Dịch Covid-19 nguy cơ tăng mạnh sau dịp nghỉ lễ 30/4

GD&TĐ - PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định, dịch Covid-19 sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt là trong và sau dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Chuyên gia khuyến cáo người dân thực hiện tốt việc tiêm vắc-xin theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế. Ảnh minh họa.
Chuyên gia khuyến cáo người dân thực hiện tốt việc tiêm vắc-xin theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế. Ảnh minh họa.

Bởi, thời điểm đó, người dân đi lại, du lịch, tiếp xúc rất nhiều. Điều đó sẽ khiến nguy cơ nhiễm bệnh tăng cao.

Nguyên nhân số ca mắc tăng

Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội tiếp tục tăng. 7 ngày qua, tính đến 24/4, thành phố ghi nhận 1.857 ca, tăng 1.137 so với cùng kỳ trước, trung bình mỗi ngày 265 ca. Riêng ngày 24/4 số mắc cao nhất, lên 411.

463 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện. Trong đó, 44 người phải hỗ trợ thở oxy, 381 ca triệu chứng trung bình, 377 người triệu chứng nhẹ. Ngoài ra, hơn 1.700 người cách ly, điều trị tại nhà.

Sở Y tế Hà Nội nhận định, số ca mắc mới có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, đặc biệt trong đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5, nhiều người về quê và trở lại thành phố sau đó, nguy cơ lây nhiễm cao.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Đắc Phu - chuyên gia cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện từ năm 2019 tới nay, chưa bao giờ chúng ta khẳng định dịch đã kết thúc.

Trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, SARS-CoV-2 vẫn đang lưu hành. Đồng thời, tạo ra những đợt dịch mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi là làn sóng dịch, mới đây nhất là tại Ấn Độ, Nhật Bản… Chính vì sự không ổn định này của Covid-19 mà WHO vẫn coi nó là sự kiện y tế khẩn cấp toàn cầu.

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng này, chuyên gia cho biết, hiện tại, miễn dịch trong cộng đồng đã giảm, kể cả miễn dịch từ vắc-xin hay ở những người từng mắc Covid-19.

Bên cạnh đó, mọi hoạt động đi lại, giao lưu, hội họp của người dân đều đã được nới lỏng. Trong khi đó, những biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang không còn được thực hiện một cách nghiêm ngặt.

“Trong bối cảnh rất nhiều người mắc Covid-19 không triệu chứng hay có triệu chứng nhẹ không xét nghiệm, không tự cách ly mà vẫn tham gia các sự kiện công cộng thì sự tiếp xúc giữa người nhiễm và người lành là điều khó kiểm soát và tạo thành sự lây lan rộng như hiện nay”, PGS Phu nhận định.

Một nguyên nhân khác nữa là do người dân chủ quan, lơ là. Nhiều người không còn đeo khẩu trang hay khử khuẩn. Nguyên nhân cuối cùng là do điều kiện thời tiết giao mùa, độ ẩm cao cũng là môi trường thuận lợi cho các loại virus lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có SARS-CoV-2 phát triển.

Chia sẻ về việc ghi nhận các biến chủng mới, theo PGS Trần Đắc Phu, về mặt bản chất, đó cũng đều là những biến thể của Omicron. Đây là biến chủng chủ đạo của Covid-19 trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

“Do đều là biến thể của biến chủng Omicron nên những biến thể này đều mang tính chất của nó. Đó là lây lan nhanh hơn các biến chủng trước như Delta… Tuy nhiên, nó không gây ra những triệu chứng nặng hơn những biến chủng khác. Phần lớn các ca mắc đều có triệu chứng nhẹ. Người mắc chủ yếu ở nhà tự điều trị. Từ đó, không gây quá tải hệ thống y tế”, PGS Phu đánh giá.

Ít khả năng bùng phát đợt dịch lớn

Nhận định về tình hình dịch bệnh trong thời gian tới, chuyên gia này cho rằng, Covid-19 sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt là trong và sau dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Bởi, thời điểm đó, người dân đi lại, du lịch, tiếp xúc rất nhiều. Điều đó sẽ khiến nguy cơ nhiễm bệnh tăng cao.

Tuy nhiên, PGS Phu nhận định, dịch ít có khả năng sẽ bùng phát một đợt lớn như tại TPHCM trước đây. Song, chúng ta vẫn cần luôn luôn theo dõi, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, không để quá tải hệ thống y tế. Trong đó, đặc biệt là bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương như người già, người có bệnh nền, chưa tiêm vắc-xin…

Chuyên gia này cho biết, dịch bệnh có nguy cơ sẽ tăng mạnh sau đợt nghỉ lễ này. Do vậy, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh. Trước hết, cần đeo khẩu trang ở những nơi nguy cơ cao như phòng kín, nơi đông người, khi tiếp xúc với những người có dấu hiệu nghi ngờ. Cần thực hiện tốt việc tiêm vắc-xin theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế, đặc biệt là ở nhóm người có nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền, người chưa chủng ngừa…

“Khi mắc bệnh, người dân cần liên hệ với cán bộ y tế để được tư vấn, hướng dẫn cần thiết trong việc theo dõi, điều trị. Covid-19 chưa mất hẳn. Nó luôn luôn có những diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, chúng ta vẫn cần thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch cho mình, gia đình và cả cộng đồng”, PGS.TS Trần Đắc Phu chia sẻ.

Trước đó, kết quả giải trình tự gene virus 22 mẫu bệnh phẩm Covid-19 tại Hà Nội cho thấy nhiều biến chủng phụ mới của Omicron đang chiếm ưu thế. Mẫu do Đơn vị thử nghiệm lâm sàng thuộc Đại học Oxford (OUCRU) và Bệnh viện Bạch Mai giải trình tự gene virus.

22 mẫu bệnh phẩm lấy ngày 4 - 12/4, gồm 14 mẫu của bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, 8 mẫu trong cộng đồng. Kết quả, 10 mẫu nhiễm XBB.1.5 (chiếm 45,5%), 5 mẫu chủng XBB.1.11.1 và 5 mẫu XBB.1.9.1 (đều gần 23%). Hai mẫu còn lại nhiễm biến chủng XBL và XBB.2.3.

Đây đều là những biến chủng mới xuất hiện và đang chiếm ưu thế trên thế giới. Trong đó, XBB.1.5 và XBB.1.9.1 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) theo dõi sát do tăng khả năng lây truyền và né tránh hệ miễn dịch. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng về sự gia tăng độc lực.

Đây là lần đầu tiên Hà Nội ghi nhận các chủng XBB.1.5, XBB.1.11.1, XBL, XBB.2.3. Tuần trước, Hà Nội đã phát hiện chủng XBB.1.9.1. Ngoài ra, Hà Nội vẫn ghi nhận một số biến chủng phụ khác của Omicron. Như vậy, theo Sở Y tế, 12 biến chủng đang lưu hành tại thành phố là BA.2, BA.4, BA.5, BN, BL, BE, BF, XBB.1.5, XBB.1.16, XBB.1.9, XBB.1.11, XBB.2.3.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.