17.000 tỉ xây mới trụ sở 13 bộ, ngành
VIUP đưa ra 3 phương án di dời trụ sở 13 bộ, ngành khỏi nội thành Hà Nội, trong đó phương án thấp nhất là gần 12.000 tỉ đồng, cao nhất tốn khoảng 17.000 tỉ đồng. Cụ thể, Tây Hồ Tây và Mễ Trì là 2 nơi được nghiên cứu, đề xuất di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô Hà Nội. Phương án còn lại, phân chia các bộ, ngành về cả 2 khu vực này, mức tài chính dự kiến là 17.000 tỉ đồng…
Theo VIUP, việc phân bố 13 cơ quan, trụ sở, nhân công tại cả 2 khu vực sẽ giảm được áp lực lên hạ tầng từng khu vực, quỹ đất cho từng bộ ngành lớn hơn. VIUP đề xuất trụ sở 12 bộ, ngành gồm: Kế hoạch - Đầu tư, Công Thương, Tư pháp, Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Lao động, Thương binh Xã hội, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục & Đào tạo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ được chuyển về Tây Hồ Tây. Riêng Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang xây dựng tại khu Mễ Trì Hạ.
Với phương án này, tài chính để thực hiện khoảng 11.897 tỉ đồng, nguồn vốn được huy động từ chuyển đổi 50 ha tại Mễ Trì thu về 10.000 tỉ đồng, vốn chuyển đổi đất trụ sở cũ khoảng 1.897 tỉ đồng. Phạm vi của phương án này, quy hoạch là khoảng 35 ha, mỗi cơ quan bình quân từ 1,5 - 2 ha. Tổng số người làm việc dự kiến khoảng 14.000 người, số người làm việc bình quân 1.000 - 1.500 người/cơ quan; trụ sở cơ quan được xây dựng dự kiến từ 15 - 20 tầng nổi, 3 - 4 tầng ngầm.
Theo VIUP, khu vực Tây Hồ Tây có vị trí cảnh quan đẹp, bối cảnh hạ tầng đô thị khu vực phát triển hiện đại, có nhiều cơ sở hạ tầng hỗ trợ và kết nối thuận lợi với trung tâm Ba Đình. Tuy nhiên, phương án này gặp khó khăn vì chưa xác định được quỹ đất thu hồi của tháp truyền hình Việt Nam.
Đối với phương án 2, chuyển 12 trụ sở bộ, ngành và Bảo hiểm Việt Nam về khu vực Mễ Trì Hạ, phạm vi quy hoạch 55 ha, bình quân mỗi cơ quan 1,8 - 3 ha, diện tích còn lại bố trí hồ điều hòa, nhà khách, nhà công vụ, công viên cảnh quan. Tổng số người làm việc ở 13 cơ quan dự kiến khoảng 15.000 người. Nếu thực hiện, kinh phí tốn khoảng 14.326 tỉ đồng, được lấy từ nguồn vốn chuyển đổi 20 ha đất khu vực Tây Hồ Tây khoảng 8.000 tỉ đồng, vốn chuyển đổi cơ sở cũ 6.326 tỉ đồng.
Phương án 3, VIUP đề xuất sẽ bố trí 13 cơ quan tại 2 khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì Hạ, trong đó 20 ha tại Tây Hồ Tây bố trí 6 Bộ, ngành, bình quân 2 - 3 ha/cơ quan, tầng cao 9 - 12 tầng; khu vực Mễ Trì Hạ diện tích 55 ha sẽ bố trí 7 cơ quan, diện tích 3 - 4 ha /cơ quan, tầng cao trung bình 12 - 15 tầng.
|
Cân nhắc kỹ các phương án
Liên quan đến đề xuất trên, trao đổi với Báo GD&TĐ TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, trong quá trình phát triển Thủ đô Hà Nội đã bố trí rất nhiều cơ quan Trung ương. Hiện nay có khoảng gần 30 Bộ, ngành các cơ quan Trung ương, tập trung chủ yếu ở các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm. Với thực trạng như vậy, từ quy hoạch được Thủ tướng duyệt từ năm 1992 đến quy hoạch được duyệt năm 1998 đã khẳng định việc di dời các cơ sở công nghiệp, các trường đại học, cao đẳng và một số trụ sở bộ, ngành.
Trong Luật Thủ đô ban hành năm 2013, cũng đã khẳng định là phải di dời trụ sở một số Bộ, ngành để xây dựng các công trình công cộng và không gian xanh. Từ năm 1995 - 2005, đã di dời xong 4 bộ, ngành ra vị trí mới như: Bộ Nội vụ, Bộ TN&MT, Thanh tra Chính phủ… Việc di dời các bộ, ngành là một nhu cầu được đặt ra trong khoảng 20 năm nay, Chính phủ cũng đã có lộ trình cho việc này.
Việc phân chia trụ sở làm việc của các bộ, ngành ở cả 2 khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì, theo VIUP, ngoài việc tạo được mặt bằng diện tích tương đối rộng cho các cơ quan xây dựng trụ sở làm việc thì còn góp phần phân tán lượng người làm việc thành 2 khu vực, giảm nguy cơ chất tải lớn tới hạ tầng 2 khu vực.
Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, di dời các bộ ngành đi sẽ góp phần quản lý dân số của từng khu vực, có thêm quỹ đất cho các công trình công cộng, đặc biệt không gian xanh công cộng. Khó khăn lớn nhất khi di dời là khai thác diện tích đất sau giải phóng mặt bằng như thế nào. Bởi hiện nay, rất nhiều bộ, ngành sau khi đã di dời đi vẫn giữ đất cũ cho các đơn vị trực thuộc, hoặc chuyển nhượng cho đơn vị khác. Trong khi đó, bên trong trụ sở các bộ ngành yêu cầu di dời có những di sản đô thị của Hà Nội nếu chuyển giao đi cho đơn vị, chủ đầu tư mới có thể sẽ bị phá đi, không kiểm soát được.
“Phải nhận diện di sản của khu vực sẽ phải giải phóng mặt bằng. TP Hà Nội cũng như Trung ương cần thống nhất chức năng của đơn vị mới tiếp quản làm gì. Nhiều trụ sở di dời đi lại chuyển giao đơn vị mới xây trung tâm thương mại, nhà ở... không phù hợp. Khi Hà Nội đã bố trí đất giao cho Bộ, ngành ở vị trí mới thì các Bộ, ngành phải giao lại trụ sở cũ. Di dời trụ sở Bộ, ngành là cần thiết nhưng phải có lộ trình và phải nhìn nhận được những “điểm nóng” để giải quyết như: Nguồn lực, xác định mục tiêu trước khi đấu giá trụ sở cũ…” - TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.