Dịch tả lợn, dịch tả… mạng

GD&TĐ - Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho biết, đến ngày 13/3, đã có trên 17.000 con lợn của hơn 1.000 hộ tại 146 xã, 44 huyện, quận, thị xã phải tiêu hủy do nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đã có 15 tỉnh, thành phố, hầu hết là các tỉnh phía Bắc xuất hiện dịch bệnh này. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Con số trên đây sẽ tăng từng ngày, báo hiệu một gam màu xấu trong bức tranh chăn nuôi của cả nước, đặc biệt là ở lợn - vật nuôi vừa bị cơn bão rớt giá quét qua trong năm rồi khiến nhiều tổ chức xã hội phải kêu gọi cộng đồng vào cuộc để “giải cứu”.

Dù chưa có dấu hiệu gì về dịch lợn châu Phi xuất hiện ở các tỉnh phía Nam, song các tỉnh từ Quảng Trị trở vào đã nhanh chóng hình thành ban chỉ đạo chống dịch, kèm theo đó là lập các chốt chặn, kiểm tra gắt gao các xe tải chở lợn “trôi nổi” từ vùng bị dịch vào miền Nam.

Tin về dịch tả lợn châu Phi - dù không gây chết người, song thị trường tiêu thụ thịt lợn đã có phản ứng theo chiều hướng bất lợi cho người chăn nuôi. Ở các tỉnh, thành phố có dịch, người tiêu dùng phản ứng bằng cách quay lưng lại với thịt lợn - bất kể thịt “sạch” hay thịt trôi nổi - đã đành, các tỉnh không hề có dịch cũng bị vạ lây. Nhiều chợ đầu mối ở TPHCM - thị trường tiêu thụ thịt heo lớn nhất nước, đã giảm mỗi ngày cả nghìn con lợn do mức tiêu thụ chậm từ người tiêu dùng. Đặc biệt, ở những khu công nghiệp tập trung, nơi có lượng công nhân với những bếp ăn tập thể hàng nghìn người, nhiều ông chủ đã hủy các hợp đồng mua thịt lợn từ những mối hàng truyền thống trước đó mà chuyển qua mua thịt lợn nhập hoặc các loại thực phẩm thay thế khác.

Các cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo là dịch tả lợn châu Phi chỉ gây thiệt hại cho người chăn nuôi chứ không gây chết người như các loại dịch bệnh khác nhưng tâm lý bất an ở người dân là có thật. Bên cạnh những thông tin được Bộ NN&PTNT cập nhật hàng ngày về tình hình dịch bệnh là mạng xã hội cũng chẳng chịu kém chị, thua anh. Nhưng dịch lợn trên mạng xã hội mới kinh khủng làm sao! Hôm 12/3, trên một tài khoản mang tên Bảo Trân - Bảo Yến đã đưa thông tin kèm hình ảnh “ghê rợn” về dịch tả lợn châu Phi đã có mặt tại Cà Mau.

Chủ tài khoản Facebook này lên tiếng kêu gọi mọi người tẩy chay thịt lợn khiến chính quyền địa phương ở Cà Mau phải lập tức phản bác đồng thời đề nghị công an sớm vào cuộc điều tra xử lý chủ tài khoản Facebook này. Trước đó, một chủ fanpage có tên Đầm bầu Mami cũng tung lên mạng về dịch lợn châu Phi và kêu gọi mọi người tẩy chay thịt lợn. Những thông tin bịa đặt trên trang fanpage đã khiến chủ trang phải mất 20 triệu đồng tiền phạt về trò “nghịch dại” này. Tin giả mà bị phạt thật là vậy.

Các tin giả về dịch tả lợn châu Phi, chỉ trong tích tắc đã có hàng chục ngàn lượt chia sẻ, gây nên một “đại dịch” khác trong cộng đồng, đó là nỗi hoang mang của người dân trước những thông tin “kinh khiếp” về nạn dịch, bất luận cơ quan chuyên môn giải thích thế nào!

Các trang trại cũng như hộ chăn nuôi lợn riêng lẻ vừa thở phào hôm trước Tết Kỷ Hợi vì giá thịt lợn đã tăng trở lại và người chăn nuôi gỡ gạc chút đỉnh thì nay phải đối mặt với dịch, cả dịch lợn châu Phi lẫn “dịch” trên mạng xã hội. Đưa tin bậy bạ về dịch lợn châu Phi trên mạng như thế, thật quá nhẫn tâm!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.