“Kẻ bốc hơi”
Nhật Bản là quốc đảo ở Đông Á, có diện tích 377.972 km2 và dân số khoảng 126 triệu người. Xét điều kiện địa lý, đất nước này nằm trên đường ranh giới giữa 4 mảng kiến tạo địa chất của Trái đất.
Cư dân ở đây thường xuyên phải đối mặt với các thảm họa tự nhiên như động đất, sóng thần... Từ thuở xa xưa, người Nhật đã nổi tiếng tự lực, tự cường. Bất chấp sự tàn phá nặng nề của thiên nhiên, họ luôn mạnh mẽ đứng lên một lần nữa.
Văn hóa lối sống của Nhật Bản đề cao tinh thần nỗ lực và kỳ thị sự thất bại. Sau Thế chiến II (1939 - 1945), quan điểm này còn được nhấn mạnh đến mức cực đoan.
Trên khía cạnh tích cực, nó thúc đẩy công dân cống hiến tận sức cho sự phát triển của đất nước. Kết quả là chỉ trong vòng 5 năm, Nhật Bản đã thoát khỏi “thời kỳ đồ đá” do bị Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử. Sau đó, họ nhanh chóng vươn lên vị trí cường quốc toàn cầu.
Tuy nhiên mặt khác, nó cũng nảy sinh hàng loạt các vấn đề đáng ngại như karoshi (đột tử do làm việc quá sức), jisatsu (tự tử), hikikomori (tự giam, né tránh tiếp xúc xã hội)... Và một thực trạng vô cùng đau đớn nữa là jouhatsu (tự biến mất).
Jouhatsu (蒸発) là thuật ngữ tiếng Nhật dùng để chỉ những người mất tích. Khác với khái niệm người mất tích thông thường, đa phần các Jouhatsu Nhật Bản là người tự mất tích.
Họ lựa chọn âm thầm biến mất khỏi nơi đang sinh sống và làm việc, không để lại bất cứ dấu vết gì. Họ che dấu danh tính và tung tích suốt nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ. Người Nhật gọi họ là những kẻ bốc hơi.
Dịch vụ lạ đời
“Vì đã chán ngấy các mối quan hệ xung quanh mình, tôi chỉ mang theo một chiếc vali nhỏ và biến mất”, Sugimoto (42 tuổi) kể lại. Ở quê cũ, anh là chủ một doanh nghiệp nức tiếng, nhưng việc phải gánh vác vai trò lãnh đạo lại khiến Sugimoto mệt mỏi. Cuối cùng, anh lựa chọn “bốc hơi”.
Tại Nhật, thuật ngữ Jouhatsu bắt đầu xuất hiện từ những năm đầu của thập niên 1960. Đây là thời điểm nền kinh tế đất nước này phát triển thần tốc nhất, đòi hỏi mọi công dân phải nỗ lực và nỗ lực hơn nữa.
Những ai không theo kịp tiến độ lập tức bị đào thải, trở thành người thừa và cõng danh “kẻ thất bại”. Quá xấu hổ trước thân nhân và xã hội, họ lặng lẽ bỏ trốn.
Sau giai đoạn phát triển thần tốc Thời kỳ Bong bóng (1986 - 1991), nền kinh tế Nhật Bản bước vào cuộc khủng hoảng đổ vỡ. Hàng loạt các công ty, doanh nghiệp bị phá sản, buộc phải thu hẹp quy mô và cắt giảm nhân viên.
Những năm 1990, số lượng Jouhatsu bùng nổ. Nó mở ra một ngành nghề mới toanh: Dịch vụ hỗ trợ bốc hơi.
Dịch vụ hỗ trợ bốc hơi nhắm vào lớp khách hàng là những người muốn biến mất khỏi nơi đang sinh sống. Nó không chỉ giúp họ bất thần bốc hơi mà còn tìm và đưa đến nơi ở mới, bảo đảm giữ bí mật thông tin suốt đời.
Chi phí dịch vụ rơi vào khoảng 50 nghìn - 300 nghìn yên/người (tương đương 11 - 65 triệu đồng). Theo số liệu thống kê chính thức vào năm 2015, Nhật Bản có tổng cộng 82 nghìn Jouhatsu. Mỗi năm, đất nước này lại có thêm hàng nghìn Jouhatsu và hiện số người bốc hơi đã lên đến hơn 100 nghìn người.
Bên cạnh những người thất bại trong công việc muốn trốn tránh thực tế, Nhật Bản còn rất nhiều kiểu Jouhatsu khác, ví dụ như Jouhatsu thất bại trong hôn nhân, thi cử, yêu đương, thăng tiến...
Theo báo cáo từ tập đoàn dịch vụ hỗ trợ bốc hơi có đến 22 chi nhánh trên cả nước, Yonigeya TS Corporation thì 80% khách hàng của họ là người trốn nợ (chủ yếu là nợ cờ bạc), trốn người (kẻ bám đuôi, nhóm tôn giáo), trốn thực tế không như ý... và 20% còn lại là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Trừ đối tượng là tội phạm đang bị truy nã, dịch vụ hỗ trợ bốc hơi không từ chối ai cả. Họ cũng không xét nét nguyên nhân muốn biến mất của khách hàng.
Nỗi đau với người ở lại
“Mục đích của chúng tôi là giúp đỡ họ thuận lợi bắt đầu cuộc sống thứ hai”, Sho Hatori - nhà điều hành một công ty hỗ trợ bốc hơi cho biết. Chia sẻ của ông cũng là tiêu chí thành lập và hoạt động của ngành nghề khác biệt này.
Ở Nhật Bản, quyền riêng tư được bảo vệ tuyệt đối. Ngay cả cha mẹ cũng không được phép tiếp cận lịch sử rút tiền bằng ATM của con cái. Nó trở thành tấm khiên thép bảo vệ các Jouhatsu biến mất hoàn toàn.
“Trừ các trường hợp như tai nạn hay tội phạm, cảnh sát Nhật Bản không được phép tiếp cận hay chia sẻ dữ liệu cá nhân của công dân”, nhà xã hội học Hiroki Nakamori giải thích: “Các Jouhatsu có thể thoải mái rút tiền hay thanh toán bằng thẻ mà không phải sợ bị phát hiện vị trí. Người nhà của họ chỉ có thể thuê thám tử tư tìm kiếm hoặc chờ đợi họ tự động trở về”.
Phần lớn các Jouhatsu đều biến mất một cách đột ngột, nên với gia đình và người quen của họ gặp cú sốc lớn. “Tôi vô cùng bàng hoàng”, một người mẹ có con trai 22 tuổi bất ngờ mất tích bày tỏ nỗi đau.
Mỗi ngày, bà đều lái xe đến căn hộ anh từng sống, kiểm tra xem có dấu vết nào cho thấy con trai đã trở về không và thất vọng. “Với quy định của pháp luật hiện hành, tất cả những gì tôi được phép chỉ là xác nhận mặt của thằng bé nếu chẳng may nó bị chết mà thôi”, bà bấn loạn nói thêm.
Có một số Jouhatsu bộc bạch đã buồn bã và hối tiếc rất nhiều vì quyết định biến mất của mình. “Tôi luôn có cảm giác là người sai trái”, Sugimoto tâm sự: “Tôi đã không gặp các con tôi suốt cả năm nay rồi. Chỉ có thằng bé cả nhà tôi là biết sự thật về chuyện tôi mất tích mà thôi.
Nó mới 13 tuổi nhưng lại nói một câu mà tôi không đời nào quên, “Cuộc sống của bố do bố quyết định và con không có quyền can thiệp”. Nghe như nó còn trưởng thành hơn cả tôi”. Dù day dứt và nhớ thương vợ con, Sugimoto chưa có ý định quay về. Hiện tại, anh ẩn danh cư trú trong một con hẻm nhỏ và khuất ở Thủ đô Tokyo.