Tân Thủ tướng Nhật Bản: Ổn định vượt qua đại dịch

GD&TĐ - Ông Yoshihide Suga đã được Quốc hội Nhật Bản chính thức bầu làm Thủ tướng mới hôm 16/9. Sau đó ông chỉ định một nội các mới với một nửa số gương mặt quen thuộc từ chính phủ trước đó, với ý định tiếp tục các chính sách quan trọng của ông Abe và đảm bảo sự hoạt động ổn định. 

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Vốn là “cánh tay phải” của ông Abe từ lâu, ông Suga khi được chọn đã cam kết theo đuổi nhiều chương trình của người tiền nhiệm, trong đó có cả chiến lược kinh tế “Abenomics” và thúc đẩy cải cách cơ cấu, giảm bớt các quy định và bãi bỏ tệ quan liêu. 

Từng giữ vị trí quan trọng là Chánh Văn phòng Nội các, người phát ngôn và người điều phối các chính sách của ông Abe, ông Suga biết rõ hiệu quả những chính sách của người cầm quyền trước đó trong 8 năm liền - một thời kỳ bình ổn khá dài ở Nhật Bản sau thời gia thay thủ tướng “như thay áo”.

Vì vậy, việc tiếp tục chính sách không chỉ là theo ý nghĩa đồng minh thân thiết, là người kế nhiệm, mà sẽ giúp chính phủ tiếp tục điều hành ổn định nhất là trong dịch Covid-19

Ngoài ra, ông Suga cũng được xem là người đã ủng hộ ông Abe trong chính sách thương mại với châu Á, tham gia chặt chẽ vào các chính sách tư nhân hóa trong các đời chính phủ trước, và còn kêu gọi ông Abe tập trung vào kinh tế nhiều hơn là chương trình nghị sự theo chủ nghĩa dân tộc. 

Nhưng bối cảnh bây giờ thách thức hơn nhiều khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Ông Suga đã cam kết ưu tiên giải quyết dịch Covid-19 trong khi hồi sinh nền kinh tế đang bị tàn phá bởi dịch và xử lý các vấn đề của một xã hội đang già đi. 

Khó khăn không kém là về đối ngoại, với ít kinh nghiệm trong lĩnh vực này, ông sẽ phải xử lý sự đối đầu Trung - Mỹ căng thẳng, xây dựng mối quan hệ với ứng cử viên sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử 3/11 tới ở Mỹ và duy trì quan hệ Nhật - Trung đi đúng hướng. 

Một nửa nội các mới của ông Suga là tiếp tục từ chính quyền Abe. Chỉ có hai người là phụ nữ, và tuổi trung bình của nội các là 60. Trong số những người tiếp tục giữ các vị trí chủ chốt có Bộ trưởng Tài chính, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Olympics, Bộ trưởng Kinh tế, Bộ trưởng Công thương và Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi - người trẻ nhất, năm nay mới 39 tuổi. 

Em trai ông Abe là Nobuo Kishi được trao chức Bộ trưởng Quốc phòng, còn Bộ trưởng Quốc phòng ra đi là ông Taro Kono nhận trách nhiệm cải cách hành chính - vị trí ông từng giữ trước đây. 

Cựu Bộ trưởng Y tế Katsunobu Kato, đồng minh thân thiết của ông Suga, nhận chức vụ Chánh Văn phòng Nội các. 

Các nhà quan sát cho rằng, mục tiêu của ông Suga về một xã hội số hóa nhiều hơn có thể làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo và đòi hỏi vốn chính trị. Reuters trích lời ông Tomoya Masano, người đứng đầu Công ty đầu tư Pimco Nhật Bản, nhận định: “Chính quyền Abe đã xây dựng vốn chính trị cho mình bằng các chính sách tài khóa tiền tệ nới lỏng hơn, một nền ngoại giao cân bằng và khéo léo với Mỹ và Trung Quốc, cũng như việc thực thi một chính sách chính trị nội bộ linh hoạt. Ngược lại chính quyền mới đối mặt với con đường gập ghềnh phía trước”. 

Jesper Koll, cố vấn cao cấp của Công ty Quản lý tài sản WisdomTree Investments thì cho rằng, có thể thấy rõ tham vọng của ông Suga muốn đẩy nhanh và làm mới tiến trình cải cách, nhưng nhân sự thế nào trong các ban cố vấn của chính phủ sẽ hé lộ điều đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ