Nguyên nhân cũng được phân tích, mổ xẻ và đề ra các giải pháp nhưng bạo lực học đường vẫn còn đó, nhức nhối và phát triển theo chiều hướng phức tạp.Việc đi tìm lời giải cho bài toán này còn nhiều gian khó.
Bạo lực đối với người học
“ Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Học trò thời nào cũng hiếu động, nghịch ngợm và đánh nhau nhưng ngày nay, bạo lực đã ở mức độ nguy hiểm, thậm chí tàn bạo hơn thời trước rất nhiều.
Có lẽ , chúng ta ai cũng đã từng xem những clip cảnh học sinh đánh nhau từ nhỏ đến lớn tràn lan trên mạng xã hội. Từ đánh nhau tay đôi đến một nhóm quây lại đánh hội đồng một người.
Đáng chú ý, không chỉ các em học sinh nam đánh nhau mà thực tế đã xảy ra khá nhiều vụ học sinh nữ ẩu đả một cách quyết liệt. Nhiều vụ ẩu đả bắt nguồn từ những lý do vu vơ như: thấy “ngứa mắt”, bị “nhìn đểu”, thấy bạn… xinh và học giỏi.
Mức độ bạo lực đi từ “võ mồm”, đến túm tóc, cào cấu, xé quần áo giữa đám đông và cao hơn nữa là sử dụng đủ loại “vũ khí”, từ giày, dép, guốc, cặp sách, ghế ngồi đến gậy gộc, gạch đá, dao lam, tuýp nước… Đã có nhiều vụ việc gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.
Bên cạnh bạo lực giữa người học với người học thì bạo lực từ phía người dạy đến với người học cũng được báo động.
Ngày 5/2/2017, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video dài gần 2 phút ghi lại cảnh một số giáo viên mầm non bạo hành trẻ. Đầu video, một cô giáo cầm dép đập thẳng vào đầu, mặt bé trai khiến cháu ôm đầu khóc.
Cũng trong năm 2017,một cô giáo ở một trường Tiểu học thuộc Thành phố Hà Nội đã dùng thước kẻ đánh vào chân học sinh vì lỗi vào lớp muộn gây nhiều vết thâm tím.
Gần đây nhất, sự việc cô giáo ở một trường THCS huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình vì học sinh có vi phạm mà bắt các học sinh trong lớp tát bạn lên đến 231 cái đã gây phẫn nộ không ít cho cư dân mạng.
Bạo lực đối với người dạy
Phản ứng trước vấn đề bạo lực mà giáo viên dành cho học sinh, dư luận xã hội đã tốn khá nhiều “ gạch, đá” , lên án gay gắt và có phần thái quá. Dưới con mắt của rất nhiều các bậc cha mẹ, hình ảnh giáo viên, những nhà giáo dục dường như trở nên méo mó. Nhìn đâu cũng thấy giáo viên có ý đồ chưa tốt, là thiếu tâm huyết, là bạo lực,…và chính họ - những bậc làm cha, làm mẹ cũng đã trả lại cho các nhà giáo là bạo lực.
Tự bao giờ, cái “nghề cao quý” bỗng biến thành “ nghề nguy hiểm”. Thật xót xa khi nhiều cô giáo mầm non mỗi sớm mai đón cháu đều cẩn thận kiểm tra xem trên người cháu có vết xước, vết bầm nào không, và buổi chiều, khi trả cháu cũng cẩn thận giao hẹn với mẹ là cháu không hề bị xây xát chút nào.
Chỉ trong một thời gian ngắn, có rất nhiều vụ bạo hành phụ huynh gây ra cho giáo viên- những người dạy dỗ con cái họ.
Đầu tiên phải nói đến “ cú sốc” là việc ông Võ Hòa Thuận có hành động ép cô giáo của Trường Tiểu học Bình Chánh (Long An) phải quỳ gối suốt 40 phút vì cô đã phạt con của ông quỳ.
Sau nữa phải nhắc đến việc vị phụ huynh nọ mắng sa sả, so sánh bộ quần áo của thầy giáo không bằng chiếc quần short của con gái mình, yêu cầu thầy phải tìm về, quay cả clip tung lên mạng với mong muốn dư luận lên án thầy giáo chẳng ngờ bị “ném đá” cho tơi tả..
“ Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy Thầy”
Cách “ yêu” như vậy ,chắc là các nhà giáo đỡ không nổi.
Đi tìm lời giải
Bạo lực học đường dù là học sinh với học sinh; giáo viên gây ra cho học sinh hay phụ huynh với giáo viên thì đều để lại nỗi đau không chỉ về thể xác mà cả về tinh thần,khó có thể chữa lành.Đấy là chưa kể đến những sang chấn tâm lý dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Giáo dục trẻ luôn là sự phối hợp Nhà trường - Gia đinh - Xã hội. Muốn tình trạng này “ hạ nhiệt” cần có sự phối hợp chặt chẽ của cả ba yếu tố. Và phải xác định rằng: lỗi không của riêng ai.
Có một sự ngược đời là khi xảy ra chuyện thì mọi trách nhiệm đều trút hết vào nhà trường. Không phủ nhận môi trường sư phạm ít nhiều có sự xuống cấp, lễ trong trường học giờ không còn được tôn trọng như một thời “tiên học lễ hậu học văn”, nhận thức của không ít học sinh lệch lạc. Giáo viên thiếu gương mẫu dẫn đến học sinh chưa tôn trọng.
Nhiều nguyên nhân của bạo lực học đường được quy cho xã hội. Người ta cho rằng, xã hội xuống cấp, mặt trái kinh tế thị trường làm trượt dốc và suy thoái đạo đức. Điều ấy đúng, nhưng cũng chưa phải là tất cả.
Chủ thể chính vẫn là gia đình. Giáo dục gia đình là nền tảng của mọi giáo dục. Một thực tế cho thấy: phần lớn các gia đình gia giáo, lễ nghĩa thì con cái lễ nghĩa, gia giáo và ngược lại. Vậy giải pháp cũng chính là đây.
Liệu con cái có tôn trọng thầy cô không - khi mà mẹ xơi xơi mắng vào mặt thầy là “ bộ quần áo thầy mặc không bằng chiếc quần short” của con bà? Hay cô giáo sẽ dạy học tiếp như thế nào khi phải ép quỳ trước mặt trò,..vv..
Một nguyên nhân cũng không thể không nhắc đến, là một yếu tố tạo nên “ cú hích” cho bạo lực học đường đó là các anh hùng bàn phím. Trước mỗi sự việc diễn ra, có thể chưa nắm rõ đầu đuôi sự việc đã quay clip tung lên mạng, rồi bình luận, rồi ném đá,…dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.
Như vậy, trước hết, phụ huynh phải quan tâm đến con em mình, trang bị cho chúng đủ kiến thức cũng như đạo đức, bản lĩnh để hòa nhập trong môi trường cộng đồng, trường học.
Kế đó, ngành giáo dục cần có sự đổi mới chương trình sát thực với cuộc sống, đặc biệt chú trọng môn học Giáo dục công dân, giáo dục kỹ năng sống.
Xã hội cần có cái nhìn khách quan, đa chiều hơn đối với nhà giáo; luôn lấy chuẩn mực “ Tôn sư trọng đạo” làm đầu.
Khi môi trường giáo dục trong sạch, có kỷ cương, thầy ra thầy, trò ra trò, phụ huynh ra phụ huynh thì chăc chắn, nạn bạo lực học đường sẽ không còn đất sống!