Thực tiễn Việt Nam hiện nay, kinh phí chi cho giáo dục ĐH chủ yếu từ 2 nguồn là Nhà nước và người học.
Về nguồn ngân sách Nhà nước, công bố của Bộ GD&ĐT tại Hội nghị tự chủ ĐH năm 2022, từ tổng hợp số liệu trên hệ thống Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính, trong 3 năm gần đây, chi cho giáo dục ĐH còn hạn chế - chỉ đạt từ 4,33% - 4,74% tổng chi ngân sách cho lĩnh vực GD-ĐT; so với tổng chi ngân sách Nhà nước chiếm xấp xỉ khoảng 1% (từ 0,9% - 0,96%).
Giai đoạn 2018 - 2020, tỷ trọng chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục ĐH của Việt Nam tăng từ 0,25% lên 0,27% GDP là vô cùng khiêm tốn, thấp hơn nhiều các nước trong khu vực và thế giới.
Thống kê cho thấy, chi đầu tư cho giáo dục ĐH tính trên GDP chiếm ít nhất 1% GDP ở nhiều quốc gia (Hàn Quốc và Singapore 1%; Maylaysia 1,13%; Pháp 1,25%; Anh 1,29%; Úc 1,54%; New Zealand 1,63%; Phần Lan 1,89%...). Nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, tỷ trọng chi cho giáo dục ĐH cũng lớn hơn đáng kể so với Việt Nam.
Số liệu của Ngân hàng Thế giới và thống kê của UNESCO năm 2018, mức chi của ngân sách Nhà nước cho mỗi sinh viên ĐH Việt Nam (năm 2013) chỉ đạt 1.749 USD (giá cố định). Trong khi đó, số liệu của các nước năm 2014 là: Indonesia đạt 2.058 USD/sinh viên, Malaysia là 7.293 USD/sinh viên, Hàn Quốc là 5.128 USD/sinh viên…
Ngân sách Nhà nước cơ bản chỉ đáp ứng chi tiền lương và thường xuyên, nguồn chi hoạt động chuyên môn thấp, kinh phí tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo và đổi mới sáng tạo hạn chế.
Khi các cơ quan chủ quản cắt giảm kinh phí (cắt giảm ngay, có lộ trình, mức đầu tư thấp) nhiều trường gặp khó khăn trong vận hành, đầu tư phát triển, giữ giảng viên giỏi. Giải pháp không ít trường buộc phải làm là mở rộng quy mô tuyển sinh và tăng học phí; dẫn đến các điều kiện bảo đảm chất lượng thực hiện đào tạo (giảng viên, cơ sở vật chất) không theo kịp.
Về học phí, các trường ĐH công lập được giao tự chủ nhưng phải tuân thủ mức trần học phí do Nhà nước quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định 81/2021/NĐCP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo thay thế cho Nghị định số 86/2015/NĐ-CP.
Tuy nhiên, 3 năm qua (2021, 2022, 2023), Chính phủ yêu cầu các trường ĐH, địa phương không tăng học phí so với năm 2020 nhằm hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng nặng nề trong và sau dịch Covid-19. Điều này có nghĩa là lộ trình học phí theo Nghị định 81 kể từ khi ban hành năm 2021 đến nay chưa được áp dụng.
Các trường ĐH và chuyên gia đều mong muốn, khuyến nghị tăng cường đầu tư tài chính, nguồn lực cho cơ sở giáo dục ĐH, nâng cao tỷ lệ chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục ĐH trong hoạt động giáo dục và đào tạo nói chung.
Các cơ sở giáo dục ĐH giai đoạn hiện nay rất cần Nhà nước tiếp tục đầu tư công thông qua chương trình, dự án để bảo đảm nguồn lực phát triển bền vững, thực hiện tự chủ ĐH thành công.
Cùng tăng huy động nguồn lực đầu tư từ Nhà nước, người học và xã hội - vấn đề then chốt đặt ra là thiết kế chính sách, cơ chế phân bổ ngân sách Nhà nước để tối ưu hóa hiệu quả đầu tư, qua đó nâng cao chất lượng cả hệ thống giáo dục ĐH.