Đi dép buộc dây sắt, nam thanh niên bị uốn ván nguy kịch

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nam bệnh nhân mắc uốn ván nguy kịch từ vết thương do cọ xát khi đi dép buộc dây sắt, nhập viện trong tình trạng co cứng cơ cổ, ăn uống khó...

Ảnh: BV.
Ảnh: BV.

Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang vừa tiếp nhận, điều trị nam bệnh nhân P.Đ.N. (49 tuổi, trú tại Hiệp Hòa, Bắc Giang) nhập viện với chẩn đoán uốn ván mức độ nặng, cửa vào từ một vết thương nhỏ trên mu bàn chân phải do đi dép có buộc dây thép, sắt gây ra.

Trước nhập viện 2 tuần, bệnh nhân có vết thương tại vùng mu bàn chân phải do đi dép buộc dây thép sắt cọ xát cứa vào. Vì chủ quan, bệnh nhân chỉ xử lý vết thương tại chỗ, không tiêm huyết thanh kháng uốn ván (SAT).

Sau 10 ngày, thấy người có biểu hiện mệt nhiều, co cứng cơ vùng cổ, sau lan xuống vùng lưng bụng, đau mỏi 2 góc hàm, nói khó, ăn uống khó, há miệng khó, vết thương trên mu bàn chân phải đã liền. Bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Cường (Hiệp Hòa) khám và nhanh chóng chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cấp cứu.

Bệnh nhân được nhận định chẩn đoán uốn ván và điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới. Các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí cấp cứu và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.

Qua 6 ngày điều trị, bệnh nhân có biểu hiện trương lực cơ toàn thân tăng, các cơn co giật gồng cứng toàn thân tăng, suy hô hấp, tăng tiết đờm dãi nhiều ứ đọng hầu họng, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng rất cao.

Các bác sĩ đã mở hội chẩn, thống nhất mở khí quản cho bệnh nhân để kiểm soát chức năng hô hấp...

Sau 14 ngày điều trị và chăm sóc tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo, tự ngồi dậy tại giường,... Hiện tại, sau 24 ngày điều trị, người bệnh đã tỉnh táo hoàn toàn, không còn các cơn co cứng toàn thân, được rút xông dạ dày, tập ăn lại tại đường miệng, há miệng bình thường, tập nói.

Dự kiến vài ngày tới, bệnh nhân sẽ được xuất viện. Ảnh: BV.

Dự kiến vài ngày tới, bệnh nhân sẽ được xuất viện. Ảnh: BV.

Từ trường hợp trên, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang khuyến cáo: Tiêm phòng vắc xin uốn ván cho những người chưa tiêm phòng hoặc những người đã tiêm phòng nhưng chưa tiêm nhắc lại sau 5-10 năm là việc cần thiết, đặc biệt là những người có nguy cơ cao.

Đồng thời, khi bị vết thương, không chủ quan nghĩ rằng vết thương không nguy hiểm hoặc sơ cứu sai cách dẫn đến tình trạng nhập viện khi bệnh đã tiến triển nặng. Có thể rửa vết thương dưới vòi nước sạch ngay tại thời điểm xuất hiện vết thương để loại bỏ chất bẩn ra ngoài.

Nếu vết thương chảy máu và dính nhiều đất cát, nên dùng oxy già để rửa và sát khuẩn vết thương và cầm máu. Sau đó rửa lại vết thương bằng nước xà phòng rồi lau khô, sát khuẩn bằng cồn iode. Với vết thương có dị vật cần cần rửa sạch, lấy dị vật ra, vệ sinh băng bó lại vết thương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ