tăng chất lượng đầu vào và chất lượng đào tạo của ngành sư phạm nói chung; đồng thời có cơ sở để giải trình với xã hội.

Năm 2019, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành này là từ 14 đến 18 điểm (theo thứ tự: Trung cấp, cao đẳng, đại học). Năm 2020, “điểm sàn” nhóm ngành này từ 16,5 đến 18,5 điểm (theo thứ tự cao đẳng, đại học).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ