Dịch bệnh và nỗi khổ của sinh viên năm cuối: Loay hoay tốt nghiệp giữa đại dịch

GD&TĐ - Nhiều sinh viên năm cuối tại các trường đại học bị trễ tiến độ tốt nghiệp do thực hiện giãn cách phòng dịch Covid-19 nên không thể hoàn thành chương trình.

Nguyễn Quốc Phúc gặp khó khi tìm nơi thực tập do dịch Covid-19.
Nguyễn Quốc Phúc gặp khó khi tìm nơi thực tập do dịch Covid-19.

Số khác không thể đi thực tập khi các doanh nghiệp chuyển sang làm việc trực tuyến.

Chậm tốt nghiệp

Với Nguyễn Kỳ Dung, sinh viên năm cuối khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, việc chưa thể tốt nghiệp vào tháng 6/2021 theo kế hoạch là tình huống “đặc biệt hi hữu”. Học kỳ II năm 2, Dung chuyển từ khoa Phát thanh – Truyền hình sang khoa Quan hệ quốc tế nên phải học bù một số môn chuyên ngành.

Tuy đã theo dõi sát sao lịch học và học bù gần hết các môn, nữ sinh vẫn không thể đăng ký môn cuối cùng do chưa có lớp ghép. Dung phải đợi đến tháng 10, khi nhà trường mở lớp của môn học này mới có thể theo học. Dự kiến, nữ sinh sẽ tốt nghiệp muộn 6 tháng so với bạn bè cùng lớp.

“Dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học và tốt nghiệp của em. Môn em phải học bù đáng lẽ sẽ học vào kỳ II năm 2020 hoặc kỳ I năm 2021 nhưng do dịch, các thầy cô Ban Quản lý Đào tạo của trường giảm bớt môn học trong 2 kỳ này khiến môn học của em bị lùi thời gian đến tháng 10”, Dung bày tỏ.

Trước khi tốt nghiệp, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền phải hoàn thành 4 chứng chỉ gồm Tiếng Anh, Tin học, Quốc phòng An ninh và Giáo dục thể chất. Ở chứng chỉ Tiếng Anh, Dung chọn thi TOEIC 4 kỹ năng. Kỳ thi được chia thành 2 buổi gồm thi Listening (kỹ năng Nghe), Reading (Đọc) và thi Speaking (Nói), Writing (Viết). Khi Hà Nội có quyết định giãn cách xã hội vào tháng 7/2021, Dung mới thi 2 kỹ năng thì trung tâm tạm đóng cửa. Nữ sinh dự kiến sẽ hoàn thành 2 kỹ năng còn lại vào năm 2022 để kịp nộp chứng chỉ trước khi tốt nghiệp.

Dung chia sẻ: “Em cảm thấy may mắn vì trong quá trình học được các thầy cô, nhà trường tạo điều kiện. Tuy nhiên, em hy vọng nhà trường có thể sắp xếp thời gian các môn học linh hoạt hơn vì phần lớn các bạn ra trường muộn đều do phải học lại nhưng không có lớp, đợi ghép lớp với những người chung hoàn cảnh. Em cũng mong nhà trường tổ chức nhiều đợt tốt nghiệp cho sinh viên vì một số bạn đã hoàn thành chương trình học nhưng phải đợi 2 - 3 tháng mới có đợt tốt nghiệp và mới nhận được bằng”.

Hội chợ việc làm năm 2019 tại Trường Đại học Cần Thơ
Hội chợ việc làm năm 2019 tại Trường Đại học Cần Thơ

“Méo mặt” tìm nơi thực tập

Còn Nguyễn Quốc Phúc, sinh viên năm cuối khoa Cầu đường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, từng loay hoay không biết phải thực tập ở đâu. Phúc kể, mọi năm các doanh nghiệp sẽ đến trường tuyển dụng sinh viên qua hình thức phỏng vấn hoặc đánh giá điểm số. Những bạn có điểm khá trở lên và phỏng vấn thành công có thể được nhận vào vị trí thực tập sinh.

Nhưng do dịch Covid-19, các dự án, công trình cầu đường bị đình trệ còn doanh nghiệp thắt chặt nhân sự nên không thể tuyển sinh viên thực tập. Nếu tuyển, sinh viên cũng ít có cơ hội thực hành. Do vậy, dù Phúc nộp đơn xin thực tập ở một số công ty xây dựng nhưng đa số không hồi âm. 1 - 2 công ty có phỏng vấn nhưng họ yêu cầu phải làm việc toàn thời gian trong khi sinh viên năm cuối còn một số môn dang dở trên trường nên không thể nhận lời.

Vì nhiều sinh viên như Phúc không thể thực tập, thầy cô đã tạo điều kiện bằng cách giao tài liệu và đề tài để sinh viên nghiên cứu. Thầy cô cũng hướng dẫn phương pháp làm việc và các công cụ trong môi trường xây dựng, qua đó sinh viên có thể làm quen với quy trình thực tế. Hết môn, sinh viên làm báo cáo và nộp lại cho nhà trường.

Cũng vì dịch bệnh nên Vũ Ngọc Hà, sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông, Hà Nội phải dừng việc thực tập tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Thời gian này, em tự học trên mạng, xem video thực hành và xin tài liệu ôn tập của các anh chị khoá trên. Nhưng Hà vẫn mong sớm được trở lại thực tập bởi đây là hoạt động học tập quan trọng, có thể ảnh hưởng đến tiến độ tốt nghiệp cũng như chuyên môn của em.

Nhận định dịch Covid-19 mang lại nhiều khó khăn cho các trường đại học và sinh viên, ThS Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Hỗ trợ và Khởi nghiệp Sinh viên, Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ: Thời gian qua, trung tâm đã tích cực là đầu mối tập trung, phối hợp tổ chức các hoạt động liên kết với doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ, nhằm tạo điều kiện thực tập, thực hành cho sinh viên.

Trung tâm sẽ phân loại các vị trí tuyển dụng, yêu cầu công việc phù hợp và gửi về từng khoa đào tạo; đồng thời, chia sẻ lên trang Facebook, website của trung tâm để sinh viên nắm bắt thông tin. Kế hoạch và nhiệm vụ cụ thể của đợt thực tập do các khoa đào tạo bàn bạc, thống nhất. Ngoài ra, sinh viên có thể tự tìm kiếm cơ hội thực tập tại địa phương.

ThS Thảo cho hay: Do dịch Covid-19, sự kiện hội chợ việc làm không thể tổ chức trực tiếp nên trung tâm đã kết nối các doanh nghiệp phỏng vấn sinh viên online qua phần mềm Zoom, Skype… Nhiều doanh nghiệp sáng tạo cho sinh viên tham quan online để tìm hiểu môi trường làm việc thực tế mà không cần trực tiếp đến công ty.

Tương tự, để tạo điều kiện giúp sinh viên nắm bắt cơ hội việc làm khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Trường Đại học Ngoại thương tổ chức sự kiện hướng nghiệp FTU Career Fair 2021 theo hình thức trực tuyến trong tháng 11, 12. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tăng số đợt xét tốt nghiệp để sinh viên có thể đăng ký bất kỳ thời gian nào khi đủ điều kiện.

Hàng năm, trung tâm có hoạt động hướng dẫn sinh viên kỹ năng xin việc như phỏng vấn, viết hồ sơ… kết nối sinh viên với mạng lưới cựu sinh viên. Trong năm học này, dù diễn biến dịch phức tạp, trung tâm vẫn cố gắng duy trì các hoạt động trên thông qua hình thức trực tuyến như tổ chức hội thảo online, đăng bài trên các phương tiện truyền thông để tiếp cận tối đa sinh viên. - ThS Nguyễn Thị Phương Thảo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.