Workshop sơn mài lần thứ nhất tại Đại học Kiến trúc Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Triển lãm kết quả Workshop vừa được khai mạc trưa 17/9/2022, tại ART Gallery của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Ban tổ chức và các tác giả.
Ban tổ chức và các tác giả.

Với 89 tác phẩm, 39 tác giả là các giảng viên nhà trường đã đưa “vàng son một thuở” về lại đời sống hiện đại hôm nay.

Thật ra, các triển lãm mỹ thuật của trường ĐH Kiến trúc HN đều như một sự “giao duyên” giữa truyền thống và hiện đại, giữa nghệ thuật hàn lâm và nghệ thuật đời sống. Triển lãm chuyên đề sơn mài lần này cũng vậy. Chất liệu sơn mài truyền thống đã được “hiện đại hóa” không chỉ bởi kỹ thuật, mà còn là ở ý tưởng sáng tạo của người nghệ sĩ để sử dụng chất liệu và kỹ thuật như là một phương tiện thể hiện tư tưởng của mình.

Hai chuyên gia và Hiệu trưởng Lê Quân

Hai chuyên gia và Hiệu trưởng Lê Quân

PGS-TS-Họa sĩ Lê Quân – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đây là lần đầu tiên, trường tổ chức một workshop về sơn mài và đã được giảng viên các khoa trong trường, kể cả những khoa thuần túy kỹ thuật, hào hứng tham gia. Kết quả của một tháng làm việc miệt mài với một chất liệu có những đòi hỏi khắt khe về cả kỹ và mỹ thuật, là những tác phẩm sơn mài với đủ cung bậc cảm xúc của tác giả có tác phẩm trưng bày hôm nay. Đặc biệt, có nhiều tác giả lần đầu tiên tiếp xúc với chất liệu đặc thù này, vậy mà đã khuất phục được sự “khó tính” của nó, tạo nên những tác phẩm có chiều sâu cả về nội dung và kỹ thuật thể hiện. Niềm đam mê và những hiểu biết ban đầu của họ về sơn mài cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia như họa sĩ Nguyễn Văn Bảng, PGS.TS Lê Văn Sửu đã làm nên thành công của triển lãm”.

Họa sĩ Nguyễn Văn Bảng là người đi cùng với workshop sơn mài từ những ngày đầu tạo tác đến phút cuối hình thành tác phẩm chia sẻ sự thú vị của mình khi làm việc với các tác giả - những kiến trúc sư, nhà thiết kế: “Có những tác giả chưa hề biết một chút gì về kỹ thuật sơn mài, nhưng vì đam mê với cái mới, họ đã quyết thử sức mình và rất nhiều người đã thành công. Họ thành công trước hết vì họ rất thoải mái về tâm lý sáng tác, không bị câu thúc bởi áp lực nào về chuyên môn cũng như các yếu tố khác. Và chính sự hồn nhiên ấy của họ đã góp phần tạo nên sự tươi mới, thăng hoa cho tác phẩm”.

Giảng viên Chu Kim Ngân và một tác phẩm của mình

Giảng viên Chu Kim Ngân và một tác phẩm của mình

Giảng viên Chu Kim Ngân (Khoa Đồ họa) là một trong những người làm nên sự tươi mới, thăng hoa ấy cho 4 tác phẩm của mình tham gia triển lãm. Cô tâm sự: “Em rất thích sơn mài nhưng vì dị ứng với sơn ta nên khi vào học mỹ thuật em đã phải chọn đồ họa. May gặp workshop sơn mài do chính trường mình tổ chức, lại được nhà trường “tài trợ” tất cả các loại vóc với đủ các công năng ứng dụng khác nhau, muốn thử sức mình, nên em tham gia. Và quả là các tác giả tha hồ thể hiện ý tưởng của mình. 4 tác phẩm của em là 4 loại vóc đó: làm tranh treo tường, lọ trang trí, hộp tròn, tượng giả cổ”.

Triển lãm kết quả workshop sơn mài nằm trong một chuỗi các hoạt động của Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội mừng kỷ niệm 53 năm thành lập trường (17/9/1969 – 17/9/2022), tròn 1 năm thành lập Khoa Thiết kế Mỹ thuật và chào mừng năm học mới 2022-2023. Đây cũng là dịp để các giảng viên, nghệ sĩ của trường được tiếp cận kỹ thuật sơn mài truyền thống, đồng thời tạo không gian giao lưu nghệ thuật và chia sẻ kinh nghiệm sáng tác giữa họ với các đồng nghiệp ngoài trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ