Các sơ sở đào tạo giáo viên có điểm đầu vào cao chưa từng thấy. Thay vì "chuột chạy cùng sào mới vào SP”, khi đó, nhiều trường SP đã tuyển được những HS tốt nhất.
Nhưng, cùng với sự thay đổi của đời sống kinh tế xã hội, chính sách này bắt đầu nảy sinh bất cập. Việc đáp ứng được học phí cho con đi học không còn là nỗi lo của nhiều gia đình; Thu hút HS giỏi bằng miễn học phí đã không còn nhiều tác dụng. Bên cạnh đó, SV SP ra trường khó kiếm việc làm, lương thấp, áp lực công việc cao, cộng với đãi ngộ và vị thế của giáo viên không còn được đánh giá đúng mức là rào cản lớn trong thu hút người giỏi vào SP, cũng như thu hút nhân lực có tiềm năng trở thành nhà giáo… Chính sách miễn học phí đối với HSSV SP có thể nói đã hết “vai trò lịch sử”, cần một chính sách phù hợp hơn để thay thế.
Bởi vậy, Luật Giáo dục 2019 đã thay đổi chính sách không thu học phí thành hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt cho HSSV SP trong toàn khóa học. Sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp, nếu không công tác trong ngành Giáo dục, hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ.
Sự thay đổi nói trên đã khắc phục được hạn chế trong chính sách miễn học phí thời gian qua như: Gây lãng phí ngân sách Nhà nước do SV ra trường không làm đúng ngành; Việc cấp chi thường xuyên cho cơ sở đào tạo SP còn hạn chế, trong khi các trường không được thu học phí, dẫn đến thiếu nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo SP, đặc biệt trong nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường.
Hướng dẫn cụ thể nội dung này trong Luật, Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với HSSV SP. Hiện Dự thảo đang được công bố xin ý kiến góp ý rộng rãi.
Nhìn chung, chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đều được giáo viên, SV, phụ huynh đánh giá có ảnh hưởng nhiều đến các phương diện. Trong đó, tác động được đánh giá ảnh hưởng nhiều nhất là hỗ trợ SV có điều kiện học tập tốt hơn, giảm gánh nặng tài chính cho SV, gia đình. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ học phí cũng khiến những người học SP cảm thấy nghề giáo được xã hội coi trọng, từ đó có khả năng lôi cuốn học sinh có năng lực và đối tượng yêu thích ngành SP nhưng không đủ năng lực tài chính lựa chọn theo học ngành này.
Với chính sách như dự thảo Nghị định, các cơ sở đào tạo giáo viên sẽ phải cạnh tranh về mức học phí trong tương quan với chất lượng đào tạo để thu hút SV; Nâng cao chất lượng đào tạo, tập trung phát triển cơ sở vật chất và thúc đẩy quá trình tự chủ, phát triển của nhà trường. Chính sách mới cũng sẽ góp phần khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, gây lãng phí ngân sách Nhà nước. Đồng thời, việc gắn trách nhiệm của địa phương sẽ giúp phương án thu hồi, hoàn trả kinh phí bồi hoàn thuận lợi, khả thi.
Theo nhiều chuyên gia, chính sách mới với HSSV SP phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, để chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống, sự chuẩn bị và tâm thế sẵn sàng đón nhận của các trường sư phạm là vô cùng quan trọng. Chính sách này cũng đòi hỏi sự nghiêm túc của người học trong chọn ngành, bởi sự hỗ trợ chỉ miễn phí hoàn toàn khi người học sau khi ra trường làm trong ngành Giáo dục.