Đi lưới ghẹ mùa biển động

GD&TĐ - Với ngư dân vùng Long Hải (huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu), mùa khai thác hải sản đã bước vào cuối vụ. Tuy nhiên, với những người khai thác ghẹ, đây mới là lúc để họ kiếm kế sinh nhai vì biển càng động, ghẹ đánh bắt được càng nhiều.

Những ghe lưới ghẹ mùa biển động
Những ghe lưới ghẹ mùa biển động

Đặc sản mùa biển động

Khi biển động, chỉ cần đi ghe thúng ven bờ một vài hải lý, ngư dân cũng có thể lưới được rất nhiều ghẹ.

Buổi sáng sớm, khi thủy triều lùi xa để lại bãi cát rộng mênh mông cũng là lúc những ghe thúng đi lưới ghẹ của ngư dân trong vùng cập bến. Họ đều sinh sống ở các xã lân cận: Phước Hưng, Phước Tỉnh, An Ngãi, Phước Hải… Họ đi từ chiều tối hôm trước, loanh quanh ven biển với khoảng cách chỉ vài hải lý, thậm chí chưa quá phao số không, vì mùa này ghẹ có rất nhiều ở vùng ven bờ chứ không cần đánh bắt xa. Mặc dù trọng lượng không quá lớn và đều nhau nhưng ghẹ biển là đặc sản được nhiều người ưa thích có giá xấp xỉ nửa triệu đồng mỗi ký lô. Tuy nhiên ở vùng biển này, ngư dân bán rẻ hơn rất nhiều.

“Từ sau Tết, ngư dân bước vào mùa đánh bắt. Nhưng những tháng trước hầu hết đi ghe tàu lớn, đánh bắt xa bờ. Mấy anh em ngư dân nghèo không có ghe lớn thì làm thuê, làm hợp đồng theo chuyến để ăn chia. Nghĩa là sau mỗi chuyến đi, ngư dân được chia tỷ lệ số sản phẩm (tất cả các loại đánh bắt được) theo giao ước trước. Sau đó họ có thể bán tại cảng, bán lại cho chủ ghe hay mang về sơ chế, làm khô”, ông Võ Văn Tuyến, 55 tuổi, ngư dân ở xã Phước Tỉnh cho biết. 

Theo những ngư dân Long Hải, nghề lưới ghẹ có thể kéo dài tới sát Tết bởi đặc thù riêng. Khi nào thấy biển động vừa phải thì ngư dân mới lên ghe ra biển, còn biển động quá lớn thì để hôm khác. Do đi và lưới ghẹ gần bờ nên chỉ cần có kinh nghiệm quan sát sóng, gió hay nghe các bản dự báo thời tiết là ngư dân có thể dự đoán được tới 90% tình hình thời tiết để có quyết định cho chuyến đi biển của mình.

Ghẹ - đặc sản mùa biển động
Ghẹ - đặc sản mùa biển động 

Sinh kế mong manh

Tuy kiếm được thu nhập khá nhưng nghề lưới ghẹ mùa biển động, ngư dân ra khơi như ngồi trên miệng tử thần vì có thể xảy ra tai họa bất cứ lúc nào. “Giờ mấy anh em trong xóm có điện thoại liên lạc với nhau nhưng nếu bữa nào sóng lớn quá, mấy ghe phải đi gần nhau, thậm chí có dây buộc níu vào nhau để hỗ trợ khi cần thiết. Đi lưới ghẹ mấy năm gần đây cũng hên chưa có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra vì chủ yếu tôi đi ven bờ, chạy chừng một giờ đồng hồ đã về nên cũng không quá lo lắng”, anh Nguyễn Văn Út, 31 tuổi, một ngư dân ở đây chia sẻ.

Kể thêm về công việc, anh Út bảo: “Ghe đi lưới ghẹ thường có 2 người, vì một người phải thả và thu lưới, một người điều khiển ghe. Mình đi gần bờ, thậm chí ngay ở ven biển, vẫn nhìn thấy đèn điện ngoài Dinh Cô nên không quá lo. Nhưng cũng phải đến khi nào ghe cập bờ mới hết lo, vì thực sự đi biển là nghề nguy hiểm, huống hồ đi ghe thúng. Mùa biển động, ngoài nghề lưới ghẹ ven bờ, ngư dân ở đây hầu như không biết làm nghề gì khác để kiếm kế sinh nhai”.

Ngồi cùng những ngư dân làm nghề lưới ghẹ nơi đây chúng tôi thấy rằng, không chỉ luôn luôn đối mặt với bất trắc của sóng gió, người làm nghề lưới ghẹ còn phải đầu tư chi phí rất nhiều, nhất là lưới. “Lưới giờ mỗi mét 150 ngàn đồng nên đầu tư một tấm lưới dài 100 mét sẽ tốn 15 triệu đồng, một khoản tiền không hề nhỏ với ngư dân nghèo.

Mà lưới ghẹ không như lưới cá, sau vài ba tháng là phải thay vì khi ghẹ dính lưới, để gỡ được chúng ra, dù khéo đến đâu cũng bị đứt mắt này, mắt khác. Lưới cá có khi vài năm, thậm chí vá lại vẫn đi biển được chứ lưới ghẹ, mỗi mùa biển là phải thay mới rồi. Càng nhiều ghẹ dính, càng nhanh phải thay. Nếu lưới rách tơi tả, ghẹ sẽ lọt ra dễ dàng”, anh Út chia sẻ thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ