Nước mắt ngư dân “làng chài tỷ phú” một thời

Lâm bước đường cùng, nợ nần chồng chất, bị các đối tượng cầm đồ hăm dọa, nhiều người đành bỏ quê đi trốn nợ.

Nước mắt ngư dân “làng chài tỷ phú” một thời

Hai xã Nghĩa Phú và Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi nằm hai bên bờ cửa sông Cổ Lũy, một thời được mệnh danh là “làng chài tỷ phú”. Mỗi năm, riêng đội tàu lưới giã cào cao tốc của 2 xã này thu về khoảng 800 tỷ đồng.

Đó là câu chuyện của 5, 7 năm về trước. Còn bây giờ, nghề giã cào làm ăn gặp khó, thua lỗ liên tục nên ngư dân đành bỏ nghề, neo tàu ở bến. Không có tiền trả nợ ngân hàng nhiều người đã tìm đến tín dụng đen.

nuoc mat ngu dan tai "lang chai ty phu" mot thoi hinh 1
Cơ sở vá lưới đi biển nhộn nhịp nay cửa đóng then cài.

Thời “vàng son” của nghề giã cào đã mang lại những ngôi nhà, những con tàu tiền tỷ cho ngư dân vùng biển Nghĩa Phú, Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi. Đàn ông trai tráng trong làng đi biển, vợ con ở nhà, có người cả hàng chục năm cũng chỉ mỗi công việc đi chợ, nấu cơm. Làm ăn thuận lợi, nhiều người đã tính đến việc đổi con tàu công suất lớn hơn để đánh bắt. Không đủ tiền, họ lại vay ngân hàng, thế chấp cả con tàu và cầm cố luôn căn nhà đang ở để đóng mới, nâng cấp tàu thuyền, bất chấp những rủi ro từ biển cả.

Vì muốn mua sắm con tàu công suất lớn, một ngư dân ở xã Nghĩa Phú đã vay ngân hàng 500 triệu đồng trong 10 năm.

Mới được phân nửa thời gian, làm ăn liên tục thua lỗ, tàu đã nằm bờ, ông này đứng ngồi không yên: "Hồi vay 500 triệu đồng bỏ vô tàu cho con làm ăn. Sau một thời gian ở nhà không có tiền mới vay tín dụng đen. Trong khi vay cái này bí cái nọ lên phải vay vòng quanh hoài thôi. Hiện giờ tính còn 5 mối nợ của xã hội đen nên không dám về nhà. Mỗi lần đòi nợ họ đến 5,7 thằng nên không dám về. Mấy bữa sau vợ sợ quá bỏ nhà đi Sài Gòn luôn".

nuoc mat ngu dan tai "lang chai ty phu" mot thoi hinh 2
Tàu cá nằm bến gác neo.

Thời ăn nên làm ra, làng chài Nghĩa An, Nghĩa Phú, ai cũng vay vốn đóng tàu giã cào cao tốc, vươn khơi đánh bắt. Nhiều hộ đã vay vốn lên đến cả chục tỷ đồng, mua sắm 3 đến 4 đôi tàu, thuê đôi ba chục lao động đi biển.

Ông Trương Hoài Phong, ở xã Nghĩa An đang sở hữu 4 đôi tàu giã cào cao tốc, mỗi tàu đều trên 500 CV. Những năm trước đây, mỗi năm ông đều thu được tiền tỷ từ những đôi tàu này. Nhưng hai năm gần đây, phí tổn cho mỗi phiên biển tăng cao, đánh bắt không hiệu quả nên thua lỗ liên tục.

"Bây giờ chi phí nhiêu liệu cao quá, ngư trường cạn kiệt, lao động trên tàu có nhiều yêu sách. Lao động họ bắt mình cho họ mượn tiền mấy chục triệu mới đi. Khi đi, ưng thì đi, không ưng thì nghỉ nên mình mất tiền. Như nhà tôi biểu giao tàu, giao nhà thì cũng giao luôn, làm sao xóa nợ cho tôi chứ không có con đường nào hết", ông Trương Hoài Phong lo lắng.

Xã Nghĩa Phú hiện có đội tàu gần 200 chiếc, trong đó có 142 tàu công suất từ 90 CV trở lên. Đội tàu của Nghĩa An hùng hậu hơn với trên 1.000 chiếc, đa số là tàu 90 CV trở lên. Trong đó, có đến 600 tàu làm nghề lưới giã cào.

Bà Võ Thị Lệ Thu, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết, trước đây nghề này mang lại nguồn thu nhập rất khá cho hàng trăm ngư dân. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây nghề lưới giã cào gặp rất nhiều khó khăn nên hơn 80% số tàu phải nằm bờ, đời sống ngư dân khó khăn vô cùng.

"Việc bà con gặp khó khăn trong việc làm ăn thì bà con vay tín dụng đen lãi suất cao. Đôi lúc họ cần thì vay đỡ để làm, giải quyết kinh tế tạm thời, sau đó phải trả. Nhưng mà đôi lúc đi ra làm ăn không hiệu quả thì lại càng lún sâu", bà Thu cho biết.

nuoc mat ngu dan tai "lang chai ty phu" mot thoi hinh 3
Đang là mùa đánh bắt nhưng nhiều tàu cá nằm bờ.

Thời gian gần đây, ngư dân làm ăn gặp khó thì rất nhiều đối tượng từ nơi khác đến “mồi chài” cho vay tiền. Chỉ cần giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ khẩu thì ngư dân có thể vay được cả trăm triệu đồng. Tiền gốc tuy không nhiều nhưng tiền lãi khá cao. Nếu vay 100 triệu đồng thì trong vòng 1 năm phải trả cả gốc lẫn lãi 130 triệu đồng. Khi không trả nợ đúng thời hạn, các chủ nợ sẵn sàng đến nhà đập phá, hăm dọa khiến nhiều người ăn không ngon, ngủ không yên, thậm chí nhiều người vì sợ bị giết đã phải bỏ nhà đi xa.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó trưởng Công an xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi cho biết: "Địa bàn không có nhóm tín dụng cho vay nặng lãi mà đa phần là từ địa phương khác đến. Với các hình thức như nhắn tin, dán tờ rơi, dân điện thoại rồi họ đến. Họ cũng có giấy thỏa thuận nên khi mình làm việc bên kia vẫn có giấy tờ thỏa thuận. Nhưng khi đi lấy tiền thì họ thuê xã hội đen giang hồ tới lấy. Nếu người dân không có tiền thì họ hành hung. Mấy năm gần đây, họ cũng bỏ đi hết, họ vay nhưng không có khả năng trả nên họ đóng cửa bỏ đi".

Hàng chục ngôi nhà của ngư dân vùng ven biển Nghĩa An, Nghĩa Phú, thành phố Quảng Ngãi giờ cửa đóng then cài, chủ nhân bỏ đi biệt xứ. Hàng trăm người vì lỡ vay tín dụng đen nay đứng ngồi không yên vì hàng ngày các đối tượng côn đồ tìm đến gây gổ, hăm dọa. “Làng chài tỷ phú” ngày nào giờ đã không còn yên bình như thuở trước.

Theo VOV.VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ