Bởi vậy, UNESCO đã khuyến nghị các quốc gia thiết lập hệ thống Báu vật nhân văn sống nhằm công nhận, tôn vinh và đãi ngộ những người đang nắm giữ các kiến thức, kỹ năng và bí quyết cần thiết cho việc trình diễn, sáng tạo và trao truyền những di sản văn hóa phi vật thể mang giá trị tiêu biểu ở mỗi dân tộc, mỗi quốc gia.
Cần trân trọng những di sản sống
Trong thời đại toàn cầu hóa, nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình, coi đó là phương thức thể hiện bản lĩnh văn hóa của dân tộc mình với thế giới. Khái niệm Báu vật nhân văn sống (Living Human Treasures) được đưa ra trong Khuyến nghị của UNESCO về việc Bảo vệ văn hóa cổ truyền và văn hóa dân gian.
Theo đó, Báu vật nhân văn sống là những người có kiến thức và kỹ thuật ở cấp độ rất cao cần thiết cho việc biểu diễn hay sáng tạo các yếu tố của di sản văn hóa phi vật thể mà các quốc gia thành viên đã lựa chọn. Đó như là một bằng chứng cho truyền thống văn hóa sống của mình và cho tinh thần sáng tạo của các nhóm, các cộng đồng và các cá nhân hiện diện trên đất nước mình.
Theo kết quả thông kê của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam mới đây, cả nước có 128 di sản văn hóa phi vật thể được khôi phục theo tinh thần trả lại cho người dân gìn giữ. Trong quá trình này, các nghệ nhân có vai trò quan trọng trong việc truyền lại cho lớp trẻ các giá trị văn hóa dân gian vùng miền. Trong đó có những di sản sau gần nửa thế kỷ mai một hoặc thất truyền được khôi phục như: Hát ca trù cửa đình, chọi trâu, hát đúm, lên đồng, diễn xướng chầu văn…
Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đến nay đã có gần 600 nghệ nhân được vinh danh. Hoạt động này rất quan trọng trong việc tiến hành phong danh hiệu Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân” cho những người có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Giữ gìn và trao truyền
Phú Thọ là một trong những tỉnh luôn quan tâm tới vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Đặc biệt đối với các di sản Hát Xoan, tỉnh luôn có những giải pháp tích cực để giữ gìn và trao truyền cho các thế hệ sau. Để ghi nhận, tôn vinh và đãi ngộ những người đang nắm giữ các kiến thức, kỹ năng và bí quyết cần thiết cho việc trình diễn và trao truyền di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan, UBND tỉnh đã ban hành chính sách công nhận danh hiệu “Nghệ nhân Hát Xoan tỉnh Phú Thọ”.
Tại Lễ vinh danh Hát Xoan tỉnh cũng đã khen thưởng các nghệ nhân và những người có công trong việc nghiên cứu, xây dựng hồ sơ, truyền dạy di sản Hát Xoan; lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét phong tặng các danh hiệu cao quý “Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú”.
Cùng với đó, UBND tỉnh khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng truyền dạy, đào tạo thế hệ những người thực hành di sản trẻ tuổi để sáng tác, tiếp nối, duy trì và phát triển Hát Xoan trong cuộc sống đương đại. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 30 CLB Hát Xoan và gần 2.000 đội văn nghệ đã trình diễn được một số quả cách Xoan. Những chính sách hỗ trợ đó đã tạo động lực cho các nghệ nhân tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn vào trao truyền di sản cho các thế hệ kế cận.
Tại thành phố Hà Nội, trong tháng 11 vừa qua, Sở VH-TT&DL Hà Nội cũng đã tổ chức thành công Liên hoan nghệ thuật ca trù. Đây thực sự là sân chơi bổ ích cho các ca nương, kép đàn của các CLB trên toàn địa bàn. Cuộc thi đã phát hiện được những gương mặt ca nương mới triển vọng của loại hình nghệ thuật này. Bước ra từ cuộc thi các ca nương trẻ sẽ tiếp tục có thêm những cơ hội được đào tạo truyền dạy môn nghệ thuật mà mình đã theo đuổi.
Theo TS Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, việc phát hiện ra chủ thể nắm giữ di sản đã được thực hiện, nhưng về lâu dài, phải có cơ quan quản lý Nhà nước, với các dữ liệu cụ thể, hành lang pháp lý và cơ chế chính sách đầu tư cho việc truyền dạy, tạo cơ hội trình diễn. Bởi di sản phi vật thể chỉ có thể sống khi chúng còn phù hợp với nền văn hóa, được thực hành thường xuyên và được truyền dạy giữa các thế hệ trong cộng đồng.