Sợ mắc ung thư vì sụt cân quá nhiều
Bệnh nhân N.T.P (56 tuổi, Nghệ An) vào điều trị tại khoa Khám bệnh chuyên ngành (Viện Sốt rét Ký sinh trùng Trung ương) trong tình trạng suy kiệt sức khỏe do tuổi cao và mắc bệnh tiểu đường. Bệnh nhân có triệu chứng tiêu chảy, ăn vào là nôn ói, sút cân liên tục chỉ còn 37kg.
Theo chia sẻ của Ths.BS Nguyễn Huy Thọ, Trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành, Viện sốt rét ký sinh trùng Trung ương, bệnh nhân P. cũng từng điều trị tại Nghệ An với chẩn đoán bị hội chứng trào ngược dạ dày trên nền bệnh đái thái đường, nôn và rối loạn kéo dài.
Sau đó, bệnh nhân được chuyển ra bệnh viện trung ương điều trị tại khoa nội tiết với tình trạng chẩn đoán như ở bệnh viện tỉnh. Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị kéo dài bệnh nhân không thuyên giảm, suy kiệt sút gần 20kg nên được bác sĩ xác định cho về.
Sau đó, bệnh nhân được giới thiệu sang Viện Sốt rét Ký sinh trùng Trung ương điều trị do nghi ngờ nhiễm ký sinh trùng. Tại viện, bệnh nhân P. được làm các xét nghiệm quan trọng, kết quả bệnh nhân dương tính với giun lươn.
Bệnh nhân P. được cho dùng thuốc điều trị. Buổi tối sau dùng thuốc bệnh nhân giảm nôn và ăn được cháo. Sang ngày thứ 2 bệnh nhân hết nôn, ăn uống lại bình thường.
Cũng vào viện trong tình trạng suy kiệt do giun gây ra là trường hợp của bệnh nhân P.V.D (63 tuổi, Trực Thái, Trực Ninh, Nam Định) cách đây, khoảng 3-4 tháng ông D. cảm thấy ăn kém, mệt mỏi và mỗi 1 tuần sụt giảm 1kg. Từ khi mắc bệnh tới thời điểm phát hiện đúng bệnh ông D. chỉ còn 35kg.
Bệnh nhân D. đang điều trị giun lươn tại khoa khám bệnh chuyên ngành, Viện sốt rét ký sinh trùng Trung ương.
Ông D. chia sẻ ông đã điều trị tại bệnh viện ở địa phương nhưng không hiệu quả lo sợ mắc ung thư nên ông đã tới bệnh viện K kiểm tra.
Tại bệnh viện K bác sĩ chẩn đoán ông không bị ung thư, nhưng dạ dày bị tổn thương rất nghiêm trọng, thành dạ dày có giun bám. Ông D. được các bác sĩ tại bệnh viện K giới thiệu sang Viện Sốt rét Ký sinh trùng để điều trị.
Theo bác sĩ Bác sĩ Phùng Xuân Hách, khoa Khám bệnh chuyên ngành (Viện sốt rét ký sinh trùng Trung ương) bệnh nhân vào viện trong tình trạng đau bụng nhiều tháng kèm theo đi ngoài phân lỏng, ăn uống kém, gầy sút cân.
Bệnh nhân đã khám ở các bệnh viện lớn chẩn đoán tổn thương dạ dày do giun lươn. Qua 7 ngày điều trị tại khoa bệnh nhân D. không còn đi ngoài, ăn được và đã tăng thêm được 3kg.
Bệnh nhân nhiễm giun lươn dễ bị chẩn đoán nhầm
Bác sĩ Thọ cho hay giun lươn là loại ký sinh trùng nguy hiểm. Giun lươn có hai loại là giun lươn đường ruột và giun lươn não. Tuy nhiên, giun lươn đường ruột thường gặp nhiều hơn. Giun lươn có thể tồn tại lâu trong cơ thể và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm tới tính mạng.
Bệnh lây qua đường ăn uống do ăn hoặc nuốt phải ấu trùng giun, bệnh có thể lây qua đường da do ấu trùng xuyên qua da xâm nhập vào cơ thể.
Ấu trùng di chuyển tới đâu sẽ để lại xuất huyết tạo thành những đường hầm di chuyển ngoằn ngoèo dưới da. Sau đó ấu trùng theo đường tĩnh mạch xuống ruột để thành giun trưởng thành. Khi trưởng thành giun sẽ ký sinh tại ruột và gây ra những tổn thương cho cơ quan này.
"Bệnh giun lươn thường khó xác định, nhiều trường hợp nhiễm giun lươn mà không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng, dễ nhầm với các bệnh khác", bác sĩ Thọ khuyến cáo.
Để phòng giun lươn hiệu quả cần phải quản lý tốt phân, nước, rác. Người thường xuyên tiếp xúc với đất, vệ sinh nhà cầu nên mang gang tay, đi giày dép. Thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay dưới vòi nước bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.