“Ăn nhờ, ở tạm”
Lâu nay, du khách khi đến với Huế, ngoài việc được tham quan hệ thống đền đài, lăng tẩm thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế, còn được tham quan, tìm hiểu lịch sử, văn hóa và con người của vùng đất này thông qua hệ thống các bảo tàng. Trong số đó, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế được đánh giá là điểm đến hấp dẫn với nhiều hiện vật, tư liệu quý giá.
Tiền thân Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế là Bảo tàng Bình Trị Thiên, được thành lập vào tháng 8/1976 từ việc chuyển giao cơ sở vật chất, tư liệu, hiện vật và cán bộ của Bảo tàng Quân khu Trị Thiên Huế, cán bộ nhà truyền thống tỉnh Quảng Bình (cũ).
Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế đang lưu giữ trên 30.000 tư liệu, hiện vật và nhiều bộ sưu tập có giá trị. Trong đó, phải kể đến không gian trưng bày ngoài trời với diện tích khoảng 2.000m2 với nhiều hiện vật có kích thước, trọng lượng lên đến hàng tấn. Đây đều là những loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại được Mỹ sử dụng trên chiến trường Việt Nam như: Máy bay chiến đấu, xe tăng, thiết giáp, pháo tự hành...
|
Lâu nay, mỗi lần vào Thành Nội, đi dọc theo con đường 23/8 rợp bóng cây xanh, người dân và du khách đã quá quen thuộc với hình ảnh của những chiếc xe tăng, máy bay... được đặt trong khuôn viên của bảo tàng.Tuy nhiên, do nhiều năm phải nằm phơi mình giữa nắng mưa nên các hiện vật này đang bị rỉ sét, mất mát, hư hỏng đi nhiều. Bên cạnh đó, do điều kiện cơ sở vật chất mà công tác bảo quản hiện vật gặp không ít khó khăn, có hiện vật phải đặt giữa hành lang lối đi gây phản cảm. Mùa mưa, cán bộ Bảo tàng lại nơm nớp lo sợ vì tình trạng thấm dột từ kho bảo quản cho đến phòng làm việc. Không ít lần, bảo tàng phải sử dụng ni-lông cỡ lớn để che hiện vật khỏi nước mưa.
Sở dĩ có tình cảnh này là bởi hàng chục năm nay, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế phải “ăn nhờ, ở tạm” tại di tích Quốc Tử Giám (đường 23/8, TP Huế) thuộc hệ thống Quần thể Di tích Cố đô Huế. Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng cho biết, dù cơ sở vật chất của Bảo tàng đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng việc sửa chữa, nâng cấp lại không hề đơn giản. Không chỉ khó khăn về mặt kinh phí mà còn bởi bảo tàng nằm ngay trên di tích nên muốn nâng cấp, sửa chữa, tu bổ đều phải thông qua đơn vị quản lý di tích và xin phép nhiều cơ quan ban ngành.
Người dân mong sớm di dời
Trước thực trạng kể trên, Đề án di dời Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế đến địa điểm mới đã được nhiều nhiệm kỳ HĐND tỉnh thông qua tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Theo Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngày 17/4/2013, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết phê duyệt quy hoạch thiết chế văn hóa tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó phấn đấu giai đoạn 2013 - 2020 đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế.
Sau khi làm việc với Bộ Quốc phòng, ngày 13/9/2016, UBND tỉnh đã có Văn bản số 5514/UBND-ĐC gửi Bộ Quốc phòng đề nghị bàn giao cho tỉnh phần khu đất tại địa chỉ 268 đường Điện Biên Phủ (vốn cho Tiểu đoàn 19 thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý) để làm Bảo tàng lịch sử. Bộ Quốc phòng sau đó đã có văn bản gửi Chính phủ và thống nhất bàn giao khu đất này cho tỉnh.
Ngày 28/3/2017, Chính phủ đã có Văn bản số 434/TTg-CN do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký gửi Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế về việc đồng ý điều chuyển tài sản khu nhà và đất ở trên đất số 268 Điện Biên Phủ sang cho UBND tỉnh quản lý và sử dụng. Ngày 25/5/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định giao đất số 1905/QĐ-UBND với tổng diện tích 7.500 m2 cho Sở VH-TT để hình thành Bảo tàng Lịch sử tỉnh.
Hàng chục năm nay, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế “ăn nhờ, ở tạm” trong khuôn viên di tích Quốc Tử Giám |
Mới đây nhất, ngày 17/10/2018, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Quyết định 2312/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư di dời và nâng cấp Bảo tàng Lịch sử tỉnh tại số 268 Điện Biên Phủ, thời gian thực hiện trong vòng 3 năm với tổng mức đầu tư hơn 14 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.
Việc đầu tư, nâng cấp Bảo tàng Lịch sử về nơi mới với mục tiêu hình thành thiết chế văn hóa phù hợp, thuận lợi cho nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của người dân, tạo thêm sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách. Thông tin này khiến người dân không khỏi vui mừng.
Theo ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Thừa Thiên – Huế, sau khi di dời, di tích Quốc Tử Giám sẽ được trả lại cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý, phát huy giá trị di sản.
“Việc di chuyển Bảo tàng Lịch sử về nơi mới cũng sẽ tạo điều kiện để trả lại không gian mở rộng phạm vi trưng bày cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế ở Quốc Tử Giám. Trong khi chờ di chuyển về nơi mới, Bảo tàng Lịch sử vẫn mở cửa và tổ chức các hoạt động như trưng bày, sưu tầm, bảo quản hiện vật, triển lãm các chuyên đề” - ông Dũng cho hay.