Điểm sàn cho tuyển dụng giáo viên

(GD&TĐ) - Trong 2 tháng 7 và 8, các tỉnh, thành đều tổ chức tuyển dụng giáo viên. Dư luận lại được dịp "nóng" về những điểm này, điểm khác trong quá trình thi tuyển hay xét tuyển.

Chẳng hạn như trục trặc trong đợt làm lại hồ sơ xét tuyển viên chức tại Vĩnh Phúc do hiểu câu chữ "điểm trung bình cộng" trong nghị định 29/2012/NĐ-CP chưa chính xác, hay tuyển dụng giáo viên trái ngành dạy tiểu học ở Đà Nẵng; áp dụng hình thức xét tuyển đặc cách tại Hà Nội...

Trong thực tế, không phải tới bây giờ mà đã từ nhiều năm qua, việc tuyển dụng giáo viên trở thành đề tài quan tâm của dư luận xã hội. Nhưng năm nay, sự quá tải lượng hồ sơ đăng ký tuyển dụng tỷ lệ nghịch với nhu cầu, chỉ tiêu tuyển dụng; độ chênh nhu cầu giáo viên văn hóa giữa các cấp học và cả một số mâu thuẫn, bất cập trong quy trình tuyển dụng ở nơi này, nơi khác đã đưa đến nhiều ý kiến phải bàn luận.

Chẳng hạn, tại TP Hồ Chí Minh, có trên 3.000 ứng viên đăng ký tuyển dụng giáo viên văn hóa các cấp học, nhưng chỉ tiêu giảm xuống chưa đầy con số 500. Nhiều tỉnh, thành không tuyển giáo viên THPT vì số lượng đã dư thừa, một số nơi có tuyển nhưng cũng nhỏ giọt. Đà Nẵng chỉ có 10 chỉ tiêu GV THPT nhưng có tới 200 hồ sơ nộp (tới thời điểm kết thúc nhận ngày 7/8 mới đây). 

Điều đáng nói là tất cả những ý kiến gây tranh cãi đều hướng tới vấn đề chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu xã hội. Liệu khi cánh cửa tuyển dụng đã thu hẹp lại, các ứng viên được lọt vào bên trong có được sàng lọc kỹ lưỡng theo đúng các yêu cầu đã đặt ra, hay là lại dẫn tới những kẽ hở bởi nhiều lý do như thiếu khoa học, thiếu công bằng trong tổ chức thi, phỏng vấn xét tuyển, hay là để "lộ đề" ở những đường dây chạy chọt có tổ chức đang phát sinh ở một số địa phương. 

Ngay cả cách làm tưởng như có tính nhân đạo, mở ra cơ hội cho nhiều giáo viên muốn có được một chân công chức như ở Đà Nẵng, đó là các GV tốt nghiệp đại học ở bất cứ ngạch nào cũng có quyền được nộp hồ sơ dự tuyển ở ngạch giáo viên tiểu học cũng gây băn khoăn cho dư luận: Liệu những GV này có thể đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng, phương pháp dạy học ở một cấp học được coi là nền tảng phổ thông hay không? 

Còn một số ý kiến khác như sự chưa đồng bộ về chất lượng nguồn tuyển giữa địa phương này hay địa phương khác; một vài bất cập từ Nghị định 29 (do Bộ Nội vụ soạn thảo chịu trách nhiệm soạn thảo, chưa chặt chẽ so với Quy chế 25/2006 của Bộ GD&ĐT, chưa theo sát quy chế tính điểm theo đào tạo tín chỉ ở cơ sở đào tạo... ).

Cuối cùng, có 2 vấn đề đặt ra rất đáng lưu ý: Một là nên chăng có quy định điểm sàn về tuyển dụng giáo viên như quy định ở bậc đại học? Hai là nên chăng, quy chế tuyển dụng giáo viên, viên chức giao cho Bộ GD&ĐT, cơ quan chủ quản về chất lượng giáo dục chịu trách nhiệm soạn thảo, ban hành, chứ không phải là Bộ Nội vụ như từ trước tới nay! Việc nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đảm bảo cân đối giữa cung và cầu đang được đặc biệt chú ý trong quy hoạch phát triển ngành Sư phạm tới năm 2020.

Hồng Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ